Công tác phòng cháy chữa cháy

Nhìn từ các khu dân cư dễ cháy

Nhìn từ các khu dân cư dễ cháy

9 tháng đầu năm 2005, số vụ cháy trên địa bàn TPHCM đã giảm thấp nhất so với cùng kỳ các năm gần đây. Sau hơn 1 năm tập trung chấn chỉnh, đã có 209 khu dân cư (KDC) dễ cháy được chuyển hóa thành KDC an toàn. Nhưng vẫn còn hơn 700 KDC nằm trong danh sách KDC dễ cháy. Trong đó có đến 50 KDC ở quận 4.

Ngay phía sau những dãy nhà vừa mới xây dựng trên đường Vĩnh Hội, Hoàng Diệu, Tôn Đản… là KDC phức tạp về nguy cơ cháy, với hàng trăm căn nhà được xây cất tạm bợ trong các con hẻm 148, 266, 122 Tôn Đản phường 8 quận 4. Các hẻm liên thông nhau với hơn 30 lối đi chằng chịt, không ít ngõ chiều rộng chỉ vài tấc nhưng sâu hơn 1.000m, trong đó có đoạn không thể di chuyển bằng xe gắn máy. Đã vậy, dây điện và dây điện thoại câu móc chằng chịt giăng ngang dọc phía trên đầu.

Nhìn từ các khu dân cư dễ cháy ảnh 1

Cán bộ PCCC quận 4  kiểm tra một căn nhà dễ cháy ở phường 8, quận 4.

Ông Bùi Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND phường 8 quận 4, nói: “Như vậy là đã đỡ hơn trước rất nhiều. Qua tuyên truyền vận động, bà con đã tự sửa sang nhà cửa, ngăn vách chống cháy trong từng hộ. Nỗi lo nước chữa cháy cũng được giải tỏa một phần. Trước đây, người dân phải gánh từng thùng nước sinh hoạt. Nay, hơn 1.500 đồng hồ nước đã phủ kín KDC. Tình trạng câu móc điện bừa bãi đã được cải thiện một phần nhờ sự quan tâm của lãnh đạo quận 4 và Chi nhánh điện Nhà Bè cải tạo, trồng trụ. Nhưng chúng tôi vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo cháy vì còn quá nhiều việc phải giải quyết”.

Địa bàn phường 8 còn khá nhiều “điểm nóng” dễ dẫn đến cháy. Và căn nhà số 148/12/19 Tôn Đản là một ví dụ. Nằm ngay ngã ba hẻm nhỏ, chỉ hơn chục mét vuông, nhưng căn nhà chứa đến 5 hộ gia đình sinh sống. Nguy hiểm nhất là bếp sinh hoạt chung không được che chắn. Ngay dưới chái nhà thấp lè tè, 1 bếp gas mi ni đặt trên chiếc giường tre và xung quanh nó là các vật dụng dễ cháy.

Về trường hợp này, ông Bùi Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND phường 8 quận 4, nói: “Thời gian qua, chúng tôi đã vận động kinh phí xây dựng, sửa chữa, chống dột cho hơn 40 nhà tình thương. Tuy nhiên, căn nhà 148/12/19 Tôn Đản chưa thực hiện được vì hộ này không thuộc diện chính sách. Còn vận động các hộ đang sinh sống trong căn nhà đó thì không ai chịu!”.

Nếu theo tiêu chuẩn mỗi đoạn đường 500m có 1 trụ nước chữa cháy thì TPHCM cần đến 4.000 trụ. Hiện nay, trên địa bàn đã có 3.187 trụ, như vậy còn thiếu hơn 800 trụ nước chữa cháy. Đó là chưa kể số các trụ nước chữa cháy cần phải lắp đặt trong các KDC phức tạp về cháy, nơi có hẻm sâu nguy hiểm như ở phường 8 quận 4.

Chỉ tính riêng địa bàn quận 4, ít nhất 31 trụ nước chữa cháy cần được lắp đặt trong KDC phức tạp về cháy; trong đó tại khu phố 3 và 4 (phường 8 quận 4) cần khoảng 9 trụ nước để kịp thời phục vụ công tác chữa cháy khi có sự cố xảy ra.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị PCCC TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM  Nguyễn Văn Đua đã khẳng định: “Tại TPHCM, trong thời điểm này nước không thiếu. Nhưng việc lắp đặt các trụ nước chữa cháy trong KDC cần có sự tham mưu của chính quyền địa phương, tổ dân phố và nhất là của người dân. Toàn bộ kinh phí lắp đặt ngân sách thành phố sẽ trang trải!”.

Như vậy, chủ trương đã có. Vấn đề là bao giờ sẽ được thực thi?.

Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục