Tùy bút:

Nhớ lá

Xưa, nhà tôi nằm lọt thỏm giữa khoảnh đất rộng chừng hai công. Ba mẹ tôi trồng đan xen nhiều thứ cây khác nhau, hầu như loại gì cũng có. Tuổi thơ mấy chị em tôi gắn liền với cây lá, hoa quả, với màu xanh. Chẳng cần bước chân ra khỏi cửa, thậm chí ngồi trong nhà cũng thấy bọn dây leo bò cả lên vách, từng sợi mỏng manh mà dai dẳng, đầy sức sống. 
Nhớ lá

Đám con nít ngày đó hay bày ra món nhà chòi, dựng mấy cái cành cây khô làm cột, dùng lá dừa lợp mái, chèn thêm những tán lá chuối để che nắng. Chơi đồ hàng cũng lấy lá non xắt nhỏ ra, giả làm thức ăn. Với một đứa trẻ con nhiều mơ mộng, mỗi khi cầm một chiếc lá trên tay luôn cảm thấy cuộc sống sao mà kỳ diệu. Lá to lá nhỏ, màu sắc hình dáng cũng khác nhau. Nhắm chặt mắt lại, chỉ cần nghe mùi thôi là có thể phân biệt được lá rồi.

Hồi đó, bữa cơm ngày nào cũng đầy rau lẫn các loại lá ăn sống. Lá chùm ruột, lá cóc, sen non, đinh lăng. Nồi ốc luộc chiều mưa thơm lựng mùi lá ổi, lá xả. Nhạt miệng có bánh lá mít, lá mơ mẹ làm. Ngày nắng có ly nước sâm ngòn ngọt, được chế biến từ nắm lá vò nát đợi đông lại, ngon lành, mê ly. Chỉ cần ra vườn quơ một lát là có ca nước mát giải nhiệt. Cảm bệnh thì bắc nồi lá xông… Cây lá cũng có cuộc đời hữu ích của nó. 

Những loại lá to còn hữu dụng hơn nhiều. Người thôn quê đi chợ về, mở giỏ lấy ra mớ tép đồng, con cá hay mấy cái trứng vịt được gói trong lá chuối, lá sen, lá bàng. Lá khiến cho người ta vui, buồn, bâng khuâng, xao xuyến vì ký ức lao xao. Lá nằm trong trang sách, lá rụng trong vườn, lá thưa thớt trên cành, lá đội trên đầu hôm ấy ta về, trời đang chang nắng bỗng đổ cơn mưa rào…

Xưa, không chỉ bình dân nhà nghèo mới gói lá. Cắt lá về dùng như một phần tất yếu của cuộc sống vậy. Rồi liền kề sau đó là thời của bịch ni lông, của túi xốp, của cơm hộp, của những cái hộp nhựa hiện đại ngập tràn. Như một quy luật đào thải của tự nhiên, cơn lốc mang tên công nghiệp “melamine” ấy qua nhanh, lác đác xuất hiện những món đồ… giả.

Ví như cái đĩa thoạt nhìn thoáng qua tưởng đâu là một phần của tàu lá chuối cắt ra vậy. Cũng có cuống, cũng xanh, cũng gân lá mờ mờ, y thật. Đâu đó trên phố đã lác đác có chỗ xài lá chuối thay cho lót giấy, đựng bịch ni lông. Phải chăng người ta bắt đầu tiếc nhớ cái thời nhìn đâu cũng thấy lá quanh mình? Hay sau một khoảng thời gian “phản bội” quay lưng với lá, người ta mới hiểu ra đá vàng, biết cái gì là tốt cho sức khỏe, cho môi trường. Giống như kẻ say nắng lạc đường, bị những thứ nguyên liệu mới mẻ bắt mắt làm cho mê đắm. Rồi một hôm chợt bừng tỉnh, nhận ra bản thân chỉ quen với bùn với phèn, với hoa lá cỏ cây mộc mạc chân tình. Lá tận tụy hiến dâng cho người một cuộc trao đi không hề toan tính hoặc nuối tiếc.

Giờ, ngoài siêu thị đã bắt đầu thay đổi cách gói ghém đồ đạc. Dần dà quay trở lại cái thời nguyên sơ của lá. Rau quả gói lá chuối, lá sen, lá lục bình; cột lại bằng sợi lác hoặc dây chuối khô. Nhìn cứ gần gụi thương thương làm sao. Người ta nhiều lúc vì lá vì cây mà thấy mình thuần hậu, nhẹ nhõm hơn, bớt nỗi khô khốc sột soạt của ê hề bịch xốp. Bà nội trợ mỉm cười như gặp lại cố nhân hồi bé. Cô gái nhỏ khẽ làm duyên với bó rau rất mộc. Thằng nhóc lạ lẫm mà vụng về ngồi xé nghịch mớ lá gói trong căn bếp của ngôi nhà phố. Hít hà mùi nhựa lá hăng hăng. Ngạc nhiên vì chơi lá thật vui, lại rất hiền. Dẫu rằng đứa trẻ ấy làm gì có tuổi thơ ngập tràn màu xanh của lá để mà yêu mà nhớ…

Tin cùng chuyên mục