Nhớ Tô Hoài - một nhà văn hồn hậu

Được mệnh danh là “nhà văn của mọi lứa tuổi”, Tô Hoài đã để lại dấu ấn rực rỡ trên nhiều mảng sáng tác với những truyện đồng thoại cho thiếu nhi, những tác phẩm về con người và cuộc sống vùng cao… Ông còn được xem là nhà văn kể chuyện Hà Nội xưa hay nhất. 

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, rất đông đồng nghiệp, nhà nghiên cứu gắn bó, yêu quý Tô Hoài đã cùng tề tựu chia sẻ những câu chuyện về ông cùng hành trình sáng tác không mệt mỏi suốt 94 năm tại thế.

Người sinh ra để viết

Nhìn vào khối lượng tác phẩm đồ sộ của Tô Hoài, người ta thấy rõ sức làm việc dẻo dai cần mẫn của ông. Với ông, viết như hít thở khí trời, như một hình thức dưỡng sinh. Có lẽ bởi thế Tô Hoài làm đủ thứ việc, từ tổ trưởng dân phố đến phụ trách một tờ báo, từ việc đi thực tế đến việc lãnh đạo hội văn nghệ... Toàn những việc mà nhà văn nào cũng thấy ngại vì nó dễ làm lười đi cái nghiệp viết lách. Vậy mà ông vẫn cứ viết đều và  hơn thế, còn viết hay, PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, nhận định. 

Không phải ngẫu nhiên mà trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã xếp Tô Hoài vào đội ngũ các cây bút tả chân. Từ góc nhìn đời tư, Tô Hoài đã mở rộng ống kính của mình để khái quát cả những biến thiên xã hội. Quê người là một tác phẩm mang tính khái quát cao vì nó đã thể hiện được sự rạn vỡ về cấu trúc văn hóa, tâm lý và đời sống của con người trong đà quay của lịch sử.

Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp nhận định, đọc Tô Hoài, người ta dễ dàng hình dung một cách chân xác chân dung của lịch sử, không khí của mỗi thời. Có lẽ, vì mỗi chi tiết dù nhỏ nhất trong văn Tô Hoài đều chính là một tế bào của đời sống được ông cấu trúc theo quan niệm nghệ thuật của mình. 

Nhớ Tô Hoài - một nhà văn hồn hậu ảnh 1 Tọa đàm Tô Hoài nhà văn của mọi lứa tuổi nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông
Trong khi nhiều cây bút cùng thời hướng tới cảm hứng sử thi, Tô Hoài vẫn chú ý đến cuộc sống thường nhật. Nói đúng hơn, ngay cả khi miêu tả những cơn trở dạ của lịch sử, ông vẫn giữ được cái chất giọng nhẩn nha hóm hỉnh vừa tinh tế, vừa không nghiêm trọng hóa. Viết cho trẻ con cũng vậy, ông hiểu tư duy trẻ thơ và kể với chúng theo cách nghĩ của chúng… Đây là điều mà không phải cây bút chuyên viết cho thiếu nhi nào cũng làm được.

Đặc biệt, nói đến Tô Hoài không thể không kể đến tài năng sử dụng ngôn ngữ của ông. Chữ nghĩa của ông cất lên từ đời sống, nhưng đó là thứ ngôn ngữ được chắt lọc kỹ lưỡng. Các chi tiết nghệ thuật trong văn Tô Hoài thường là kết quả của một quá trình quan sát tinh và sắc. 

Ông là một nhân chứng trung thực, một người chép cần mẫn, một “thư ký của thời đại”, GS Phong Lê viết, sự bền bỉ không chút nản mỏi, khả năng giữ cho mình có được cái mới và vượt lên mình của bản thân Tô Hoài thật đáng nể trọng. Ngoài 60, rồi ngoài 70, vẫn thế! Vẫn chẳng có gì là sút đi trong sức viết. “Ngót 50 năm đọc Tô Hoài, tôi thấy lúc nào, ở lứa tuổi nào cũng có ông ở bên mình. Thành ra bị cuốn theo ông. Thành ra một người đọc ở quá nhiều tâm thế và vị thế”, GS Phong Lê bày tỏ. 

Cuốn từ điển sống của văn học và xã hội

Nhà văn Tô Hoài trong ký ức của nhà văn Hồ Anh Thái là một người thản nhiên như nước. Hầu như ai đặt bài là viết, không ngại dăm ba bài báo làm giảm uy tín… Phải là nước mới thản nhiên được trước những điều bất như ý trong và ngoài hội đoàn. Phải là nước thì mới có thể theo dòng lên thác xuống ghềnh như thế. Không phải là ông miễn nhiễm thời cuộc, nhưng duy trì được việc viết, và viết có chất lượng, đấy là cách tốt nhất thể hiện đạo đức của nghề.

Chia sẻ những kỷ niệm rất đời, rất hóm của cha đẻ “dế mèn”, nhà thơ Vũ Quần Phương kể: Ở nơi Tô Hoài làm tổ trưởng dân phố, có ông thứ trưởng gửi “công văn” đề nghị ông tổ trưởng nhắc mấy bà hàng xóm nói to buổi trưa làm ông mất cả nghỉ trưa, có hại cho công tác cách mạng buổi chiều của ông; nhờ ông đe mấy đứa trẻ chuyên bấm chuông cổng nhà ông, rồi chạy. Ông Tô Hoài hôm sau thảo thư gửi ngay cho đồng chí thứ trưởng báo cáo rằng, ông đã cấm các bà ở cửa hàng bán nước sôi không được nói to buổi trưa và đã đe lũ trẻ bấm chuông, nhưng cũng đề nghị đồng chí thứ trưởng cho nút bấm chuông lên cao để trẻ con không với tới. Cuối thư còn kính cẩn Chào thân ái và quyết thắng. Ký tên.

Giao thiệp rất rộng, bạn thân thiết với các cô gái H’Mông lẫn các bạn văn Âu Mỹ, đi từ Á sang Âu, lan man sang châu Mỹ, châu Phi. Ít có nhà văn nào được đi nước ngoài nhiều như ông. Có cuốn truyện ông vừa đi nước ngoài vừa viết. Ấy vậy mà mọi chuyện lớn chuyện nhỏ ở quê nhà Nghĩa Đô, ở kẻ Bưởi, ở kinh kỳ, ông đều tường tận. Ông có thể viết về con bồ nông Xamacan, lại có thể kể tỉ mỉ về chuyện móc cống Hà Nội thời Pháp thuộc, chuyện “đi bụi” thời kinh tế thị trường. Ông kể chuyện loài vật với đầy đủ tập tính của nó nhưng lại bộc lộ sắc nét tính cách những loại người.

“Tôi có cảm tưởng chuyện gì ông cũng biết, từ chuyện ái tình của các nhà văn đến lai lịch một đoạn phố, một ngôi chùa. Trí nhớ tuyệt vời, quan sát tinh vi, lại có lối diễn đạt mộc, hóm. Tô Hoài như cuốn từ điển sống về nhiều sự kiện văn học và xã hội”, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định.

Một người viết suốt đời, không bỏ phí một chi tiết nào trong đời mình, không phí một chi tiết nào thu nhận được từ đời sống. Cả cuộc đời cầm bút, nhà văn Tô Hoài đã có một sự nghiệp văn chương quy mô và giá trị. Ông là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp, độ tuổi khác nhau và đó là lý do những người yêu văn chương luôn nhắc nhớ, tìm đọc tác phẩm của ông.

Tin cùng chuyên mục