Bất kể ngày đêm, các đối tượng khai thác cát trái phép ngang nhiên sử dụng những “cỗ máy” công suất lớn đâm sâu hàng chục mét, rộng hàng trăm mét dưới đáy sông, suối hút cát. Hoạt động phi pháp này đã và đang diễn ra ồ ạt trên sông Sài Gòn, đoạn qua các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, TPHCM và các sông nhỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hậu quả, dòng chảy bị thay đổi, môi trường sinh thái bị phá vỡ, ruộng vườn của người dân, đất trồng cao su của nông trường bị sạt lở nghiêm trọng... Đáng quan ngại hơn, nạn khai thác cát trái phép diễn ra công khai, kéo dài nhiều năm nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tỏ ra bất lực. PV Báo SGGP đã thâm nhập nhiều ngày, ghi nhận cận cảnh các hoạt động “chui” này.
Mỗi đêm, sông Sài Gòn đoạn qua các huyện Củ Chi (TPHCM), Bến Cát - Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) và Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) bị các đối tượng khai thác cát trái phép “xẻ thịt”, lấy đi hàng ngàn khối cát, thu lợi cả trăm triệu đồng. Đổi lại, hàng trăm mét vuông ruộng vườn của người dân ven sông bị sạt lở; nhà cửa, tính mạng con người có thể bị “hà bá” cuốn trôi bất cứ lúc nào.
“Cát tặc” lộng hành
22 giờ đêm, sông Sài Gòn - đoạn giáp ranh giữa các xã Phú Mỹ Hưng (Củ Chi, TPHCM), xã Hưng Thuận (Trảng Bàng, Tây Ninh) và xã Thanh Tuyền (Bến Cát, Bình Dương) náo động bởi tiếng nổ của máy hút cát. Men theo con đường đất dẫn từ tỉnh lộ 6 ra bờ sông thuộc ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, chúng tôi thấy chục chiếc ghe cập thành 5 tụ, đậu dọc bờ sông. Trên mỗi ghe, 4 đối tượng liên tục thay nhau điều khiển dây ga máy nổ, hì hục lay chuyển ống dẫn để hút cát lên ghe. Được một giờ, các ghe hút đầy cát (mỗi ghe chở khoảng 30 khối) di chuyển về xã Thanh Tuyền bên kia sông để tập kết “hàng”. 20 phút sau, các ghe quay trở lại vị trí cũ, tiếp tục hút cát. Cứ thế, đến hơn 2 giờ sáng, mỗi ghe đã hút và chở sang xã Thanh Tuyền cả trăm khối cát.
Đến 3 giờ 30, thoáng thấy ánh đèn pin từ trên cầu Bến Súc lóa xuống sông, lập tức tiếng máy nổ từ các ghe tắt lịm. Sau khoảng nửa giờ yên bình, sông Sài Gòn ở khu vực ngã ba tỉnh lại náo động với âm thanh xập xình từ những ghe hút cát phát ra. Hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn qua các xã An Nhơn Tây, An Phú, Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi), An Tây (huyện Bến Cát), Thanh An (huyện Dầu Tiếng)… còn rầm rộ và công khai cả ban ngày.
Trưa 11-5, sà lan có tên Công ty Gia Nguyên, dài khoảng 100m, rộng 10m neo sát bờ sông ở ấp Chợ Cũ 2, xã An Nhơn Tây. Cập quanh sà lan này có 6 ghe hút cát, mỗi ghe có 5 thanh niên nói chuyện bằng tiếng Việt Nam và Campuchia liên tục dùng bá lan (một dạng máy khoan có công suất lớn) dìm ống dẫn đâm sâu vào bờ sông, hút cát chảy lên sà lan. Các ghe di chuyển đến đâu, bờ sông bị rã và tuột xuống nước đến đó.
Thời gian qua, nạn khai thác cát trái phép đã làm gần 100km bờ sông Sài Gòn từ xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi đến huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh sạt lở nghiêm trọng, đê ngăn triều do người dân địa phương đắp xây hàng năm cũng nát theo, ruộng vườn của các hộ dân ven sông bị “hà bá” nuốt chửng. Chỉ 15km bờ sông qua huyện Bến Cát (Bình Dương), 4 năm qua có hơn 12 vị trí bờ sông bị sạt lở, mỗi vị trí bị sạt dài 70 - 550m, ăn sâu vào đất liền từ 5 - 20m. Trước đây, chiều ngang trung bình sông Sài Gòn từ 95 - 150m, nay nhiều đoạn rộng hơn 250m do bị sạt lở.
Nhìn ra bờ sông bị sạt còn cách căn nhà 30m, ông Nguyễn Văn Hiếu, ở ấp Chợ Cũ 2, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi thẫn thờ: “Tháng chạp năm ngoái, gia đình còn trồng cỏ nuôi bò trên 4 công ruộng, giờ ruộng đã thành sông. Bờ đắp lở, ruộng sạt, nước sông ngày càng tràn vào vườn, làm cây ăn trái chết dần. Mất sạch rồi…”. Để cứu sông, cứu vườn tược, những năm qua, người dân đã gửi hàng trăm lá đơn kêu cứu đến xã, huyện nhưng kết quả vẫn bằng không. Trước sự lộng hành của “cát tặc”, không ít hộ dân như gia đình ông Tuấn ở xã An Nhơn Tây đã liều mình chống trả và bị “cát tặc” vào tận nhà rượt chém, gây thương tích. Đường cùng, bà con đành bán đất, bán vườn cho chính các đối tượng khai thác cát trái phép, đi nơi khác sinh sống. Cứ thế, sông Sài Gòn ngày càng bị sạt lở nặng hơn.
Ô dù bao che
Không chỉ gây sạt lở, sông Sài Gòn bị tận thu cát khiến trữ lượng cát trên sông bị cạn kiệt, môi trường sinh thái bị phá vỡ, dòng chảy bị thay đổi… Gây hại vậy nhưng cơ quan chức năng rất ít kiểm tra, bắt, xử lý bọn hút cát lậu. Đã vậy trước lúc có đoàn kiểm tra xuất hiện, sông Sài Gòn trở nên yên bình đến kỳ lạ. Cả trăm ghe hút cát như được báo trước, lập tức ngưng hoạt động, dạt hết vào những con rạch.
Từng là “trợ lý” của một “ông trùm” khai thác, mua bán cát trái phép ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, H. - một thanh niên ở ấp Phú Thuận, xã Phú Hòa Đông nắm rõ từng chiêu thức làm ăn của “cát tặc”. H nói: “Làm nghề “hút máu trên sông” phải có “ô dù”, không thì chết như chơi. Thường, lịch đi tuần tra ở huyện do Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tổ chức, nên “ông trùm” chơi đẹp với một chuyên viên tổ môi trường của phòng là xong. Còn để tránh dính bẫy “mấy ông” thành phố và tỉnh lâu lâu đi tuần, ở những cửa ngõ ra sông, “ông trùm” tặng mấy bà bán nước vài xị (vài trăm ngàn đồng) mỗi tháng là ổn. Nhờ vậy nên có động là ngoài sông tụi tui biết và trốn ngay. Trường hợp bị đánh sát quá, tụi tui tháo van để ghe chìm, rồi nhảy sông lặn vào bờ, nhưng hiếm khi nào như vậy lắm”.
Rồi H. kể tiếp: “Ở Củ Chi là vậy, còn ở Tây Ninh và Bình Dương có một “bà trùm” tên L. có cả trăm ghe hút cát lậu và tổ chức mua cát của các nhóm hút cát chui. Bà này có “ô dù” trên tỉnh lớn lắm nên sau này còn “chạy” được cả giấy phép khai thác, kinh doanh cát trên sông Sài Gòn, thậm chí còn “phù phép” được hóa đơn đỏ. Vì vậy mà hầu hết các trường hợp hút cát chui trên sông đều bán cho vựa của bà L., nếu không sẽ rất khó làm ăn”.
Theo tìm hiểu của PV, đơn vị duy nhất được UBND tỉnh Tây Ninh cấp phép khai thác cát trên sông Sài Gòn (đoạn từ km19 đến km29 thuộc xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng và xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) là Doanh nghiệp tư nhân cát đá sỏi Minh Hưng. Đứng đầu doanh nghiệp này là bà Trần Thị Lượm, ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Không biết khi ký cấp giấy phép cho doanh nghiệp khai thác cát (ngày 12-9-2002), ông Nguyễn Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh (tại thời điểm cấp phép) có biết Chính phủ đã ra lệnh đình chỉ khai thác cát trên sông Sài Gòn từ ngày 5-5-1998 (!?). Đáng nói hơn, giấy phép lại không giới hạn chiều sâu khai thác, thời gian khai thác lại kéo dài đến 14 năm (từ tháng 9-2002 đến tháng 9-2016).
Địa phương bất lực?
Mang bức xúc của người dân, các hình ảnh bờ sông, ruộng vườn bị sạt lở đặt lên bàn lãnh đạo xã, huyện có sông Sài Gòn chảy qua, PV Báo SGGP nhận được câu trả lời chung: “Đã làm hết cách”, hoặc “địa phương bất lực rồi”. Bà Huỳnh Thị Vang, Phó Phòng TN-MT huyện Củ Chi, cho biết mỗi năm, huyện phải chi hơn 100 triệu đồng cho việc truy bắt, xử lý đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn. Dù vậy, từ năm 2006 - 2012, qua kiểm tra, theo dõi huyện chỉ phát hiện, xử lý được 45 tổ chức, cá nhân vi phạm, tịch thu 45 phương tiện. Trên thực tế, lượng ghe hút cát trái phép chưa phát hiện còn nhiều hơn. Công tác xử lý thời gian qua mới giải quyết được phần ngọn, chưa thể dẹp triệt để. Lý giải điều này, bà Vang cho rằng do kinh phí không có, nhân sự ít, trong khi những đối tượng khai thác cát rất hung hãn, trang bị cả vũ khí, mã tấu trên ghe, sẵn sàng chống trả khi lực lượng chức năng tiếp cận. Phần khác do việc phối hợp xử lý giữa các địa phương giáp ranh chưa đồng bộ.
“Huyện đã làm hết cách nhưng chưa trấn áp được các trường hợp vi phạm. Thành phố cần có biện pháp mạnh hỗ trợ địa phương để việc xử lý được hiệu quả hơn. Sở Kế hoạch - Đầu tư TP cần xem lại việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp kinh doanh cát dọc sông, không nên cấp tràn lan, vì đây là đầu ra cho “cát tặc” hoạt động” - bà Vang kiến nghị.
Phó Chủ tịch một xã ở huyện Dầu Tiếng (xin giấu tên), nói: “Hàng tháng xã vẫn giám sát, theo dõi và báo cáo lên trên, nhưng dẹp triệt để thì nói thật xã bất lực vì không có phương tiện và kinh phí. Để “triệt” được nạn khai thác cát trái phép, huyện và tỉnh phải đóng vai trò chủ đạo, phải quyết liệt trong cách làm. Hiện, sông Sài Gòn bị tận thu cát đến mức báo động, trữ lượng cát chỉ còn ở dọc hai bờ sông. Nếu việc tận thu cát cứ diễn ra, hậu quả không chỉ sạt lở bờ sông mà còn nguy hiểm đến tính mạng con người
Tuấn Vũ