Lợi dụng việc xin phép “hoạt động ghi âm, thu âm trên nền nhạc” dễ dàng, không chịu sự thẩm định, hậu kiểm, nhiều cơ sở thu âm ở TPHCM trên thực tế không có trang thiết bị ghi âm theo yêu cầu kỹ thuật mà tổ chức kinh doanh karaoke không phép.
- Muôn kiểu núp bóng
Tại Nhà hàng Tuyết Mai (79 Calmette, quận 1), vừa dừng xe, nhân viên nhà hàng đã “sổ” một tràng tiếng Hàn tiếp đón, thực chất là phân loại khách. Nhà hàng có chủ là người Hàn Quốc và không tiếp khách người Việt. Bên ngoài treo biển nhà hàng nhưng bên trong lại là 6 phòng karaoke không phép được thiết kế rất tinh vi. Mỗi phòng khoảng 15m², để ghế sát theo tường, đối diện là một tivi và cặp loa. Khách đến, tiếp viên đưa micro không dây, mấy tập danh mục nhạc và một điều khiển từ xa. Còn dàn karaoke vi tính lại được cất giấu trong một khoang bí mật trên trần nhà vệ sinh.
Trong một căn phòng trên lầu, gần chục nữ tiếp viên chỉ mặc mảnh yếm nhỏ buộc dây ngang lưng cùng chiếc quần bó sát cũn cỡn che chưa hết vòng 3, đang õng ẹo tiếp rượu cho nhóm người Hàn vừa ăn uống vừa hát karaoke. Trong trang phục thiếu vải tương tự, 5 cô gái khác đang uốn éo, lắc lư ngả nghiêng thân mình theo điệu nhạc. Vừa nhảy múa, từng cặp tiếp cận nhau với những động tác rất khêu gợi.
Trong một căn phòng khác, chúng tôi thấy hơn chục nữ tiếp viên đang trang điểm chờ đến lượt tiếp khách. Có cô cởi cả quần áo, hồn nhiên phơi bày thân hình. Thấy khách lạ, nhiều cô gái chẳng buồn mặc quần áo. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà hàng nuôi đến hàng chục tiếp viên chân dài không lương, chỉ sống nhờ tiền bo để “chăm sóc” khách hát.
Ngoài nhà hàng, những cơ sở ghi âm, thu âm trên nền nhạc vốn đang nở rộ hiện nay cũng là mảnh đất màu mỡ cho karaoke “chui - ôm” núp bóng, hoạt động rầm rộ. Chúng tôi ghé Phòng thu âm Họa Mi (2811 Lãnh Binh Thăng, quận 11), nơi có 5 phòng karaoke. Vừa nhận phòng xong, nhân viên đã gợi ý: “Có em gái hát rất hay, các anh đồng ý mấy em vào cho vui”.
Sau cuộc điện thoại, 2 cô gái khoảng 25 tuổi, ăn mặc mát mẻ đã được điều đến. Cơ sở này không trực tiếp nuôi “chân dài” nhưng liên kết với các cơ sở thu âm, nhà hàng khác để khi khách cần thì điều động tới ngay. Nguồn tin cho biết, cơ sở này chỉ có giấy phép hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc, ghi rõ: “Trừ kinh doanh dịch vụ karaoke” nhưng vẫn kinh doanh karaoke. Trước đó, chúng tôi tới cơ sở cắt tóc, gội đầu Thái Quang Huy (9A Tôn Thất Tùng, quận 1) thấy có đến 5 phòng karaoke không phép và nguồn “chân dài” chính là cách kiếm tiền của cơ sở này với 30 nữ tiếp viên.
- Vi phạm nối tiếp vi phạm
Karaoke “chui - ôm” hoạt động sôi nổi, rầm rộ nhất là trên đường Ngô Văn Năm (quận 1) với gần 20 cơ sở. Tiếp đó là các tụ điểm trên đường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Bình, Trần Quang Khải, Tôn Thất Tùng, Bùi Viện (quận 1), Phạm Ngọc Thạch (quận 3), An Dương Vương (quận 5), Lãnh Binh Thăng (quận 11), Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận)… Chủ các cơ sở cho rằng nếu không có karaoke và không có em út sẽ chẳng có khách. Để câu khách, các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề nhạy cảm đều tìm cách hoạt động karaoke chui nuôi hàng chục “chân dài” để chiều khách. Trên đường Bùi Viện, Nhà hàng Sáu Chín có 7 phòng karaoke hoạt động thâu đêm suốt sáng.
Đặc biệt, gần đây nổi lên tình trạng các nhà hàng có vốn đầu tư nước ngoài (chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản) thuê người Việt Nam đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Những “giám đốc thuê” này không hề biết gì về hoạt động kinh doanh của cơ sở, mọi hoạt động do chủ đầu tư quyết định. Nhiều nhà hàng do người nước ngoài đầu tư không tiếp khách là người Việt nhằm tránh bị lộ hoạt động kinh doanh karaoke “chui - ôm”. Để qua mặt cơ quan chức năng, khi bị phát hiện kinh doanh karaoke không phép, chủ đầu tư liền “thay ngựa” - dựng người Việt Nam khác lên làm giám đốc, đổi tên doanh nghiệp và tiếp tục hoạt động với các sai phạm như cũ.
Nhà hàng Mùa Xanh (16 Nguyễn Thái Bình, quận 1) nổi tiếng với khoảng 30 chân dài luôn “chăm sóc” tận tình 6 phòng karaoke không phép. Dàn karaoke vi tính được cất giấu trong một ngăn trần giả bên ngoài các phòng. Hàng hóa, dịch vụ đều được niêm yết và thu bằng ngoại tệ. Nhà hàng này do người Hàn Quốc đầu tư, giám đốc là bà Nguyễn Thị Phương Giàu. Tiền thân của Nhà hàng Mùa Xanh là Nhà hàng Thiên Thiên Thanh, do bà Trần Thị Ngọc Thanh (SN 1986) làm giám đốc. Sau khi bị Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội (Đoàn 2) phát hiện vi phạm (ngày 14-4) đã phạt tổng số tiền là 101,1 triệu đồng nhưng doanh nghiệp không chịu đóng phạt. Sau đó, Nhà hàng Thiên Thiên Thanh liền được “khai tử” và ngay địa điểm trên mọc lên Nhà hàng Mùa Xanh.
ĐƯỜNG LOAN
Từ tháng 5-2005, TP đã ngưng cấp phép hoạt động karaoke để quy hoạch các ngành nghề “nhạy cảm”. Dự kiến trong thời gian ngắn tới, sẽ quy hoạch xong. Hiện nay, karaoke không phép đang hoạt động rất phức tạp, các cơ sở thường nuôi cả chục nữ tiếp viên để chiều khách. Chỉ riêng 2 tháng 7 và 8, Đoàn 2 đã phát hiện, đình chỉ 10 cơ sở kinh doanh karaoke “chui”, tăng gấp đôi so với 2 tháng đầu năm 2011. Do lợi nhuận lớn, các doanh nghiệp bất chấp, sẵn sàng chịu phạt vi phạm hành chính và… tiếp tục hoạt động, vi phạm. Ông LÊ VĂN QUÝ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM