Theo ghi nhận vào cùng ngày, tại đoạn kênh chính Phú Ninh dẫn nước từ hồ Phú Ninh cung cấp cho các xã ở phía Nam TP Đà Nẵng, xuất hiện nhiều xác heo chết bị thả xuống kênh rồi trôi đi nhiều nơi. Tại một cống ngăn nước, heo bị mắc lại có dấu hiệu bắt đầu phân hủy.

Tại đoạn chảy qua thôn Quý Thạnh (xã Thăng Bình), heo chết nổi đã bốc mùi hôi thối, nhiều người khi đi qua phải bịt mũi. Do bức xúc, vào ngày 16-7, một người dân đã chụp ảnh lại rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Ông Đoàn Thanh Khiết, Chủ tịch UBND xã Thăng Bình cho biết, sau khi nhận được thông tin, trong đêm qua (16-7), địa phương đã thu dọn số heo chết bị vứt ở đoạn kênh nói trên và tiêu hủy theo quy định về phòng chống dịch.

“Hiện tại, trên địa bàn xã chưa ghi nhận có ổ dịch tả heo châu Phi nào. Xác heo chết phát hiện trên địa bàn những ngày qua đều ở tại kênh Phú Ninh, có khả năng do người dân từ phía đầu nguồn vứt xuống, đến xã thì bị mắc lại”, Chủ tịch UBND xã Thăng Bình thông tin.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Đà Nẵng, từ đầu tháng 7 đến 16-7, dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên đàn heo của 44 hộ/19 thôn của 4 xã, phường gồm: Sông Kôn, Xuân Phú, Quảng Phú, Thăng Trường. Qua đó làm 125 con heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy với khối lượng hơn 7 tấn.

Vừa qua, Sở NN-MT TP Đà Nẵng cũng vừa ban hành công văn triển khai thực hiện biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu do heo chưa được tiêm vaccine phòng dịch tả heo châu Phi, người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm đến biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và địa bàn thành phố còn nhiều ổ dịch cũ. Ngoài ra, thời tiết thất thường gây bất lợi cho sức khỏe đàn heo và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh và lây lan thời gian tới là rất cao.
Qua đó, Sở NN-MT TP Đà Nẵng đề nghị các xã, phường thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật. Chủ động theo dõi đàn heo, nhất tại các khu vực đã từng có dịch tả heo châu Phi, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý khi dịch mới phát sinh. Hướng dẫn người chăn nuôi sử dụng vôi bột, hóa chất khử trùng khu vực chăn nuôi…

Khi phát hiện dịch tả heo châu Phi thì các địa phương cần tập trung các nguồn lực để xử lý dịch ngay khi heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, không để lây lan diện rộng. Khi lấy mẫu phải có sự phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên để quản lý dịch trên toàn địa bàn thành phố.