Vài cơn mưa đầu mùa có lẽ vẫn chưa đủ sức xua đi cái nắng hè oi bức nhưng nồng nàn mùi cỏ ngọt trên những cánh đồng lúa bạt ngàn. Dừng xe dưới tán tràm vi vu gió, ngồi bệt xuống cỏ, lòng người phương xa bất chợt thanh thản và nhẹ nhàng đến lạ. Nhìn thảm lúa vàng rơi trải dài ngút tầm mắt, rực rỡ trong nắng vàng, bỗng dưng chợt nhớ và thèm quay quắt cái mùi khói đốt đồng. Cái mùi khói ám màu rơm rạ ấy đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ tôi thành một vệt dài nỗi nhớ. Bởi thế nên dù có xa quê cách mấy, dẫu có xa đồng ruộng bao lâu, trong lòng tôi vẫn không nguôi nỗi nhớ. Đã rất lâu rồi tôi chưa được hít thở cái mùi rơm rạ ấy.
Thật ra, tập quán đốt đồng đã có từ rất lâu đời. Đồng bằng Nam bộ nói chung và miền Tây Nam bộ nói riêng được trời phú cho điều kiện thiên nhiên hiền hòa, những đồng ruộng màu mỡ “cò bay thẳng cánh”. Nhưng ngày trước, khoa học kỹ thuật còn chưa phát triển, việc cấy trồng thời kinh tế tự túc hầu như mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa. Quãng ra giêng thóc lúa đã đầy bồ, thời gian nông nhàn là lúc người dân băng đồng tìm săn chuột, móc cua, ếch, bắt rắn theo các bờ ranh ruộng, dọc các triền bưng. Thường khoảng tháng tư, tháng năm là thời gian bà con nông dân bắt đầu phơi đất để chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Đây cũng bắt đầu mùa đốt đồng. Đến tháng sáu, khi trời bắt đầu mưa thì mọi việc dẫn nước ngâm đất, cày bừa đều phải xong đâu vào đấy để kịp gieo mạ. Theo các bậc lão nông tri điền, người nông dân quê mình muốn gieo trồng vụ sau thì phải tốn công sức và thời gian cho việc thu dọn rơm để lên bờ. Thấy bất tiện, bà con nảy ra sáng kiến đốt rơm.
Trời nắng đổ lửa là vậy nhưng thật lạ, đám cỏ ống thì mọc đầy và xanh um. Ruộng nào ít rạ thì người dân ôm rơm ra rải thêm. Trời vừa lưng nắng, người ta xách con cúi (cũng được vấn từ rơm) ra đồng để đốt. Cứ xuôi theo chiều gió, mỗi mẫu ruộng châm vài mồi lửa, gió bùng lên, lửa cháy rực đỏ đồng. Trẻ con chạy theo coi đốt đồng là một thú vui ở chốn miền quê này. Đám trẻ không quên vùi vào rơm những chiến lợi phẩm từ ruộng đồng: khi thì trái bắp, con cá, lúc là con rắn, xâu ếch nướng trui, chấm cùng muối ớt. Không phải ngẫu nhiên mà những hình ảnh rất đỗi bình dị này đã đi vào thơ, vào nhạc, ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ nhà nông. Chẳng thế mà nhạc sĩ - nhà thơ Diệp Minh Tuyền đã cảm hứng với hình ảnh này trong bài thơ Mùa đốt đồng: “Gió phóng túng thổi trên đồng bát ngát/ Gốc rạ phơi vàng nghệ giữa trời/ Ai châm lửa cho cánh đồng bốc cháy/ Dựng giữa chiều từng cột sóng rong chơi”. Cũng yêu mến hình ảnh thân thuộc này, nhạc sĩ Bắc Sơn đã thả lòng để những nốt nhạc thăng hoa: “Nắng hạ đi, mây trôi lang thang cho hạ buồn. Coi khói đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng…”. Có lẽ, những ai đã từng trải qua tuổi thơ với những mùa khói đốt đồng sẽ thấm thía hơn khi nghe lời bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ tài hoa.
Hết rơm rạ, lửa tắt, để lại trên mặt ruộng một lớp tro đen đọng lại, vừa để rửa phèn vừa trở thành thứ phân bón tự nhiên cho đất. Những loại sâu bọ hay mầm bệnh, mầm cỏ cũng bị tẩy trừ. Mùi rơm rạ khô cháy, những làn khói mờ đục phảng phất gắn liền với biết bao nỗi niềm của người nông dân. Đồng đốt xong chừng nửa tháng hoặc mươi ngày là trời đổ mưa. Nước ngập lỗ nẻ, nước ngấm từng chân rạ, từng thớ đất mềm ra. Thêm một hai cơn mưa nữa là nước lên, người ta bắt trâu cày, mùa vụ mới đã chính thức khởi động. Nói đúng hơn, đốt đồng trở thành một nét văn hóa nông nghiệp của người dân Nam bộ.
Những đứa con xa quê không dễ gì bắt gặp được hình ảnh này. Nắng dịu vàng thẫm, gió vi vu, khói đốt đồng ngun ngút, trắng đục tỏa khắp cánh đồng như vẽ nên một bức tranh làng quê Việt Nam yên ả, thanh bình. Khói vào mắt hơi cay cay nhưng mùi của khói thì thơm lừng không thể nào tả xiết. Có lẽ, trong mùi thơm của rơm rạ quê mình, còn là mùi yêu thương của đất mẹ, có cả mùi mồ hôi tần tảo từ những tấm áo bạc màu của cha, của mẹ, của các chị, các anh. Đốt đồng xong, những bó rơm còn lại được chất thành đống, qua vài bận nắng mưa sẽ mọc lên những tai nấm rơm tự nhiên thơm ngọt đến vô cùng. Ngày nay, lúa được làm luân canh tăng vụ, không khí đốt đồng cũng không còn nhộn nhịp như trước. Theo thời gian, một nét văn hóa, một tập quán canh tác xưa đã ít nhiều phai nhạt.
Buổi chiều, lòng bỗng nghe xốn xang biết bao khi thấy những vệt khói dài mờ mờ ảo ảo còn sót lại trên những mảnh ruộng trơ gốc rạ đen sì. Vậy là mùa đốt đồng vừa mới đi qua...
Thật ra, tập quán đốt đồng đã có từ rất lâu đời. Đồng bằng Nam bộ nói chung và miền Tây Nam bộ nói riêng được trời phú cho điều kiện thiên nhiên hiền hòa, những đồng ruộng màu mỡ “cò bay thẳng cánh”. Nhưng ngày trước, khoa học kỹ thuật còn chưa phát triển, việc cấy trồng thời kinh tế tự túc hầu như mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa. Quãng ra giêng thóc lúa đã đầy bồ, thời gian nông nhàn là lúc người dân băng đồng tìm săn chuột, móc cua, ếch, bắt rắn theo các bờ ranh ruộng, dọc các triền bưng. Thường khoảng tháng tư, tháng năm là thời gian bà con nông dân bắt đầu phơi đất để chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Đây cũng bắt đầu mùa đốt đồng. Đến tháng sáu, khi trời bắt đầu mưa thì mọi việc dẫn nước ngâm đất, cày bừa đều phải xong đâu vào đấy để kịp gieo mạ. Theo các bậc lão nông tri điền, người nông dân quê mình muốn gieo trồng vụ sau thì phải tốn công sức và thời gian cho việc thu dọn rơm để lên bờ. Thấy bất tiện, bà con nảy ra sáng kiến đốt rơm.
Trời nắng đổ lửa là vậy nhưng thật lạ, đám cỏ ống thì mọc đầy và xanh um. Ruộng nào ít rạ thì người dân ôm rơm ra rải thêm. Trời vừa lưng nắng, người ta xách con cúi (cũng được vấn từ rơm) ra đồng để đốt. Cứ xuôi theo chiều gió, mỗi mẫu ruộng châm vài mồi lửa, gió bùng lên, lửa cháy rực đỏ đồng. Trẻ con chạy theo coi đốt đồng là một thú vui ở chốn miền quê này. Đám trẻ không quên vùi vào rơm những chiến lợi phẩm từ ruộng đồng: khi thì trái bắp, con cá, lúc là con rắn, xâu ếch nướng trui, chấm cùng muối ớt. Không phải ngẫu nhiên mà những hình ảnh rất đỗi bình dị này đã đi vào thơ, vào nhạc, ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ nhà nông. Chẳng thế mà nhạc sĩ - nhà thơ Diệp Minh Tuyền đã cảm hứng với hình ảnh này trong bài thơ Mùa đốt đồng: “Gió phóng túng thổi trên đồng bát ngát/ Gốc rạ phơi vàng nghệ giữa trời/ Ai châm lửa cho cánh đồng bốc cháy/ Dựng giữa chiều từng cột sóng rong chơi”. Cũng yêu mến hình ảnh thân thuộc này, nhạc sĩ Bắc Sơn đã thả lòng để những nốt nhạc thăng hoa: “Nắng hạ đi, mây trôi lang thang cho hạ buồn. Coi khói đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng…”. Có lẽ, những ai đã từng trải qua tuổi thơ với những mùa khói đốt đồng sẽ thấm thía hơn khi nghe lời bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ tài hoa.
Hết rơm rạ, lửa tắt, để lại trên mặt ruộng một lớp tro đen đọng lại, vừa để rửa phèn vừa trở thành thứ phân bón tự nhiên cho đất. Những loại sâu bọ hay mầm bệnh, mầm cỏ cũng bị tẩy trừ. Mùi rơm rạ khô cháy, những làn khói mờ đục phảng phất gắn liền với biết bao nỗi niềm của người nông dân. Đồng đốt xong chừng nửa tháng hoặc mươi ngày là trời đổ mưa. Nước ngập lỗ nẻ, nước ngấm từng chân rạ, từng thớ đất mềm ra. Thêm một hai cơn mưa nữa là nước lên, người ta bắt trâu cày, mùa vụ mới đã chính thức khởi động. Nói đúng hơn, đốt đồng trở thành một nét văn hóa nông nghiệp của người dân Nam bộ.
Những đứa con xa quê không dễ gì bắt gặp được hình ảnh này. Nắng dịu vàng thẫm, gió vi vu, khói đốt đồng ngun ngút, trắng đục tỏa khắp cánh đồng như vẽ nên một bức tranh làng quê Việt Nam yên ả, thanh bình. Khói vào mắt hơi cay cay nhưng mùi của khói thì thơm lừng không thể nào tả xiết. Có lẽ, trong mùi thơm của rơm rạ quê mình, còn là mùi yêu thương của đất mẹ, có cả mùi mồ hôi tần tảo từ những tấm áo bạc màu của cha, của mẹ, của các chị, các anh. Đốt đồng xong, những bó rơm còn lại được chất thành đống, qua vài bận nắng mưa sẽ mọc lên những tai nấm rơm tự nhiên thơm ngọt đến vô cùng. Ngày nay, lúa được làm luân canh tăng vụ, không khí đốt đồng cũng không còn nhộn nhịp như trước. Theo thời gian, một nét văn hóa, một tập quán canh tác xưa đã ít nhiều phai nhạt.
Buổi chiều, lòng bỗng nghe xốn xang biết bao khi thấy những vệt khói dài mờ mờ ảo ảo còn sót lại trên những mảnh ruộng trơ gốc rạ đen sì. Vậy là mùa đốt đồng vừa mới đi qua...