Không riêng gì TPHCM mà hầu hết các đô thị lớn ở nước ta, nạn ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nan giải của chính quyền và nỗi lo ngại thường trực của mỗi người dân thành thị. Những con kênh, dòng sông ở Sài Gòn trong xanh thơ mộng ngày nào giờ chỉ còn trong ký ức. Con kênh, dòng sông ngày nay đen, hôi thối.
Câu hỏi đặt ra là vì sao chính quyền các đô thị đã bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng, quyết tâm cải tạo môi trường xanh - sạch - đẹp nhưng vấn nạn ô nhiễm môi trường vẫn không được cải thiện, thậm chí vấn đề này ngày càng phức tạp hơn, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của TP.
Không phủ nhận những nỗ lực cải tạo môi trường của chính quyền, nhưng những biện pháp mà chính quyền đưa ra nhằm cải tạo và bảo vệ môi trường thời gian qua dường như chưa rốt ráo, răn đe những đối tượng vô ý thức với môi trường chưa mạnh, khiến “lực bất tòng tâm”.
Theo thiển ý của chúng tôi, để xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp, nhất thiết chính quyền phải dựa vào dân, trông cậy vào tai mắt của nhân dân. Bởi đơn giản không ai tài hơn dân, chẳng ai giỏi hơn dân trong vấn đề quản lý và bảo dưỡng môi trường sống của chính họ.
Tất nhiên bên cạnh sự đồng lòng giúp sức của người dân thì chính quyền TP phải đưa ra được những phương cách phù hợp, những giải pháp xử lý các hành vi phá hoại môi trường, môi sinh một cách mạnh mẽ, hiệu quả nhất.
TPHCM cần áp dụng biện pháp dân quản lý dân trong vấn đề chống ô nhiễm môi trường (chính quyền chỉ là người trợ giúp dân). Cụ thể, trong vấn đề bảo vệ môi trường thì chính quyền cần xem mỗi người dân là một cảnh sát môi trường. Chính quyền các quận huyện chỉ cần đặt các chốt trạm có vài cán bộ quản lý thường trực 24/24 để tiếp nhận các thông tin của người dân thông qua đường dây nóng.
Khi phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường của một người nào đó, người phát hiện sẽ gọi đến số điện thoại đường dây nóng cho cán bộ quản lý có mặt thường trực ở các chốt trạm để cán bộ mau chóng đến xử lý đối tượng.
Ngoài biện pháp hành chính đối với những đối tượng hủy hoại môi trường, chính quyền TP nhất thiết phải áp dụng thêm hình thức phạt lao động công ích kiểu làm hư hại cái gì phải sửa chữa lại cái đó.
Ngoài hình phạt lao động công ích, bị nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đối tượng “bất công” với môi trường này phải được học bài học về ý nghĩa của môi trường đối với cuộc sống, cũng như ký vào bản cảm kết nếu tái phạm sẽ chấp nhận bị xử lý nặng hơn, thậm chí bị cải tạo trong tù.
Muốn xây dựng xã hội nhân văn, môi trường xanh - sạch - đẹp không có biện pháp nào khác là nâng cao ý thức của người dân sống trong xã hội, môi trường đó. Muốn vậy, ngoài biện pháp nâng cao hiệu quả trong công tác tuyền truyền bảo vệ môi trường, môi sinh cho người dân của các cơ quan chức năng thì việc vận dụng pháp trị một cách nghiêm khắc, rốt ráo được xem là biện pháp hữu hiệu.
CÁT MINH (TPHCM)