Không chỉ dùng bá lan dìm ống đâm sâu xuống đáy suối, “cát tặc” ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai còn sử dụng cả xe đào, xe múc “gặm” sạt đất nông trường cao su, ruộng rẫy của dân để tận thu cát. Trong khi đó, chính quyền và ngành chức năng địa phương lại có dấu hiệu tiếp tay cho “cát tặc”!
Điêu đứng vì tận thu cát
Suối Cạn ở huyện Long Thành (Đồng Nai) có vai trò như kênh thủy lợi, cung cấp nước tưới cho hàng chục hécta rau màu ở các xã Bàu Cạn, Phước Bình và một số xã lân cận, nay do bị tận thu cát đã biến thành sa mạc bùn. Có mặt tại suối này vào một ngày đầu tháng 6-2013, chúng tôi thấy dòng suối không còn nước chảy, đáy suối hiện rõ hàng trăm hố bùn lớn nhỏ. Hai bên bờ suối, đất của Nông trường cao su Thái Hiệp Thành và đất sản xuất của người dân bị sạt lở nặng, rất nhiều cây cao su bị bật gốc, phơi rễ chết khô. Chỉ tính riêng đoạn qua ấp 3, xã Bàu Cạn đã có cả trăm điểm sạt lở, mỗi vị trí bị sạt kéo dài hơn 50m, sâu gần 30m.
Ông Hoàng, ở ấp 3, xã Bàu Cạn, cho biết: Nạn khai thác cát trái phép ở suối Cạn diễn ra từ cuối năm 2009. Ban đầu lác đác một vài máy hút dưới suối. Về sau có cả “tập đoàn” máy đào đổ về, xới tung đất ruộng, đất trồng cao su lên đãi cát. “Bức xúc, bà con nhiều lần gọi điện báo xã, làm đơn kêu cứu huyện. Nhưng lần nào cán bộ tài nguyên xuống cũng “cười cười, nói nói” chiếu lệ rồi ra về. Sau khi xe cán bộ đi khỏi thì mọi việc đâu vào đấy” – ông Hoàng nói. Do bị tận thu ồ ạt nên trữ lượng cát dưới suối sớm bị cạn kiệt. Hiện nay, đêm đến “cát tặc” còn lén đưa máy vào các ruộng keo non của dân để đào đất, đãi cát. Không ít hộ dân như ông Tòng ở ấp 3, xã Bàu Cạn phải vào rừng, dựng chòi ngủ lại trong đêm, canh “cát tặc”, giữ đất giữ ruộng. Giống như suối Cạn, suối Cả đoạn qua ấp 1, xã Phước Bình (Long Thành) thời gian qua cũng bị “cát tặc” xẻ thịt tan hoang, đẩy cuộc sống của không ít người dân địa phương vào ngõ cụt. “Kinh tế người làm nông có khá lên cũng nhờ vào cây bắp, cây mì. Giờ bắp, lúa, mì đều không sống nổi do nước tưới dưới suối bị “cát tặc” đãi cát làm nhiễm đất sét. Vì vậy mà những năm gần đây, cuộc sống người dân rất khó khăn. Không biết các cấp chính quyền ở Đồng Nai có biết việc này?” - lão nông Tôn Lèng, ở ấp 1, xã Phước Bình kêu khổ.
Dư luận bức xúc như thế nhưng các cấp chính quyền, ngành chức năng ở Đồng Nai lại không ngăn chặn, xử lý? Theo người dân địa phương, người đứng đầu các nhóm hút cát trái phép, làm tan nát suối Cạn và suối Cả ở huyện Long Thành là bà L. Nữ “cát tặc” này là em một lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai. Núp dưới “bóng” này, từ năm 2005, bà L. cho người đưa máy vào suối Cạn và suối Cả để hút cát, sau đó bị dân tố cáo nên ngưng hoạt động. Đến giữa năm 2009, bà này “chạy” giấy phép nạo vét suối. Thực tế không phải nạo vét mà là tận thu cạn kiệt cát trên suối!
Mập mờ giấy phép
Để làm rõ những vấn đề người dân phản ánh và trao đổi thông tin về công tác kiểm tra, xử lý tình trạng tận thu cát ồ ạt tại suối Cả và suối Cạn, PV Báo SGGP nhiều lần liên hệ trực tiếp và qua điện thoại với UBND huyện Long Thành, nhưng lần nào các lãnh đạo ở đây cũng thoái thác: Bận họp! Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 19-6-2009, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản chấp thuận cho bà Nguyễn Ngọc L. nạo vét suối Cạn ở ấp 3, xã Bàu Cạn và suối Cả, ấp 1, xã Phước Bình nhằm tránh gây ngập lụt ở địa phương. Nội dung văn bản ghi rõ: Vị trí nạo vét dòng suối ấp 1, xã Phước Bình có chiều dài khoảng 800m, chiều rộng nạo vét tính từ tim dòng suối là 4m (mỗi bên 2m), độ sâu nạo vét -3m; vị trí nạo vét suối ấp 3, xã Bàu Cạn dài khoảng 2km, chiều rộng tính từ tim dòng suối là 4m (mỗi bên 2m), độ sâu nạo vét -3m; việc nạo vét không được làm ảnh hưởng đến hai bên bờ suối. Điều đáng nói, văn bản lại không giới hạn thời gian nạo vét cát của bà L.
Biết được điều này, người dân ở xã Bàu Cạn bức xúc: “UBND tỉnh Đồng Nai lấy lý do “tránh ngập lụt” để chấp thuận cho bà L. nạo vét suối Cạn là không hợp lý. Thực tế hàng chục năm qua, ở xã này không hề bị ngập lụt. Nếu cho rằng có ngập lụt, tỉnh có được xã, huyện báo cáo các con số thiệt hại hàng năm do ngập lụt gây ra? Thêm nữa, việc tỉnh ra văn bản chấp thuận nạo vét suối có liên quan đến quyền lợi của người dân trong khu vực, sao trước khi ra văn bản, chính quyền không lấy ý kiến dân. Nói là nạo vét để tránh ngập, sao tỉnh không giới hạn thời gian nạo vét? Như thế có khác nào tỉnh tiếp tay cho bà L. tận thu cát để làm lợi cho cá nhân”. Chưa hết, tháng 7-2012, Phòng TN-MT huyện Long Thành kiểm tra và lập biên bản vi phạm đối với bà Nguyễn Ngọc L. vì “nạo vét cát nhưng không thực hiện nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận”. Biên bản vi phạm được lập là vậy, nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì UBND huyện Long Thành lại không ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với bà L.(?).
Tháng 7-2012, người dân tiếp tục có hàng loạt đơn kêu cứu về việc suối Cạn và suối Cả bị sạt lở. Qua kiểm tra thực tế, xét thấy phản ánh của người dân là đúng, ngày 16-8-2012, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai kiến nghị UBND tỉnh giới hạn thời gian nạo vét cát của bà L. đến hết tháng 12-2012. Dù vậy, đến ngày cuối tháng 4-2013, tỉnh vẫn không phản hồi. Sau khi PV Báo SGGP liên hệ UBND tỉnh Đồng Nai làm việc, ngày 26-4, Văn phòng UBND tỉnh này có văn bản trả lời báo với nội dung: “Giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Long Thành, UBND 2 xã Bàu Cạn và Phước Bình, khẩn trương kiểm tra hiện trường, đình chỉ ngay việc nạo vét cát gây sạt lở, ô nhiễm môi trường, trả lời phản ánh của người dân và thông tin kết quả cho Báo SGGP trước ngày 15-5-2013”. Tuy nhiên, đến nay Báo SGGP vẫn chưa nhận được phiếu chuyển, văn bản phúc đáp nào từ Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai. Đến bao giờ các sai phạm trong quản lý, giám sát, nạo vét cát ở Bàu Cạn và Phước Bình mới được làm rõ? Xin nhường câu trả lời cho các cơ quan chức năng?
TUẤN VŨ
- Bài 1: “Xẻ thịt” sông Sài Gòn