Hồi còn trọ ở phường Láng Hạ, sáng nào tôi cũng đi chợ cóc trong ngõ Thái Thịnh. Bây giờ nhắm mắt lại, tôi vẫn mường tượng ra gốc hoa giấy, bức tường cũ mốc và những chiếc cột điện đứng chiếm cả lối đi. Suốt dọc con ngõ là những dòng chữ: khoan cắt bê tông, cho vay không thế chấp, lắp đặt Internet. Có khi đang đi chợ phải dừng lại vì thấy thông báo tìm người thân “khi đi có mặc áo kẻ ca-rô, đội mũ lưỡi trai”, giả dụ vậy. Tôi nhìn vào bức ảnh dán trên thông báo, cố lục tìm trong trí nhớ xem mình có từng gặp người như thế bao giờ…
Chợ sớm đông vui lắm, cua bò lổm ngổm trong chậu, tôm nhảy tanh tách trong thùng. Hàng quà ngồi kế bên với bánh cuốn nóng hổi, bánh giò đỏ như mặt trời mà cắn một miếng là thấy vị thanh mát tràn trên môi. Lần nào tôi cũng sà xuống hàng chị Lựu để mua ít hoa trái quê nhà. Thúng hàng của chị thay đổi mỗi ngày và cũng chẳng có gì nhiều nhặn. Ai đến sớm thì còn, đi muộn một tí thì thúng hàng đã hết. Vài quả thị thơm, một rổ ổi đào, quả vú sữa trồng trên đất cằn nên nhỏ như cổ tay trẻ con nhưng rất thơm và ngọt. Có khi tôi vớ bẫm khi mua được của chị một rổ ổi đá. Giống ổi bé xinh mà tôi ngỡ chỉ có trong ký ức những tháng năm thơ bé, bố trồng một cây ở sau nhà. Góc chợ ấy đối với tôi là cả vùng ký ức quá đỗi thân thương…
Tôi chuyển đến nhà trọ khác, lại được hòa mình trong đời sống của một ngõ chợ mới. Ở thành phố, trọ vài năm có khi không biết mặt hàng xóm xung quanh, nhưng đến nơi nào là ngay hôm sau đi chợ phải gắng tìm “mối ruột”. Rau phải sạch, thịt phải ngon, bán hàng phải xởi lởi dễ tính, giá cả rẻ hơn những chỗ khác thì càng tốt. Thật ra, tìm được mối ruột khó lắm, thời buổi kim tiền, chỉ vì ham vài đồng lợi nhuận mà trong rau có thuốc, trong thịt có chất tăng trưởng, trong bụng con cá con gà có thêm chút lòng tham. Thế mới có chuyện trong bụng 10 con mực ống lấy ra được 7 con cá nục, trong diều con gà bị nhồi nhét căng cứng toàn ngô hạt, cho nặng cân hơn.
Ra chợ tìm mối ruột cũng giống như tìm bạn, chơi với nhau nhiều năm mới biết bạn dối mình. Mất niềm tin với một người ở chợ cũng khiến tôi buồn lâu lắm. Sáng đi qua nhau mà không dừng lại mua hàng, không hỏi han dăm ba câu chuyện như mọi khi, có lẽ cả hai đều cảm thấy bẽ bàng. “Chợ là nơi bán mua. Tình người là thứ đắt đỏ nhất”. Nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn đi tìm…
Ngõ chợ đâu chỉ rôm rả chuyện bán mua. Khi con cá, rau củ đã mua để đầy làn, người ta bắt đầu xúm vào buôn chuyện. Chuyện bà bán bún mới bỏ quách ông chồng cờ bạc. Chuyện chồng chị bán thịt bò hình như mới ra tù. Ồn ã nhất có lẽ là vụ nhà bà bán dưa bị dân xã hội đen nửa đêm tìm đến xiết nợ... Tôi từng đi qua nhiều ngõ chợ khác nhau khắp cả nước. Nhớ chợ vùng đất cảng Hải Phòng, hoa thắp hương bán thành từng đĩa. Chị hàng xóm thỉnh thoảng gọi giật dậy lúc 4 giờ sáng rủ đi chợ đầu mối mua tôm cho rẻ. Trở về nhà ướt lướt thướt thấy con vẫn ngủ say. Trên tay mỗi người mẹ là túi lớn, túi nhỏ toàn đồ ăn tươi sống để nấu cháo cho con. Nhớ chợ thị xã Phú Thọ thỉnh thoảng có bà ngồi xem tướng. Mỗi lần tôi đi qua đều níu tay tha thiết “lại bà bảo cái này”. Nhớ một ngõ chợ xa xôi nào đó trong ký ức có một đàn gà tre gáy te te giữa phố. Tôi đi xe qua luôn phải né mấy chú gà con lích chích chạy nhặt gạo giữa đường. Chủ của chúng là bà cụ bán cà muối, ở một mình không cháu con nhưng gà một đàn, chó mấy con, mèo theo chân líu ríu. Cảnh tượng bình yên ấy cũng có khi trở về trong một giấc trưa…