Nhớ chú Hai!

Nghe tin chú Hai mất, bao nhiêu kỷ niệm về chú cứ luôn hiển hiện. Hình ảnh người lãnh đạo bình dị, chân phương, hết lòng vì công việc và gần gũi với con người ấy vẫn như còn đây, vẫn như ngày nào, như mới vừa hôm qua được gặp.
Nhớ chú Hai!

Nghe tin chú Hai mất, bao nhiêu kỷ niệm về chú cứ luôn hiển hiện. Hình ảnh người lãnh đạo bình dị, chân phương, hết lòng vì công việc và gần gũi với con người ấy vẫn như còn đây, vẫn như ngày nào, như mới vừa hôm qua được gặp.

Chú Hai là một nhà lãnh đạo thuộc thế hệ của phong trào Thanh niên tiền phong, thế hệ tham gia và làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chú Hai có hơn 10 năm làm Bí thư Tỉnh ủy Long An và Khu ủy khu 8 trong thời kỳ trước và sau Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Chú Hai gắn bó với thành phố này từ chiến dịch giải phóng Sài Gòn và sau này có 10 năm làm Bí thư Thành ủy TPHCM  (1986 - 1996) – 10 năm đầu của thời kỳ đổi mới.

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Trần Chí (thứ hai từ trái qua) và các đồng chí lãnh đạo TP cùng các bạn trẻ trò chuyện tại một buổi mít tinh. Ảnh: Tư Liệu

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Trần Chí (thứ hai từ trái qua) và các đồng chí lãnh đạo TP cùng các bạn trẻ trò chuyện tại một buổi mít tinh. Ảnh: Tư Liệu

Chú Hai có một cuộc đời cách mạng dày dạn, từng trải nhưng luôn ít nói về mình, ít kể công trạng của mình. Khi đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy, chú đã nói: Đây là một điều quá sức. Và ngay từ đầu, chú đã có suy nghĩ và phát biểu với Thành ủy là làm thế nào “nối dài” đầu óc của mình với cả tập thể và quần chúng nhân dân. Những trăn trở của chú cũng là những đơn đặt hàng đối với những con người tâm huyết, với những trí thức yêu nước bất kể nguồn nào.

Chú Hai không có học hàm, học vị (thuở nhỏ học qua Sơ học yếu lược Pháp, sau này có học tập trung ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và học lý luận ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô) nhưng nhiều người cho rằng chú Hai là một nhà trí thức. Đó là một nhà trí thức có hiểu biết sâu sắc về con người, về thực tiễn cuộc sống lớn lao của thành phố, đất nước và thời đại.

Khi làm Bí thư Thành ủy, trong chỉ đạo luôn chú ý vận dụng các hình thức kinh tế quá độ của Lênin (áp dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước), đã nghiên cứu vận dụng các nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của thành phố một cách năng động, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực và thẳng thắn đóng góp ý kiến với Trung ương, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước và thành phố. Trong thực tế, chú Hai đã cùng Đảng bộ và nhân dân thành phố khắc phục nhiều mặt mất cân đối lớn, đưa các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội… trên địa bàn đi dần vào ổn định và có sự tăng trưởng.

Chú Hai là một nhà lãnh đạo biết lắng nghe, không chỉ nghe bằng các giác quan mà nghe bằng cả trí tuệ và tấm lòng mình. Chú Hai đã truyền được cảm hứng, niềm say mê và những nung nấu của mình để tất cả cùng nghĩ, cùng làm cho sự chuyển mình đi lên của thành phố.

Dấu ấn mà chú Hai in đậm có lẽ là chương trình thành phố tiến ra biển Đông, là Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, là con đường Bắc Nhà Bè, Nam Bình Chánh - đường Nguyễn Văn Linh, là cảng Hiệp Phước…

Dấu ấn mà chú Hai tập trung chỉ đạo còn là Quỹ xóa đói giảm nghèo, là những việc làm chăm lo đời sống người lao động, là những công trình quy tập hài cốt ở Nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi, là Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc ở quận 9…

Chú Hai ít nói nhưng cán bộ cấp dưới nhìn thấy ở chú – một người lãnh đạo có tầm nhìn, luôn có đòi hỏi hướng về phía trước, luôn có sự đồng cảm, chia sẻ. Không ít cán bộ cho rằng, khi có khó khăn đã tìm tới chú và bao giờ cũng nhận được sự an ủi, động viên.

Thời chú Hai làm người đứng đầu thành phố, công tác xây dựng Đảng và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được xem trọng, nhìn chung có sự đánh giá vô tư và khách quan.

Điều chú Hai luôn tâm đắc là người lãnh đạo nếu chỉ chuyển được mình thôi thì hoàn toàn chưa đủ, vấn đề quyết định là phải tạo sự chuyển động cho được toàn Đảng, toàn dân. Và trong thực tế, chú Hai được xem là trung tâm đoàn kết trong Đảng, có khả năng tập hợp các tầng lớp, các lực lượng (công, nông, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà doanh nghiệp, người Hoa…) vì sự nghiệp chung.

Nhiều người công tác cùng thời với chú đã nhận xét, chú Hai ít lời mà sâu sắc, kỷ cương mà bao dung, chân chất mà trí tuệ, luôn gắn thực tiễn với lý luận, không quan liêu, giáo điều…

Sau này, khi rời vị trí lãnh đạo, chú Hai vẫn tiếp tục đảm đương việc sưu tầm và biên soạn Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục nghiên cứu những vấn đề lớn của đất nước và thành phố. Chú Hai thường góp ý cho Thường trực Thành ủy và Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố những vấn đề về quy hoạch đô thị, về cách thành phố vươn ra biển, về công tác quản lý nhà nước và xây dựng Đảng… Có những chuyên đề tâm đắc, chú cũng hay tập hợp, lặng lẽ gửi cho từng người. Điều mà chú Hai luôn đau đáu là làm thế nào để sự lãnh đạo đáp ứng với đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới.

Cuộc đời và sự nghiệp của chú Hai gắn với việc chung, nặng nợ với việc chung.

Chú Hai sống thanh thản và ra đi thanh thản.

Những gì mà chú Hai để lại đáng để chúng ta trân trọng và nghiền ngẫm.

Xin tri ân chú Hai với tất cả những gì chú dành cho thế hệ đi sau.

Xin kính cẩn tiễn biệt chú Hai Chí – một nhà lãnh đạo luôn phấn đấu không ngừng nghỉ, luôn hướng tới chữ Tài và chữ Tâm trong sáng.

Phạm Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục