Như một giấc mơ

Ngày nay, mỗi lần đi ngang qua rạch Tham Tướng và rạch Bần trên đường 30 Tháng 4, nằm vắt ngang hai phường Xuân Khánh và An Phú, TP Cần Thơ tôi có cảm giác như đi giữa một khu vườn xanh mát, yên tĩnh với nhiều cây cảnh màu sắc hài hòa, tươi tắn. Ít ai nghĩ rằng cách nay 20 năm, nơi đây là một con rạch bùn lầy nước đọng, rác rến lềnh bềnh, nhà cửa nhếch nhác dọc theo hai bên bờ rạch.
Như một giấc mơ

Ngày nay, mỗi lần đi ngang qua rạch Tham Tướng và rạch Bần trên đường 30 Tháng 4, nằm vắt ngang hai phường Xuân Khánh và An Phú, TP Cần Thơ tôi có cảm giác như đi giữa một khu vườn xanh mát, yên tĩnh với nhiều cây cảnh màu sắc hài hòa, tươi tắn. Ít ai nghĩ rằng cách nay 20 năm, nơi đây là một con rạch bùn lầy nước đọng, rác rến lềnh bềnh, nhà cửa nhếch nhác dọc theo hai bên bờ rạch.

Bờ kè Tham Tướng (đoạn thuộc phường An Phú) nay đã sạch sẽ, thoáng mát.

1. Người Cần Thơ, nhắc đến rạch Tham Tướng, cầu Tham Tướng, chợ Tham Tướng, ai cũng biết đây là địa danh rất quen thuộc gắn liền với thời Tây Sơn. Năm 1995, do mở rộng đường nên cầu Tham Tướng thay bằng cống hộp và chợ Tham Tướng cũng đổi tên thành chợ Xuân Khánh.

Cần Thơ tuy phát triển rất nhanh, nhiều nhà cao tầng nhưng cho tới cuối năm 2011, vẫn còn tồn tại nhiều nhà cất trên sông rạch, trong đó có rạch Tham Tướng và rạch Bần. Hai con rạch này trước kia khá rộng, nước trong veo nhưng do người dân tự ý cất nhà lấn chiếm nên lòng sông từ từ hẹp lại khiến môi trường sống xuống cấp nghiêm trọng. Nhà cửa xây cất hai bên bờ sông tuy san sát nhưng hầu hết là nhà tạm bợ, hệ thống thoát nước sơ sài nên thường xuyên bị ngập khiến tình hình vệ sinh môi trường ngày càng phức tạp. Có một thời, báo chí gọi rạch Tham Tướng là “dòng sông chết”, là “kinh nước đen”, nhất là từ năm 1996, khi thay cầu Tham Tướng bằng cống hộp làm hạn chế dòng chảy. Từ đó, chất thải bị ứ đọng, rác rến trôi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và sức khỏe con người. Biết rằng điều kiện sống và sinh hoạt ngày càng tồi tệ nhưng họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoại trừ có sự hỗ trợ, tiếp sức của chính quyền và đoàn thể địa phương.

Bà Nguyễn Thị Bông, 80 tuổi, nhà sát bờ kè Tham Tướng kể lại: Trước năm 1970, nơi đây nhà cửa còn thưa thớt, sông sâu nước chảy, ghe xuồng ra vô dễ dàng, mọi người tha hồ tắm giặt. Lâu dần nhà cửa bắt đầu mọc lên chen chúc, nhiều người tự tiện xây dựng, vô tư vứt rác khiến dòng sông trở nên đen ngòm, nhiều người kêu cứu nhưng đành cam chịu.  

Suốt nhiều năm liền sống trong tình trạng bị ô nhiễm, mặc dù chính quyền địa phương và nhân dân cố gắng khắc phục nhưng tình trạng ngập nghẹt cục bộ không sao tránh khỏi khiến cho người dân vô cùng bức xúc. Mãi cho đến cuối năm 2011, con rạch này vẫn mang tiếng là một trong những con rạch ô nhiễm nặng nề nhất ở Cần Thơ. Nhằm cải thiện môi trường, đồng thời tuyên truyền để nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân, lực lượng đoàn viên thanh niên quận Ninh Kiều, chiến sĩ công an quận, Bộ Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ và người dân phường An Phú đã tham gia vớt rác, phát hoang bụi rậm, khai thông dòng chảy tuyến rạch, tạo mỹ quan đô thị.

2. Nhằm xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, từng bước làm thay đổi bộ mặt trung tâm TP theo hướng tích cực, lãnh đạo TP Cần Thơ đã có những quyết sách kịp thời để hồi sinh lại dòng kênh vốn đã “chết” từ hơn 20 năm qua. Ngày 19-12-2011, UBND TP Cần Thơ đã khởi công công trình nâng cấp cải tạo rạch Tham Tướng và rạch Bần. Công trình nằm trong dự án nâng cấp cải tạo đô thị TP Cần Thơ giai đoạn 2 do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Theo thiết kế kỹ thuật, việc nâng cấp cải tạo rạch Tham Tướng và rạch Bần có tổng chiều dài gần 2.000m, gồm các hạng mục: Nạo vét bùn lòng rạch rộng 12m và lắp đặt cống hộp bê tông cốt thép; đường giao thông và hè phố hai bên tuyến đường rộng 4m; cống thoát nước; lắp đặt mới hệ thống điện hạ thế và chiếu sáng công cộng; xây mới cầu Nguyễn Thị Minh Khai và cầu nối hai bờ rạch Bần. Tổng giá trị công trình là 83 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Ban quản lý Dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ cho biết dự án cải tạo rạch Tham Tướng có trên 250 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 140 hộ phải giải tỏa trắng. Các đồng chí lãnh đạo phường Xuân Khánh cho biết, trong quá trình thực hiện, Ban quản lý dự án cùng với chính quyền địa phương đã nhiều lần họp dân với sự tham gia của Hội đồng tư vấn, cùng thảo luận thống nhất ý kiến, áp dụng giá bồi hoàn hợp tình hợp lý nên người dân rất đồng tình, chấp nhận và sẵn sàng nhận nền tái định cư. 

Ngược dòng thời gian, trong ký ức của tôi, từ lúc học tiểu học, trung học cho tới đại học, mỗi ngày đi ngang qua cầu Tham Tướng, tôi đều có nhiều kỷ niệm với nơi này. Nơi đây, hai bên bờ rạch nhà cửa chen dầy, mái tôn lụp xụp không như bây giờ. Tôi không ngờ nay cảnh vật đã hoàn toàn thay đổi. Cây cầu ngày xưa bây giờ đã thành lộ, những con đường đất đá lởm chởm nay đã thảm nhựa, phố xá hối hả lên tầng, bán buôn sầm uất. Tất cả đã chuyển mình một cách ngoạn mục.

Khi công trình chưa khởi công, trẻ em đi học gặp nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa. Bây giờ thì đường sá sạch đẹp, cuộc sống của người nghèo có đủ điện, nước, đèn chiếu sáng công cộng khiến cho người già đến con trẻ ai ai cũng lóe lên niềm vui, tự hào về khu phố của mình. Trước đây, vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo mà nhiều gia đình phải dắt díu nhau đến đây tá túc trong những căn nhà tạm bợ với hy vọng một ngày nào đó sẽ đổi đời. Không ngờ giấc mơ đó từ 20 năm trước, nay đã thành hiện thực. Một số gia đình xây lại nhà tại chỗ, một số được chuyển đến khu tái định cư đúng theo nguyện vọng của mình.

3. Cũng phải nói rằng, trong quá trình thực hiện, Ban quản lý dự án gặp không ít khó khăn về công tác đền bù tái định cư, nhưng nhờ có sự giải quyết thấu tình đạt lý nên hầu hết các đối tượng đều thông cảm và đồng tình hợp tác. Việc cải tạo các kinh rạch kết hợp với các công trình hạ tầng kỹ thuật như xây bờ kè, đường giao thông, hệ thống cấp nước, điện chiếu sáng công cộng, trồng cây xanh. Nhờ vậy mà sau khi công trình hoàn thành, giải quyết được tình trạng ngập lụt kéo dài khi mưa lớn hoặc triều cường lên. Không những vậy, nhiều địa phương còn thành lập “Tổ sạch rác” hoặc “Tuyến đường sạch rác”, phấn đấu xây dựng mô hình “Cộng đồng trách nhiệm giữ gìn phường sạch rác” nhằm nâng cao nếp sống văn hóa và văn minh đô thị.

Từ ngày Dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ khởi động đến nay, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã đổi thay từng ngày. Kỳ lạ thay, chỉ mới 2 năm mà cả một con rạch đã hoàn toàn thay đổi từ lượng đến chất, giống như có một luồng gió mới thổi vào, không còn mang nỗi ám ảnh cống rãnh ứ tràn và mùi hôi thối. Ai cũng vui mừng, mãn nguyện vì cuộc sống an cư lạc nghiệp. Hiện tại bà con xây cất nhà mới đều quay mặt ra rạch Tham Tướng, thoáng mát và sạch đẹp (trước kia mặt tiền đều nằm trong hẻm). Ông Sáu Liêm, nhà ở rạch Bần thuộc phường Xuân Khánh bồi hồi nhớ lại 10 năm trước, nhà cửa trong hẻm chật chội, tối tăm, thiếu thốn đủ mọi bề, bây giờ nhà quay ra bờ kè, thông thoáng, buôn bán thuận lợi, cả nhà vui mừng.

Anh Nguyễn Hoàng Liêm ở phường Xuân Khánh phấn khởi cho biết, từ ngày xây dựng bờ kè, nhà mới bắt đầu mọc lên tươi rói, cả khu vực như đổi đời. Ông Tám Lầm, ở gần cầu rạch Bần cũ cũng bày tỏ niềm sung sướng: “Trước đây, nhiều gia đình ở trong hẻm hóc, có người còn phải sống chung với rác, nay nhờ có dự án mới ra được mặt tiền sáng sủa, giao thông thuận lợi, nhiều quán xá mọc lên, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình, ai cũng hoan nghênh. Có thể nói đây là công trình đẹp nhất và có ý nghĩa nhất ở Cần Thơ từ trước tới nay”.

Hiện nay, nhiều hạng mục đã hoàn tất, bà con đang khẩn trương xây dựng lại nhà cửa, mặt đường nơi nào cũng sạch, xanh. Hai bên bờ kè lát gạch, trồng cây xanh và cây cảnh giúp cho người già có nơi tản bộ và tập dưỡng sinh, trẻ em có nơi vui chơi giải trí.

4. Ông Nguyễn Văn Em, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Xuân Khánh phấn khởi cho biết, công trình bờ kè rạch Tham Tướng và rạch Bần sau khi hoàn thành không những tạo nên cảnh quan môi trường thông thoáng mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con trong khu vực, nhất là những gia đình nghèo, khó khăn có điều kiện mua bán và sản xuất, giúp cuộc sống ổn định hơn.

Có được như ngày hôm nay, tất cả đều bắt nguồn từ cách nhìn, cách nghĩ và từ nỗi trăn trở của lãnh đạo TP vì cuộc sống của nhân dân, vì một TP văn minh và giàu đẹp. Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, Cần Thơ không chỉ phát triển về nông nghiệp, công nghiệp và thủy sản mà trong ký ức nhiều người còn in đậm những dấu ấn về du lịch và hạ tầng nhằm đưa Cần Thơ phát triển ngang tầm một thành phố trung tâm vùng ĐBSCL. Ngoài dự án xây dựng bờ kè Tham Tướng và rạch Bần, Cần Thơ còn có nhiều công trình, dự án quan trọng khác như công viên sông Hậu, hồ Xáng Thổi, bờ kè Xóm Chài, bờ kè sông Cái Khế…

Nhiều người đi xa trở về thăm lại Cần Thơ không khỏi ngỡ ngàng trước tốc độ xây dựng và tăng trưởng nhanh chóng về nhiều mặt mà trước đó 40 năm họ chưa chứng kiến, đặc biệt là các con đường mới mở, các khu phố, công viên, bệnh viện, trường học. Nay những công trình mới nổi lên như một phép màu.

HOÀI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục