
LTS: Nhân ngày giỗ lần thứ 12 của nhạc sĩ Xuân Hồng, chị Hồng Loan, con gái của cố nhạc sĩ đã có bài viết nhớ lại những kỷ niệm về người cha kính yêu của mình.
Tôi là đứa con gái út mà các cô chú trong Hội Âm nhạc khi đi công tác thường hay giới thiệu là út mót hay gái rượu của Xuân Hồng, tôi được sinh ra cũng khá đặc biệt. Do hoàn cảnh gia đình, con còn nhỏ lại phải lo cho cha mẹ ruột, mẹ chồng và để ba tôi yên tâm công tác nên mẹ tôi đã đưa các anh tôi về sống với ông bà ngoại tại thị xã Tây Ninh.
Rồi một ngày nọ mẹ tôi đã được các cô chú hoạt động bí mật đưa vào thăm ba tôi để ông chuẩn bị đi công tác xa. Khi trở về bà đã mang thai, lúc đó ba tôi bị kêu án tử hình khiếm diện, còn mẹ tôi thì bị địch theo dõi, vì sợ bị địch bắt không ai lo cho cha mẹ già và các con nên mẹ tôi đã bó bụng và vẫn tiếp tục đi làm thuê để kiếm tiền lo cho gia đình. Vì cuộc sống quá vất vả, quá lo sợ nên mẹ tôi đã sinh non, tôi sinh ra chỉ mới được 7 tháng và nặng 1,7kg. Nhưng có lẽ tôi là kết tinh của tình yêu quý báu mà cha mẹ tôi khó khăn lắm mới có được nên tôi đã qua cơn nguy hiểm đó và dần lớn lên.

Nhạc sĩ Xuân Hồng
Lớn lên tôi không biết mặt cha, không được gọi tiếng ba lần nào, các anh em tôi đi học giấy khai sinh thì mang họ mẹ còn cha thì vô danh. Mẹ tôi đã vất vả ngày đêm mưa nắng để lo cho anh em chúng tôi đi học, lo tròn bổn phận của người con hiền dâu thảo...
Rồi ngày vui cũng đến, ngày thống nhất đất nước, ba tôi đã trở về nguyên vẹn, gia đình chúng tôi đã gặp lại nhau mà “vui sao nước mắt lại trào”, ngày ấy tôi vừa tròn 14 tuổi được gặp mặt cha và gọi tiếng ba đầu tiên, tôi hơi ngỡ ngàng và chưa mạnh miệng lắm, từ đây anh em chúng tôi đã được mang họ cha và tên cha hẳn hòi trong giấy khai sinh, tôi nghĩ mình quá may mắn và tôi rất quý trọng hạnh phúc này.
Ba mẹ tôi và các anh tôi đã về sống tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1975, riêng tôi vẫn còn ở lại Tây Ninh để học hết cấp 3 và khi đậu vào đại học tôi mới về sống tại thành phố. Nếu tính kỹ thì tôi đã sống gần cha mình 16 năm, với những năm gần gũi ấy tôi đã được ông dạy cho rất nhiều điều trong cuộc sống, sống phải chân thật, không đua đòi, phải lạc quan... Đối với ba tôi bữa ăn thật đơn giản, chỉ cần vài con khô nướng, một chén nước mắm ớt, một đĩa rau luộc, nước rau thì làm canh là quá ngon rồi.
Năm 1988 một tai nạn xe đã cướp đi sinh mạng người anh trai kế tôi, cha tôi đã nén nỗi đau vào lòng, không để mẹ tôi nhìn thấy ông đã khóc một mình và tôi đã nghe ông nói “Tại sao không để tôi đi thay con tôi, nó còn trẻ quá mà”, tôi nghe mà đau lòng quá.
Ba tôi đã chăm sóc mẹ tôi rất chu đáo, lo kiếm thầy thuốc đông tây y có đủ khi mẹ tôi bị bệnh, ông còn đi chợ mua trái cây, mua rau về nấu ăn nữa, tôi nhớ có hôm ông mua một trái dưa hấu trước cửa Hội Âm nhạc và buộc phía sau xe, khi về đến nhà ông gọi mẹ tôi và nói “Tôi mua một trái dưa ngon lắm cho mẹ nó nè” nhưng khi quay lại thì dưa đâu không thấy chỉ còn sợi dây thôi, thì ra dưa đã rơi dọc đường rồi mà ba tôi không hay.
Khi bản thân mình bị bệnh ba tôi không hề hé răng nói một lời nào vì sợ vợ và các con lo lắng. Ngày cuối cùng trong bệnh viện khi mẹ tôi vào thăm và đòi ở lại thì ba tôi bảo “Tôi khỏe mà không sao đâu, mẹ nó cứ về nhà nghỉ đi, ở đây có bác sĩ và có các con mà”. Buổi sáng đó ba tôi vẫn khỏe và còn nói đùa với các cô y tá nhưng đêm đó ba tôi đã không còn do bị lên cơn hen suyễn. Ông đã ra đi quá nhanh mà chưa kịp nói gì với gia đình và bạn bè.
Tôi học ngành hóa và đi làm hơn 10 năm nhưng có lẽ không có duyên với ngành mình đã chọn, sức khỏe lại không được tốt nên tôi đã quyết định bỏ ngành. Ba tôi bảo thôi con ráng học thêm ngoại ngữ và vi tính ba sẽ tìm việc khác cho con, tôi đã học xong chưa tìm được việc thì ba tôi đã ra đi vĩnh viễn, lần này không có ngày gặp mặt như xưa nữa. Có lẽ vì vẫn còn lo cho con nên khiến xui thế nào mà sau khi ba tôi mất, chú Diệp Minh Tuyền đã gọi điện và bảo tôi về làm tại văn phòng Hội Âm nhạc từ đó cho đến nay.
Làm việc tại hội đã 12 năm, đối với tôi nơi đây là mái nhà thứ hai với đầy những tình cảm quý mến mà các bác, các cô chú, anh chị văn nghệ sĩ trong giới âm nhạc cũng như ngoài giới thương mến nhạc sĩ Xuân Hồng đã dành lại cho tôi, đứa con gái của ông, một thứ tình cảm vô giá mà không tiền bạc nào có thể mua được. Được làm ở Hội Âm nhạc, tôi vẫn như còn nhìn thấy ba mình, được nghe kể lại những câu chuyện về ông khi ông còn sống với những lời kể hết sức trìu mến và dí dỏm của các đồng nghiệp của ba tôi.
Và hôm nay những tình cảm yêu mến ấy lại một lần nữa được thể hiện với việc Hội Âm nhạc TPHCM, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang cùng biên tập và thực hiện quyển sách viết về nhạc sĩ Xuân Hồng.
Mấy năm nay, ngày giỗ của ba tôi chỉ có mấy mẹ con mà thôi vì mẹ tôi không được khỏe nên gia đình không tổ chức to để mời bạn bè của ông đến dự. Đặc biệt ngày giỗ năm nay, ngoài mâm cơm đơn giản ấm áp của gia đình, một đĩa trái cây, một bình hoa tươi, tôi đã để thêm lên bàn thờ ông một quyển sách, quyển sách đầy tình cảm của các cô chú, các anh chị đồng nghiệp của ông. Thắp 3 nén hương tôi thầm nói: Ba hãy yên tâm, anh em chúng con sẽ chăm sóc mẹ thật tốt và luôn ghi nhớ những gì ba đã dạy chúng con khi còn sống. Đối với gia đình, với bạn bè của ba, ba vẫn như còn đó, còn như những tác phẩm mà ba đã để lại.
Hồng Loan