Tháng an toàn giao thông (ATGT) năm 2011 đã kết thúc. Mặc dù đạt được những kết quả khả quan nhất định, nhưng vẫn còn một số tồn tại trong công tác tuyên truyền cổ động trên địa bàn đô thị lớn nhất nước. Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban ATGT TPHCM về những vấn đề liên quan.
° Phóng viên: Ông có thể cho biết kết quả thu được đến nay từ tháng ATGT?
° Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Trước hết xin lưu ý là số liệu đầy đủ tổng kết tháng ATGT năm 2011 trên địa bàn thành phố phải đến trung tuần tháng 10 mới có. Tuy nhiên vẫn có thể đưa ra một số đánh giá sơ bộ. Trong thời gian này, địa bàn thành phố không xảy ra vụ TNGT đường sắt nào, nhưng có một vụ TNGT đường thủy. Trên đường bộ đã xảy ra 33 vụ TNGT, làm chết 26 người và làm bị thương 10 người khác. So với cùng kỳ tháng ATGT năm ngoái, số vụ TNGT giảm 22%, số người chết giảm 5 người và giảm 11 người bị thương. Nếu so với 15 ngày liền kề tháng ATGT 2011, số TNGT cũng giảm đi 6 vụ, giảm 2 người chết và giảm 4 người bị thương.
° Nạn đua xe trái phép thì sao, thưa ông?
° Tình hình tụ tập, chạy xe thành đoàn, lưu thông dàn hàng ngang, lạng lách đánh võng, gây rối trật tự công cộng nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp và dàn trải trên nhiều tuyến đường thuộc nhiều quận huyện. Một số những điểm nóng nhất về nạn đua xe là trên các tuyến đường Tôn Thất Thuyết, Hoàng Diệu thuộc quận 4; Minh Phụng, Lê Đại Hành, Lạc Long Quân của quận 11; Lê Văn Quới - quận Bình Tân; Hoàng Hoa Thám, D2, Xô Viết Nghệ Tĩnh thuộc quận Bình Thạnh… Các vụ tụ tập đua xe này diễn ra chủ yếu từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau và thường rơi vào các ngày cuối tuần. Lực lượng CSGT đã phát hiện 3 tốp tụ tập, lập biên bản 355 trường hợp vi phạm, tạm giữ 146 mô tô gắn máy các loại.
° Ông đánh giá thế nào về những đạt được trong tháng ATGT năm nay?
° Một cách tổng quát, nhờ định hướng đúng nên công tác tuyên truyền đã đạt được kết quả khả quan. Hoạt động tuyên truyền được tổ chức với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng nhắm vào mọi đối tượng tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Bản thân công tác tuyên truyền lại được tập trung và các chủ đề trọng tâm như “Văn hóa giao thông đường bộ” với điểm nhấn là tuyên truyền tác hại khi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia; “Văn hóa giao thông đường thủy”…
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại: phương thức và sản phẩm tuyên truyền chưa thực sự tiếp cận được hết đến nhóm đối tượng chính thường xuyên tham gia giao thông, nhất là lứa tuổi thanh niên, người nhập cư lao động phổ thông thường xuyên đi lại bằng xe mô tô trên địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm quy tắc giao thông vẫn còn phổ biến, nổi cộm là việc ùn ứ vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều tuyến đường, nhất là trong giờ cao điểm.
° Công tác vận động tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về trật tự ATGT trên địa bàn trong thời gian tới sẽ như thế nào?
° Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào tuyên truyền các nội dung: nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; tốc độ lưu thông của phương tiện cơ giới đường bộ; ATGT đò ngang và quy tắc giao thông đường thủy nội địa; ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt và tại các đường ngang; quy tắc giao thông đường bộ cho học sinh sinh viên; tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông, người kinh doanh vận tải lẫn người thi hành nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT… Một cách tổng quát, tất cả mọi biện pháp, phương cách thực hiện tuyên truyền, cổ động, giáo dục về ATGT trong thời gian tới đều phải nhắm tới mục đích thiết thực, hiệu quả.
° Xin cảm ơn ông.
THIỆN NHÂN thực hiện