“Lá phổi” của các đô thị Việt Nam

Nhỏ bé và tự phát

Nhỏ bé và tự phát

Những thống kê rất đáng lưu ý về “lá phổi xanh” của các đô thị Việt Nam mới đây đã được các nhà khoa học công bố: Chỉ tiêu về diện tích cây xanh trên đất tự nhiên đô thị Việt Nam trung bình chỉ đạt 0,5m2/người, thấp hơn hàng chục lần so với các thành phố hiện đại trên thế giới.

Không những tỷ lệ xanh ở các đô thị VN thấp mà còn phân bố không đều. Hà Nội và TPHCM có tỷ lệ diện tích đất cây xanh khoảng 2m2/người.

Cùng là đô thị loại 1 nhưng tỷ lệ đất dành cho cây xanh ở Đà Nẵng chỉ đạt 0,5m2/người, thành phố Huế đạt 10,2m2/người. Đáng ngạc nhiên hơn nữa, tỷ lệ này đặc biệt thấp tại các vùng trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên!

Tại Biên Hòa (Đồng Nai) – thành phố công nghiệp lâu đời và lớn nhất Đông Nam bộ, tỷ lệ cây xanh đạt chưa đầy 1m2/người. Dọc theo các tuyến đường nội ô và quốc lộ rất ít cây xanh, đặc biệt là gần như không có thảm cỏ. TPHCM cũng được cảnh báo về tình trạng nhiều khu chung cư mọc lên mà không có hoặc có rất ít diện tích xanh.

Nhỏ bé và tự phát ảnh 1
Đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận không có cây xanh. Ảnh: CAO THĂNG

Để tăng tỷ lệ cây xanh đô thị cho phù hợp với quy hoạch xây dựng và phát triển bền vững đô thị, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 20/2005/TT-BXD về hướng dẫn công tác quản lý cây xanh đô thị, áp dụng cho mọi tổ chức và cá nhân có liên quan trên toàn quốc.

Theo đó, việc trồng cây xanh đô thị phải thực hiện theo quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch chuyên ngành cây xanh. Chủng loại cây phải mang bản sắc địa phương, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, đồng thời đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về sử dụng, mỹ quan, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường đô thị.

Cây xanh đưa ra trồng phải đảm bảo tiêu chuẩn: Cây bóng mát có chiều cao tối thiểu 3m và đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn tối thiểu 6cm, tán cây cân đối, không sâu bệnh, thân cây thẳng…

Hơn 6 tháng sau khi thông tư trên được ban hành, Hiệp hội Cây xanh đô thị cũng đã được thành lập. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hiệp hội: “Nhìn chung công tác quy hoạch và quản lý công viên, cây xanh còn chưa đạt yêu cầu, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước chưa cao.

Việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng trên đường phố, vườn hoa, công viên vẫn mang tính tự phát, thiếu sự lựa chọn, bố trí loại cây trồng phù hợp. Mô hình tổ chức các đơn vị quản lý, phát triển công viên, cây xanh chưa rõ, thiếu thống nhất, kể cả ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Cơ chế, chính sách để tạo động lực thúc đẩy, khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia phát triển hệ thống công viên, cây xanh đô thị cũng rất thiếu”.

Ông Lê Văn Cư, Viện Kinh tế Xây dựng, cho rằng: “Do việc trồng cây xanh chủ yếu là… dịch vụ công ích nên Nhà nước cần tiếp tục ban hành định mức duy trì cây xanh đô thị phục vụ cho việc đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ trồng cây nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn, mỹ quan, môi trường đô thị và tiết kiệm nguồn vốn ngân sách.

Các công việc của công đoạn ươm cây giống, trồng cây có thể được xã hội hóa (Nhà nước không ban hành định mức, mà giá cả dịch vụ có thể được xác định theo cơ chế thị trường).

Cơ chế quản lý định mức cần được tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương theo hướng giao cho chính quyền điều chỉnh, bổ sung định mức khi áp dụng định mức chung do Bộ Xây dựng ban hành để phù hợp với đặc điểm thực hiện dịch vụ duy trì cây xanh đô thị của từng địa phương, đặc biệt là phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương”.

Một khía cạnh cũng rất đáng lưu ý nữa là giữ gìn bản sắc dân tộc trong lĩnh vực trồng cây xanh. TS KTS Nguyễn Đăng Khôi nhận xét, vấn đề bản sắc dân tộc hầu như chưa được chú ý đến khi chọn trồng cây xanh ở các đô thị nước ta, kể cả các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng… “Suốt dọc đường Lê Đức Thọ và xung quanh khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) đều trồng cau bụng, khiến người ta có cảm giác như đây là khu vực nào đó ở một nước châu Phi khô hạn!”, ông nói.

Thứ trưởng Trần Ngọc Chính khẳng định: “Để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng “sa mạc hóa đô thị”, trong thời gian tới, các địa phương cần triển khai công tác lập quy hoạch mạng lưới cây xanh đồng bộ, trong đó xác định rõ một số loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hóa, tập quán dân cư…; quy hoạch chi tiết cho các tuyến phố chính những loại cây xanh đặc trưng, tạo sự hài hoà giữa thiên nhiên - con người - kiến trúc, tạo bản sắc đặc trưng của đô thị”.

Ông khuyến cáo các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội không nên phát triển các khu đô thị có diện tích nhỏ hẹp mà nên khuyến khích đầu tư vào các dự án khu đô thị có diện tích lớn (hàng chục) để nhà đầu tư dễ dàng quy hoạch các mảng xanh cần thiết.

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với cây xanh đô thị

1. Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng; trồng các loại cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

2. Các hành vi xâm hại cây xanh đô thị như:

- Tự ý chặt hạ, đánh chuyển di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây.

- Tự ý xây bục bệ bao quanh gốc cây, giăng dây, giăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép.

3. Các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý không thực hiện đúng các quy định về duy trì, chăm sóc và phát triển cây xanh đô thị.

(Trích Thông tư 20 của Bộ Xây dựng)

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục