Đồng phục học sinh

Nhu cầu thật, giá… giả và gánh nặng “phết phẩy”!

Nhu cầu thật, giá… giả và gánh nặng “phết phẩy”!

Ngày 2-8, các trường đã khởi động việc đầu tiên chuẩn bị cho năm học mới: bán đồng phục. Với 2 màu “chuẩn” xanh – trắng nhưng đồng phục mỗi nơi mỗi khác và hầu như các phụ huynh đều phải mua tại trường cho con mình “đồng bộ bằng chị bằng em”. Nhà khá giả, mua 5 - 7 bộ cho con là chuyện thường nhưng với đa số gia đình lao động, có 2 - 3 con đi học thì tiền đồng phục thật là… khó thở! Khoản chi đồng phục, đối với gia đình lao động, trở thành nỗi đắn đo. Chúng tôi thử vào cuộc tìm hiểu sự thật về giá những bộ đồng phục… 

  • Vải “siu” nhưng giá không “siu”! 

Sáng ngày 2-8, nhiều phụ huynh có con được vào học lớp 1 Trường Kỳ Đồng (quận 3) đã náo nức đưa con em đến thử đồng phục. Phòng bán đồ đồng phục khá rộng, khoảng 40m2, ngồn ngộn áo, quần với 2 màu xanh và trắng. Trên tường, niêm yết bảng giá hẳn hoi: đồng phục nam, giá từ 54 đến 70 ngàn đồng/bộ, đồng phục nữ từ 56 đến 68 ngàn đồng/bộ với chất liệu là vải áo ka-tê siu Việt Thắng và quần siu tôn Thành Công.

Nhu cầu thật, giá… giả và gánh nặng “phết phẩy”! ảnh 1

Người đàn ông trạc trung niên dẫn cô con gái – tên Ngọc Linh – vào mượn một bộ để thử. Cô bé có vẻ hớn hở với chiếc váy xanh của “ngày đầu tiên đi học”. Sau khi ướm thử và hỏi giá, khuôn mặt người đàn ông lộ vẻ đắn đo. “Anh mua mấy bộ?”, tôi hỏi. Ngập ngừng, anh nói: “Chắc 2 bộ thôi…”. Nếu chỉ tính giá bộ đồ cỡ số 2 cho con gái, anh phải tốn 112 ngàn, chưa kể bộ đồng phục thể dục, thêm 48 ngàn nữa, vị chi 160 ngàn đồng. Nhìn lại bảng giá mới hiểu vì sao anh ngập ngừng, dù biết rằng 2 bộ sẽ khó khăn cho cháu, nhất vào mùa mưa gió.

Tại Trường Đinh Tiên Hoàng (quận 1), nơi bán đồng phục đặt tại căng tin nhà trường. Có 6 cỡ đồng phục nam và nữ, giá từ 51 đến 64 ngàn đồng/bộ. Một chị đứng cạnh, đang xin đổi lại 3 bộ do không vừa, lắc đầu than: “Sơ sơ cũng hết gần 200 ngàn, may mà tôi chỉ có một đứa đi học”. Thấy tôi có vẻ dè dặt khi xem chất liệu vải, chị nhân viên đứng bán kéo chiếc tem từ cổ áo ra, nói: “Anh yên tâm, hàng Việt Tiến hẳn hoi, hiệu trưởng đi đặt đàng hoàng…”.

Có một điều mà chị không nói: lô gô trên tay áo là loại keo dán và với việc sử dụng máy giặt phổ biến hiện nay thì chỉ “ba bảy hai mốt”… Sau đồng phục của Trường Tiểu học Quốc tế với 2 màu trắng, boọc đô khá cao cấp, phải kể đến đồng phục của Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3). Chưa biết chất lượng thế nào nhưng giá, xem ra khá “cứng”: từ 79 đến 87 ngàn đồng/bộ. Thử làm bài toán nhẩm, một HS phải mua “bèo” lắm 3 bộ, gia đình phải chi hơn 250 ngàn đồng, chưa kể bộ đồng phục thể dục. Và nếu một gia đình có 2 con đi học thì khoản chi đồng phục là không nhỏ!

  • Giá đồng phục = Kê giá +… hoa hồng

Chúng tôi tìm đến một cơ sở may đồng phục trên đường Lê Văn Sỹ. Căn nhà dường như mới xây. Phòng khách lát gạch đen, bóng như gương. Cạnh chiếc tivi cỡ 29 in, màn hình phẳng là chiếc Dylan màu đỏ bầm, mới cáu cạnh, trùm mền. Nghe khách đến đặt hàng đồng phục cho trường, vẻ mặt ông chủ trẻ tươi rói. Ông đưa ra 3 loại vải ka-tê, nói: “Loại cao cấp chỉ may cho trường quốc tế. Các trường ở quận 3 chỉ đặt vải siu Việt Thắng là sang lắm rồi, còn vải loại 3 là vải tư nhân, rẻ thôi…”.

Nhu cầu thật, giá… giả và gánh nặng “phết phẩy”! ảnh 2

Đồng phục của học sinh tiểu học

Trừ loại cao cấp, người ngoài nghề khó lòng phân biệt giữa vải loại 2 và 3 vì đều trắng, mát và thơm mùi keo nhuộm, như chính ông nói “người mua lầm chớ người bán không lầm”. Chúng tôi vờ lắc đầu vì “giá bán quá cao”, từ 54 đến 70 ngàn/bộ, ông phân bua: “Bán giá này, chúng em “cắt” lại cho ban giám hiệu mười phần trăm, còn anh 5 phần trăm. Tính đi, 15 phần trăm của 54 ngàn, em chỉ còn 46 ngàn…”.

Riêng đồ đồng phục thể dục, chúng tôi chê loại 65% cô-tông (?!) giá 46 ngàn/bộ là quá mắc, ông vội vàng lên lầu mang xuống loại thun dẹt - xây với mình hàng ram rám, một giọt nước cũng khó thấm qua, rồi cười: “Anh thích loại này không? Em bỏ anh giá 23 ngàn thôi”. Nói về chuyện… phần trăm, ông chỉ vẽ: “Tại anh mới đi đặt lần đầu nên chưa biết gì cả…”. Theo lời ông, có 2 cách. Một, ông bán theo giá của cơ sở, rồi tổng cộng tiền hàng mà “cắt” phần trăm.

Hai, ông giao đúng giá gốc, trường muốn bán bao nhiêu thì tùy, còn giá trong hóa đơn “muốn kê bao nhiêu cũng được, thoải mái”. Với cách làm ăn “mềm” như vậy nên “bao nhiêu công ty đụng em đều phải… dội, một mùa em bán được 200 ngàn bộ, có trường bán gần 500 triệu đồng tiền hàng”. Tôi nhẩm tính: 15% của 500 triệu là….

Nằm trên đường Bành Văn Trân, căn nhà 3 tầng kín cổng cao tường ít người để ý lại là một cơ sở may đồng phục có cỡ mà trong giới may đồng phục học sinh đều phải… nể vì giá rẻ và chất lượng. Ở phòng khách, từng bó vải thun chất đống, đủ màu. Chủ nhà tiếp chúng tôi với ánh mắt dè dặt, luôn hỏi “ai chỉ anh tới đây?”.

Khi nói về chuyện giá cả, nghe nơi khác may với giá 40 - 50 ngàn/bộ, ông chậc lưỡi “quá cao”. Đưa xem một xấp mẫu vải thun dẹt - xây, đủ màu, mình hàng khá đẹp, ông tự hào “vải gia đình dệt” và ra giá 16 ngàn/bộ. “Còn phần trăm?”, tôi hỏi. Ông thẳng thắn, nói: “Giá này là sát lắm rồi, còn anh muốn kê lên bao nhiêu, tôi kê trong hóa đơn cho. Bỏ hàng cho bao nhiêu trường, tôi rành lắm, không cắt cho ban giám hiệu, đừng hòng mà lọt vào được…

  • Giá thật là bao nhiêu - Đấu thầu, tại sao không?

Ông H…, nhà ở bên quận 8 chuyên kinh doanh ngành in - dệt, từng là cơ sở may đồng phục và nay nghề này chỉ là “tay trái” “làm thêm”. Nghe nói giá đồng phục bán 60 - 70 ngàn/bộ, ông lắc đầu: “Bán như vậy là quá cao!”. Ông dẫn chứng: Năm nay ông cũng có may cho một số trường, thậm chí may đồng phục màu, váy nữ có viền ren, khá đẹp, áo nam in lô gô chớ không xài keo dán… nhưng giá chỉ 36 ngàn.

Nhu cầu thật, giá… giả và gánh nặng “phết phẩy”! ảnh 3

Đồng phục, một trong những nổi lo của phụ huynh vào đầu năm học

Ông nói: “Làm thì phải có lời, lời ít nhưng ăn số nhiều thì mới có uy tín lâu dài”. Lý lẽ cho việc “quá cao”, theo ông, vải mua giá sỉ, “cứ kê lên cắt bằng máy, cắt hàng loạt, làm theo dây chuyền thì không có lý gì mà mắc như vậy”. Nếu theo lời ông và những “đại gia” may đồng phục, giá thành cho một bộ đồ sẽ không cao, nguyên do chính là giá bị đội vì… phết phẩy!

Đưa anh Q. - chủ một cơ sở may đồng phục - xem giá bán 25 ngàn/bộ đồng phục thể thao bằng vải dẹt - xây… không thấm nước, anh lắc đầu: “Em làm thun 75% cô-tông, chỉ giao 17 ngàn thôi, hễ thêm một “sai” (size) thêm 1.000 đồng, còn giá 25 ngàn này thì em… thua”.

Kinh nghiệm của nhiều năm làm hàng gia công, anh khẳng định: “Hàng sơ mi giá thành 28 - 30 ngàn là cùng. Giá bán hiện nay ở nhiều trường đã bị đội lên 35% – 40%”. Tuy chuyên may đồng phục nhưng anh không lọt được vào nhiều trường vì “thói quen” không cắt phần trăm và “chỉ giúp chút đỉnh cho phong trào văn thể mỹ của trường và may tặng cho những học sinh nghèo”.
Thực tế tìm hiểu cho thấy, không ít trường bán đồng phục với giá khá mềm, chỉ tăng từ 1 - 2 ngàn đồng/bộ làm quỹ công đoàn hoặc phong trào.

Tuy nhiên, chuyện “phần trăm” “hoa hồng”, nâng giá bán… là một thực tế, nhưng phụ huynh không thể không mua vì “mua bên ngoài thì thiếu cái… lô gô trường”. Làm sao để giá đồng phục gần gũi hơn với giá thành, phù hợp với túi tiền của nhiều gia đình? Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 cho biết: “Mua đâu cũng được, miễn quần xanh áo trắng, có bảng tên, không cần lô gô”. Một ý kiến đáng quan tâm: Tại sao không đấu thầu công khai để chọn nhà cung cấp? Với số lượng hơn 700 ngàn học sinh tiểu học và THCS của toàn TP, tổng cộng số tiền tiết kiệm cho ngân sách từng gia đình là con số không nhỏ!

THƯ LÊ

 

Tin cùng chuyên mục