Nhọc nhằn làm thêm

Nhọc nhằn làm thêm

Mùa cưới năm nay, sinh viên Trường Trung cấp Du lịch Vũng Tàu “được mùa” làm thêm. Thứ bảy, chủ nhật thường có hơn nửa số sinh viên đi làm tiếp viên phục vụ đám cưới để kiếm thêm thu nhập. Đằng sau công việc tưởng dễ dàng đó là bao nỗi nhọc nhằn.

  • Vì cuộc mưu sinh
Nhọc nhằn làm thêm ảnh 1

Sinh viên hát phục vụ đám cưới.

Bạn Nguyễn Thị Lan Anh, sinh viên K2, Trường Trung cấp Du lịch Vũng Tàu, thứ bảy, chủ nhật nào cũng có mặt ở khách sạn Bưu Điện để làm thêm. Nếu tiệc cười bắt đầu lúc 11 giờ trưa thì phải có mặt ở nhà hàng từ 9 giờ để chuẩn bị. Tiệc cưới xong, Lan Anh được thanh toán 40.000đ. Nếu muốn làm thêm buổi chiều thì ở lại luôn để dọn dẹp bàn ghế, trải khăn, lau sàn nhà. ăn uống đã có nhà hàng lo.

Lan Anh cho biết: “Em làm ở đây từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm (phục vụ 2 tiệc cưới), công việc không nặng nhọc nhưng di chuyển nhiều nên mệt lắm. Việc bưng bê đồ ăn giữa đám đông phải hết sức cẩn thận. Nếu có gì sơ suất không chỉ không được trả thù lao mà họ không bao giờ thuê mình nữa”. “Tiền làm thêm có đủ chi phí cho việc học không?”, tôi hỏi. “Nhìn chung, nếu có tiệc cưới liên tục vào 2 ngày nghỉ thì cũng kiếm được một khoản đủ để đóng tiền thuê nhà và học tiếng Anh”, Lan trả lời.

Cô sinh viên có tên Ngọc Mai, mồ hôi nhễ nhại bởi hơi nóng nồi lẩu bốc lên, chân thoăn thoắt chạy bàn, mặt lúc nào cũng cười tươi cho biết: “Em quê ở Nam Định, là SV năm 2 ở Trường Trung cấp Du lịch Vũng Tàu. Em và 4 đứa bạn thường làm thêm ở khách sạn Bưu Điện. Tiền thù lao em để học thêm tiếng Anh”.

Bên cạnh những sinh viên làm tiếp viên nhà hàng, khách sạn - được coi là đi đúng nghề còn có những sinh viên làm thêm trái nghề là hát phục vụ đám cưới. Những sinh viên này chỉ chiếm số ít bởi không phải ai cũng có giọng hát hay. Những “ca sĩ không chuyên” này thường hát ở các nhà hàng hoặc tụ điểm ca nhạc như Bạch Dinh, Cát Biển, Cà Phê Biển, Sóng Biển vào buổi tối. Hát ở tiệc cưới họ nhận được 70.000đ/sô, còn hát ở tụ điểm ca nhạc thù lao thường là 30.000đ/sô. Mỗi tối họ có thể chạy từ 3 đến 4 sô cũng đủ tiền trang trải việc ăn học, mua sắm quần áo.

  • …Và những nhọc nhằn

Không phải sinh viên nào cũng có thể đi làm tiếp viên ở nhà hàng, khách sạn hoặc làm “ca sĩ” vì yêu cầu chung của những chỗ này là ngoại hình phải cao ráo, “sạch nước cản”. Đối với sinh viên du lịch yêu cầu đó không phải là quá khó. Tuy nhiên, làm phục vụ sợ nhất là làm bể ly, đổ thức ăn vào quần áo khách… Người viết bài này từng chứng kiến bạn T. trong lúc bê rượu mời cô dâu, chú rể trong tiệc cưới ở nhà hàng Gió Biển Nghinh Phong đã lỡ tay làm bể một chiếc ly khiến gia đình hai họ không hài lòng vì họ cho rằng đổ vỡ trong tiệc cưới là điều tối kỵ. T. phải làm không công hôm đó và còn phải đền tiền cái ly.

Sinh viên Nguyễn Thị Minh, làm ở nhà hàng Hoa Viên Ngũ Ý, tâm sự: “Có hôm nhà hàng tổ chức 4 tiệc cưới cùng một thời gian, chúng em phải chạy như con thoi. Chúng em còn kiêm luôn “người mẫu” trong nghi thức tiệc cưới, đôi khi còn múa cho khách xem nữa. Phục vụ một tiệc cưới giá 30.000 đồng nhưng 4 tiệc cũng chỉ được 40.000 đồng. Những ngày đầu đi làm thêm về mệt, sáng đi học em toàn ngủ gật trên lớp”.

Sinh viên đi làm thêm không phải là điều mới mẻ và thực tế để kiếm được đồng tiền họ phải chịu không ít nhọc nhằn, vất vả.

Mai Thắng

Tin cùng chuyên mục