Nhỏ và lớn

BÍCH AN

Cả tuần nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở nước ta tràn ngập thông tin về vụ tỉnh Sơn La phê duyệt đề án xây dựng Tượng đài Hồ Chí Minh và các công trình “phụ” khác với kinh phí 1.400 tỷ đồng. Tuy sau đó, lãnh đạo tỉnh này có tổ chức họp báo phân bua rằng tiền xây cất tượng đài nó không lớn đến vậy, chỉ vẻn vẹn có 200 tỷ đồng thôi, nhưng nhìn chung dư luận vẫn không khỏi bất an trước lối tư duy đã làm sau thì phải lớn hơn, hoành tráng hơn, bất chấp giá trị thẩm mỹ, có hợp với cảnh quan và bản sắc địa phương không. Âu đây cũng là vấn đề đáng lo khi chất lượng hệ thống tượng đài ở chúng ta đang xuống cấp trầm trọng, đến nỗi nhiều người nói rằng họ phải đi vòng tránh… các công trình mỹ thuật để không muốn bị thui chột cảm quan nghệ thuật.

Có thể chứng minh điều này qua không ít các công trình, như tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Quảng Nam với vốn đầu tư 410 tỷ đồng nhưng chỉ một tuần sau lễ khánh thành hoành tráng đã bị vỡ nền gạch trước mặt tượng đài; tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ bị xô lệch, bức tượng bằng đồng có những vết rỗ, gỉ và xỉn màu vì bị “rút ruột” 30% lượng đồng đúc; pho tượng Phật ở Thái Bình cao 45m cũng bỗng dưng đổ sập trơ ra bộ khung chỉ là những thanh sắt có độ dày không hơn chiếc đũa ăn là mấy…

Người ta đổ lỗi nào là do người tham quan quá đông, rồi thì do thi công quá gấp “cho kịp tiến độ”, nhưng thật ra ai cũng quá hiểu vấn đề “đầu tiên” là gì trong mỗi công trình xây cất.

Song đó là chuyện khác, một chuyện dài mà như người ta hay nói: “Xem hồi sau sẽ rõ”. Điều đáng nói hơn cả là chất lượng nghệ thuật của tượng đài quá kém trong nghịch cảnh thừa lượng - thiếu chất, thừa tượng - thiếu hồn cốt, thừa quyết tâm - thiếu tư duy của một bộ phận không nhỏ những người cầm trịch ngành văn hóa. Với khoảng 400 tượng đài đã được thực hiện, dễ thấy na ná nhau, không có không gian, thần sắc riêng, tượng danh nhân thì thấy ông Trần Hưng Đạo cũng giông giống, có “nét” của Quang Trung, hay Nguyễn Trãi thì hao hao giống Nguyễn Du… Lý giải chuyện này, các chuyên gia văn hóa cho rằng lỗi là thiếu tính biểu tượng - một trong những đặc tính quan trọng nhất của tượng đài. Theo như họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, khổ nhất với chúng ta là sự trùng lặp trong ngôn ngữ điêu khắc, nhất là với các tượng danh nhân, thanh niên xung phong, quân đội: tượng anh hùng dân tộc trong tư thế đi, đầu đóng khăn búi tó, không tay phải thì tay trái nhất định phải cầm kiếm; tượng công nhân thì tay giơ cao và ngực ưỡn ra phía trước; tượng bà mẹ thì hoặc quàng khăn, tay giơ cao… Cái “na ná” này khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng khi các điêu khắc gia trong nước vẫn chỉ tư duy rập khuôn, nhiều khi còn “copy” nguyên mẫu các tượng đài từ thời Xô-viết và cả của Trung Quốc.

Một yếu tố rất quan trọng khác, đó là xử lý không gian đặt tượng đài cũng có nhiều điều phải nói. Nhiều tượng đài đặt không đúng vị trí, không phù hợp không gian, có cảm giác rằng làm xong tượng đài mới cuống quýt đi tìm… vị trí đặt tượng. Phải chăng đó cũng là thói quen của cách làm thiếu cái nhìn tổng thể, thiếu gắn kết với quy hoạch đô thị, thiếu một vị chỉ huy các chuyên ngành, trong đó có văn hóa. Và chất lượng nghệ thuật không cao của tượng đài nước ta cũng bởi người ta quan niệm rằng công trình cứ phải to, cao mới có “tầm”, mới xứng danh địa phương. Thực tế, tượng đài có tầm vóc không thể hiện bằng kích thước lớn mà bằng tư tưởng, ý nghĩa biểu tượng, như tượng nàng tiên cá ở Copenhaghen (Đan Mạch) cao chưa tới 2m, nặng chỉ 175kg, nhưng vẫn mê hoặc khách thập phương bởi giá trị thẩm mỹ, giống như tấm cạc vi-dít của đất nước thần tiên này. Rõ ràng, còn nhiều việc phải làm từ cách quy hoạch, xây dựng những quy định và quy trình kỹ thuật, và nhất là cần có ý kiến tham gia của người dân trong việc thụ hưởng các giá trị vĩnh cửu của tượng đài.


BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục