Nhiều vấn đề nóng cần được giải đáp

 
Theo nghị trình của Quốc hội, hôm nay 9-6, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, dự kiến kéo dài thời gian họp đến 18 giờ 30, tăng thêm 1 giờ 30 phút so với thường kỳ. Sau đó, vào tuần sau, từ 13 đến 15-6, Chính phủ và các thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến các vị “tư lệnh ngành” trong thực hiện chức trách của mình.

Cử tri rất quan tâm đến các phiên họp này, bày tỏ tin tưởng các đại biểu dân cử phải nêu ra được thấu đáo các bức xúc, thắc mắc của cử tri về các vấn đề phát sinh nóng bỏng xảy ra gần đây; với trách nhiệm của mình, các thành viên Chính phủ cũng giải trình tường tận các vấn đề người dân quan tâm, đưa ra được các giải pháp khắc phục và thời gian giải quyết, chứ không phải là các ý kiến phân tích chung chung, không rõ địa chỉ trách nhiệm… 

Trong lúc đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, sự việc phát sinh trong lĩnh vực y tế đã làm cử tri bức xúc: Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và công bố hàng loạt sai phạm trong việc mua sắm thiết bị y tế tại các địa phương. 
Cùng một loại vật tư, hóa chất nhưng mỗi nơi một giá, có loại chênh lệch đến 6 - 7 lần. Nhiều thiết bị đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng đã hỏng hoặc phải cất kho vì không phù hợp, hoặc bệnh viện không có nhu cầu sử dụng (!?). Ngoài thất thoát tiền tỷ, vụ việc còn đau lòng hơn khi 8/18 bệnh nhân suy thận chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tử vong. Đây là một sự cố quá lớn trong ngành y, gây bàng hoàng xã hội. Nguyên nhân mới nhất được công bố là do nguồn nước chạy lọc thận! Điều này đã tường minh và thuyết phục chưa, cử tri đề nghị cần được làm rõ.

Nông nghiệp nước ta nhiều năm nay luôn trong tình cảnh bấp bênh; nông dân muốn đổi đời, tăng cường sản xuất nhưng không có thị trường tiêu thụ, lại càng nghèo thêm. Người dân cả nước luôn chia sẻ với các đợt “giải cứu” nông sản, nhưng vấn đề đặt ra là phương án giải cứu có thật sự hiệu quả? Ngoài sản xuất quá khả năng tiêu thụ trong nước, một vấn đề khác cũng nhức nhối: vệ sinh an toàn thực phẩm. Nói như vậy, không có nghĩa là các sản phẩm Việt Nam đều không bảo đảm chất lượng, nhưng người dân bức xúc với việc sản phẩm chất lượng, an toàn chỉ dành để xuất khẩu do quy trình kiểm tra các nước rất nghiêm ngặt, còn không ai bảo đảm bó rau, miếng thịt bán ở chợ có an toàn không, cũng đành phải dùng hàng ngày. Mới đây ngư dân cũng vỡ mộng trong việc vay vốn hàng chục tỷ để đóng tàu vỏ thép theo chủ trương vươn khơi xa, làm ăn bài bản. 18 ngư dân ở Bình Định đã có đơn kiến nghị, phản ánh số tàu vừa nhận được ra khơi vài chuyến đã bị sự cố hỏng hóc, han rỉ do hãng đóng tàu đánh tráo nguyên liệu, vật tư thi công tàu vỏ thép. Con tàu là phương tiện kinh doanh, tài sản lớn, nhưng đồng thời cũng là “sinh mệnh” mà ngư dân giao phó nơi biển cả. Ai phải chịu trách nhiệm về việc làm ăn gian dối này?

Đó là những thứ “bắt tận tay, day tận mặt”, còn người dân, các doanh nghiệp vẫn đau đáu về môi trường kinh doanh chưa được cải thiện thực chất. Luật Doanh nghiệp mới ra đời thông thoáng hơn, tạo sức bật cho doanh nghiệp khởi nghiệp; hàng loạt nghị quyết và chỉ thị của Thủ tướng ban hành, khẳng định tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, tuy vậy sự chuyển biến trong thực thi còn có khoảng cách xa. Đến nay vẫn còn nhiều lời ta thán về việc Nhà nước can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp bằng các điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép… làm hạn chế quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Việc đưa ra nhiều điều kiện kinh doanh, thực chất là để cơ quan quản lý thể hiện quyền lực của mình, nặng xin - cho hơn là để kiểm soát chất lượng hoặc bảo đảm lợi ích người tiêu dùng. Để thúc đẩy đầu tư, sản xuất phát triển, góp phần hoàn thành chỉ tiêu GDP cao trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, cử tri kỳ vọng gấp rút nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nền kinh tế; xây dựng đội ngũ cán bộ có chuẩn chất, đáp ứng yêu cầu vì mục tiêu chung phát triển đất nước.

Một “điểm nghẽn” khác cần được phân tích thấu đáo, quyết tâm thực hiện mới mang lại sinh khí mới và hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế: doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã được đưa ra từ khá lâu, tính đến nay đã có 96,5% DNNN được cổ phần hóa. Tuy nhiên, điều mắc mứu là tổng số vốn cổ phần hóa chỉ chiếm 8% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; có nghĩa chỉ mới cổ phần hóa được “đội thuyền thúng”, chưa đụng đến các doanh nghiệp lớn. Hệ lụy của việc 92% vốn nhà nước chưa được cổ phần hóa nghĩa là chưa tạo lực hút các thành phần kinh tế khác tham gia đổi mới quản trị doanh nghiệp; kéo dài việc DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án trời ơi, mất tài sản nhà nước, gây thất thu ngân sách. Chưa đổi mới về chất DNNN thì khu vực này vẫn chèn ép với các doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực về tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội kinh doanh… Mục tiêu chung xây dựng dân giàu, nước mạnh vẫn còn cách trở?

…Các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và chất vấn các thành viên Chính phủ diễn ra trong bối cảnh Trung ương vừa công bố, ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cử tri kỳ vọng điều này sẽ tạo luồng sinh khí mới để các đại biểu phân tích thấu đáo các tồn tại, yếu kém; góp phần kiến nghị hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển, đẩy mạnh đồng bộ công cuộc cải cách vì sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh.

Tin cùng chuyên mục