Nhức nhối bạo hành trong gia đình

Nhức nhối bạo hành trong gia đình

Theo báo cáo của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (UBCVĐXH-QH) 2005-2006, nạn bạo hành trong gia đình (BHTGĐ) đã và đang có chiều hướng ngày một gia tăng. Có những người đang có hành vi bạo hành người khác mà không biết, cũng như nhiều người đang bị bạo hành mà vẫn không hay...

  • Định nghĩa các loại bạo hành
Nhức nhối bạo hành trong gia đình ảnh 1

Chứng kiến cha mẹ bạo hành, hầu hết trẻ bị tổn thương y như chính chúng bị bạo hành. Ảnh minh họa.

Có thể chia BHTGĐ ra làm 3 loại chính: bạo hành về thể xác, bạo hành tinh thần và bạo hành tình dục. Đó là “tất cả những hành vi, thái độ, cử chỉ, lời nói… làm người khác bị tổn thương về thể xác cũng như tinh thần, trong cuộc sống riêng tư cũng như nơi công cộng” - bà Lê Minh Nga, Nhà giáo ưu tú, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý-Giáo dục & Tình yêu-Hôn nhân-Gia đình (TTTVTL-GD&TY-HN-GĐ) thuộc Hội Tâm lý-Giáo dục TPHCM, định nghĩa.

Còn theo tài liệu của Viện Khoa học xã hội, BHTGĐ là hành vi “cưỡng bức thân thể (đánh đập); cưỡng bức tình dục; cưỡng bức tâm lý, tình cảm (nhục mạ, đe dọa, khủng bố tinh thần), cưỡng bức xã hội (cô lập nạn nhân với xã hội) và cưỡng bức tài chính (kiểm soát tiền bạc, bao vây kinh tế) đối với người trong gia đình mình”.

Một cuộc khảo sát lấy ý kiến nhằm xây dựng Luật phòng chống BHTGĐ của UBCVĐXH-QH cho thấy: 23% số gia đình được hỏi cho biết có hành vi bạo lực về thể chất, 25% gia đình có bạo lực tinh thần và 30% cặp vợ chồng xảy ra hiện tượng ép buộc trong quan hệ tình dục.

Cũng theo bà Lê Minh Nga, các vụ BHTGĐ theo thống kê, khảo sát, hoặc được các cấp chính quyền phát hiện chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”…

  • Đối tượng của bạo hành

Theo thống kê, trong số các vụ BHTGĐ thì phụ nữ bị chồng bạo hành chiếm 97%; nam giới bị vợ bạo hành chỉ chiếm 2,5%; những người trẻ mới kết hôn sau vài năm bạo hành nhau dẫn đến ly thân, ly dị chiếm 50%-60%; số còn lại là trung niên và một số ít là người lớn tuổi.

Trong 5 năm (từ 2000-2005), tòa án các địa phương trong cả nước đã giải quyết trên 350.000 vụ hôn nhân-gia đình, trong đó gần 200.000 vụ ly hôn có nguyên nhân bạo hành. Riêng năm 2005, cả nước có  gần 66.000 vụ ly hôn, trong đó, BHTGĐ chiếm gần 40.000 vụ.

Khi tìm hiểu hồ sơ của 385 ca tự tử tại bệnh viện ở một tỉnh phía Bắc, kết quả thật bất ngờ: 90% đối tượng tìm tới cái chết do bị BHTGĐ. Tại các tỉnh miền Nam, năm 2005 số vụ tự tử có nguyên nhân bị bạo hành lên đến gần 1.500 vụ, chiếm 88% các vụ tự tử, trong đó thanh thiếu niên chiếm trên 60%, đa số do mâu thuẫn gia đình bao gồm chồng đánh đập, hành hạ vợ dẫn đến tự tử, một số trường hợp bị sát hại hoặc bức tử; số khác do cha mẹ chửi mắng, ép buộc con cái trong đời sống, trong quan hệ nam nữ, trong hôn nhân dẫn đến tự tử, và đa số uống các loại thuốc trừ sâu, rất khó cứu chữa.

  • Nguyên nhân

Theo các nhà khảo sát, nguyên nhân chủ yếu của nạn BHTGĐ là do trình độ, kiến thức xã hội và hiểu biết của người phụ nữ còn rất hạn chế về quyền được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng nặng nề của ý thức và tập quán xã hội cũ với cách giáo dục từ cha mẹ, họ hàng, rằng đã là vợ thì tất phải lệ thuộc vào chồng, phải nén nhịn, gia đình mới hạnh phúc…

Cá biệt, nhiều người tự nhận mình có lỗi và chấp nhận bị chồng “răn dạy”, tự ti về thân phận, dẫn đến thừa nhận “quyền hành tối cao và tuyệt đối” của người chồng.

Về phía nam giới, không ít người tự cho mình quyền được đối xử bất công với vợ con, cộng với sự thiếu hiểu biết về pháp luật, dẫn đến phớt lờ hoặc không hay rằng hành vi xâm hại thân thể cũng như tinh thần của người khác là vi phạm pháp luật.

Một trong những nguyên nhân sâu xa hơn - theo các nhà xã hội học - do những giá trị vật chất ngày càng lấn lướt các giá trị nền tảng như đạo đức, tinh thần cùng các mối quan hệ gia đình trong một xã hội phát triển. Khi đời sống ngày càng gấp gáp, ganh đua, con người càng dễ rơi vào trầm uất, khó kiểm soát lời nói, hành vi. Ghen tuông thái quá, ích kỷ, đời sống khó khăn, thu nhập không ổn định, mất việc đột ngột, nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc cùng lối sống ảnh hưởng phim ảnh bạo lực... cũng là các nguyên nhân rất phổ biến dẫn đến gia tăng BHTGĐ.

  • Hậu quả

Nếu như bạo hành về thân thể (đánh đập, đâm chém…) phổ biến trong các đối tượng bình dân ở nông thôn thì người thành thị lại phổ biến lối bạo hành về tinh thần: hành hạ, giày vò nhau bằng lời nói, kiểm soát các mối quan hệ của nhau, thậm chí thuê người theo dõi nhau. Trong các kiểu bạo hành, bạo hành tình dục để lại những chấn thương về cả thể chất lẫn tinh thần rất lớn, “Thế nhưng loại bạo hành này lại rất khó phát hiện, khó bàn luận thẳng thắn vì ít ai chịu nói ra” – bà Lê Minh Nga day dứt.

Điều đáng lưu ý là khi đã tìm đến các trung tâm tư vấn hoặc phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương, người bị bạo hành thường đã… tơi tả về thể chất, khủng hoảng về tinh thần, đặc biệt có trường hợp do bị bạo hành lâu ngày đã xuất hiện triệu chứng tâm thần. Người phụ nữ bị bạo hành thường mất hết tự tin, phương hướng, xúc cảm, dẫn đến suy nghĩ, hành vi, tâm sinh lý thay đổi nghiêm trọng.

Thế nhưng, đó chỉ là hậu quả trực tiếp, hậu quả gián tiếp và dai dẳng chính là hệ lụy tới con cái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành nhân cách đối với trẻ. Một nghiên cứu cho thấy 90% trẻ nhận thức được hành vi bạo lực của cha mẹ. Chứng kiến cha mẹ bạo hành, hầu hết trẻ bị tổn thương y như chính chúng bị bạo hành. “Con cái có cha mẹ bạo hành dễ có thái độ nóng nảy, hung hãn, vô kỷ luật, tự ti, thù đời và lười nhác, học hành sút kém dẫn đến bỏ học, bỏ nhà lang thang. Đặc biệt, khi chúng lập gia đình, tư tưởng, hành vi bạo hành thường lặp lại với người phối ngẫu, với cả thế hệ sau, cố ý hoặc vô thức” – bà Lê Minh Nga khẳng định.

Nguồn:  Thống kê của Tổ chức quốc tế Action Aids; Báo cáo của Bộ Công An; Báo cáo của UBCVĐXH-QH; Tòa án Nhân dân tối cao TPHCM.

SONG PHẠM

Tin cùng chuyên mục