Nhớ chiếc vòng gặt thân thương

Một ngày đầu năm 2018, chúng tôi ghé thăm lão nông Bảy Quí (Lâm Ngọc Quang), ở tỉnh Hậu Giang. Ông là một trong những nông dân được vinh danh tại kỳ Festival lúa gạo đầu tiên năm 2009, tổ chức tại Hậu Giang.
“Có lẽ kỷ niệm đẹp nhất của đời nông dân như tui là có chiếc vòng gặt được Viện Lúa quốc tế (IRRI) xin đem về trưng bày như một “chiến tích” của nền văn minh lúa nước Việt Nam”, bước sang tuổi 72, lão nông Bảy Quí bùi ngùi nhớ. Câu nói của ông gợi nhớ nhiều kỷ niệm về chiếc vòng gặt.  
Bảy Quí là 1 trong số 50 nông dân từ 34 tỉnh, thành trong cả nước được tôn vinh và nhận bằng khen của Bộ NN-PTNT về “Nông dân sáng tạo - sản xuất lúa giỏi” tại Festival lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Hậu Giang. Lướt qua thành tích của nông dân Bảy Quí, hẳn nhiều nông dân “mắc thèm”: Gần 20 bằng khen từ nhiều cấp khác nhau.
Trong đó, tấm bằng khen năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ: “Đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi từ năm 2003-2007, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc” được ông Bảy Quí treo trang trọng trong nhà. Ông biết, giờ là thời máy cắt lúa xếp dãy, máy cắt liên hợp và phải giã từ làm lúa khi “trông trời sa mưa” để thay thế bằng giống lúa cao sản, phẩm cấp cao... Những nông dân như Bảy Quí đã tạo nên kỳ tích cho con đường lúa gạo, nâng cao vị thế cường quốc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Diện tích đất lúa của ĐBSCL chỉ khoảng 1,7 triệu ha nhưng nhờ làm 3 vụ/năm nên vòng xoay của đất trồng lúa đạt 4 triệu ha. Bảy Quí nhận ra những giá trị của các tiến bộ kỹ thuật phục vụ trong nông nghiệp, nên ông luôn là người tiên phong thực hiện xuống giống bằng máy sạ hàng, áp dụng IPM, “3 giảm, 3 tăng”... vào sản xuất lúa giống. Và vụ đông xuân kéo dài từ những ngày cuối năm Tân Mão sang Nhâm Thìn, những nông dân như Bảy Quí đang tiếp cận cách trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP.
Khi chiếc vòng gặt “cổ điển” của nông dân Nam bộ xếp vào “xó bếp”, còn chiếc vòng gặt của Bảy Quí được trưng bày hẳn hoi ở Viện Lúa quốc tế. Năm 1986, khi vừa tròn 15 tuổi, lần đầu tôi được cha tôi dạy cách cầm vòng gặt cắt lúa mùa. “Có 2 điều quan trọng đối với người gặt lúa, đó là bộ pháp - thế đứng phải vững, khi ngoéo vòng gặt gom và cắt lúa phải nhẹ nhàng nhưng dứt khoát”.
Thực hành một lúc tôi mới biết, đây là 2 điểm nhấn quan trọng khi gặt để lúa không rụng từ bông xuống đồng ruộng. Nông dân rất xót lòng khi thấy lúa rụng. Tôi nhớ như in, chiếc vòng gặt “độ” của cha tôi bóng lưỡng như mặt của bộ ván ngựa. Đó cũng là dấu hiệu “chiến trường”, hay nói đúng hơn là thâm niên của vòng gặt - sử dụng lâu ngày càng bóng do cọ xát nhiều với thân lúa. Người nào đứng đồng, cắt lúa được một công tầm lớn (khoảng 1.300m2) trong ngày được xem cao thủ.
Năm 2017 khép lại, nông dân ĐBSCL vui mừng khi giá lúa ổn định ở mức cao cả năm. Sản lượng lúa ĐBSCL trong 3 năm qua luôn duy trì ở ngưỡng 25 triệu tấn. Ngày nay, khi tiến lên làm lúa 2-3 vụ trong năm, chiếc vòng gặt “cổ điển” đã nhường chỗ cho máy gặt đập liên hợp. Giờ đây, chiếc vòng gặt “cổ điển” chỉ còn là ký ức đối với nhiều người. Riêng tôi, vẫn nhớ da diết chiếc vòng gặt của cha tôi, nhớ cả đôi chân trần chai sạn trên đồng ruộng. Cảm ơn chiếc vòng gặt của lão nông Bảy Quí đang nằm đâu đó ở Viện Lúa quốc tế! 

Tin cùng chuyên mục