Trong ngôi biệt thự tuổi đời dễ đến cả trăm năm, nhà văn hóa cố đô Huế Đỗ Trinh Huệ mời chúng tôi (trong đó có TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam khu vực miền Trung, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Đỗ Biên Quốc và vài học trò say mê văn hóa Huế) ly Anis mang từ Pháp về như thêm gia vị cho cuộc trò chuyện về bản sắc văn hóa, về hội nhập Đông - Tây, về cả ẩm thực nữa. Buổi trò chuyện thật thú vị. GS Huệ khẽ khàng nói rằng, phải có dialogue mà ta hay dịch ra tiếng Việt là “đối thoại”, thì mới “ra ngô, ra khoai”. Thật ra, theo ý GS Huệ, cụm từ “đối thoại” mà ta hiểu lâu nay vẫn chưa lột tả bản chất của từ gốc dialogue gồm 2 thành phần: dia (tiền tố tiếng Hy Lạp), có nghĩa vừa là khoảng cách, vừa là đường đi; logue (logos tiếng Hy Lạp), nghĩa là thoại. Nôm na muốn ra vấn đề như về bản sắc văn hóa, phải giữ một khoảng cách để nhìn nhau, tuần tự đến với nhau, biến cái riêng thành cái chung, thành cái dialogue phổ quát - đối thoại.
Thoát ra những khái niệm triết học cao siêu mà GS Huệ, người am hiểu tiếng Pháp và vài cổ ngữ khác như tiếng Latin hay tiếng Hy Lạp đề cập, TS Trần Đình Hằng kể chuyện là khi ông nhận người về làm ở viện ông, nếu là nữ thì ngoài yếu tố chuyên môn, ông ưu tiên hơn cho người … biết nấu 5 mâm cỗ như truyền thống ở Huế lâu nay. Tất nhiên, ý của TS Hằng không có nghĩa là “bảo thủ”, hay “khu biệt” địa phương mà ông nhấn mạnh đến “đặc thù” từng vùng miền và rộng hơn là của dân tộc Việt.
Theo thiển nghĩ của các học giả ở mảnh đất giàu truyền thống văn hóa như cố đô Huế, thì bản sắc và văn hóa phải tách biệt để hòa quyện, bản sắc là cái “đọng” và văn hóa là cái “động”. “Đọng” - bản sắc Huế - đơn giản như ẩm thực Huế với sự tinh tế hiếm có như bánh lọc, bánh bèo, bánh nậm, bánh ram ít chế biến tỉ mẩn từ bột sắn (khoai mì) hay bột gạo, được gói trong những lớp lá chuối hay lá dong. Chỉ khi bóc tách tầng tầng lớp lớp những lá và lá mới thấy tấm bánh trắng phau chấm với từng loại nước chấm riêng biệt cho từng loại bánh. Từ cái nhỏ nhẹ, chút một của món ăn Huế mới thấy được tính cách Huế “lá trúc che ngang mặt chữ điền” đầy ngưỡng mộ. TS Trần Đình Hằng có bổ sung thêm rằng, nghĩ về bản sắc văn hóa thì không nên “đông cứng” trong những khuôn mẫu cố định, nhất là đối lập giữa truyền thống và hiện đại, xưa và nay mà quên đi tính liên tục, kế thừa theo nguyên tắc loại trừ và thích ứng của các chủ thể văn hóa qua các giai đoạn lịch sử.
Như thế, có thể thấy sự “đóng” và “mở” của văn hóa rất cần cái van điều tiết mà các học giả Huế gọi là “nguồn nuôi dưỡng văn hóa”. Hiểu nôm na là các giá trị truyền thống như lễ hội, trang phục, ẩm thực đến ngôn ngữ cần được duy trì nhưng không phải theo lối “đọng” của ao tù “nước đọng” mà có “mở” và “động” để duy trì sức sống văn hóa. Như ngày nay ta có smartphone, có Harry Potter thì vẫn phải thuộc lòng Truyện Kiều, phải hiểu câu quan họ Bắc Ninh, điệu ví dặm Nghệ Tĩnh. Và cả hai không loại trừ mà bổ sung cho nhau trong một bình khí lưu thông, có dân tộc tính và vẫn có âm nhạc hiện đại, có vũ khúc rap, pop…
Nhìn rộng ra thế giới, vấn đề nhìn nhận lại bản sắc văn hóa đặc thù cũng gây tranh luận dữ dội, trở thành một vấn đề toàn cầu. Tổng thống Pháp Macron nói về “chủ nghĩa yêu nước và văn hóa đặc thù”, Tổng thống Nga Putin thì đả phá cái gọi là liberal theo nghĩa tự do tuyệt đối mà theo ông “đã lỗi thời và không còn hợp thời”. Mỗi người mỗi ý, kẻ cự tuyệt, người ủng hộ, còn chúng ta?
Có lẽ, chỉ cần bổ sung thêm những phân tích về con người Việt vừa dân tộc, vừa mang tính toàn cầu trong thời 4.0; hòa nhập nhưng không hòa tan, “đọng” nhưng vẫn “động”… - có lẽ là những vấn đề cốt lõi nhìn từ Huế.