Nhức nhối với nạn xả thải tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Sau vụ xả thải của 14 doanh nghiệp chế biến hải sản (CBHS) tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khiến cá nuôi lồng bè của người dân xã Long Sơn chết hàng loạt, thiệt hại hàng chục tỷ đồng, những tưởng sẽ là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp CBHS trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng trên thực tế, việc các doanh nghiệp lén lút xả thải ra môi trường để giảm chi phí sản xuất vẫn đang diễn ra. Việc làm này nếu không được giải quyết một cách cương quyết thì sẽ để lại những hệ lụy vô cùng to lớn.
Nhức nhối với nạn xả thải tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Sau vụ xả thải của 14 doanh nghiệp chế biến hải sản (CBHS) tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khiến cá nuôi lồng bè của người dân xã Long Sơn chết hàng loạt, thiệt hại hàng chục tỷ đồng, những tưởng sẽ là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp CBHS trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng trên thực tế, việc các doanh nghiệp lén lút xả thải ra môi trường để giảm chi phí sản xuất vẫn đang diễn ra. Việc làm này nếu không được giải quyết một cách cương quyết thì sẽ để lại những hệ lụy vô cùng to lớn.

Xả thải thẳng ra sông

Sau nhiều ngày bố trí lực lượng trinh sát theo dõi, vào lúc 19 giờ 15 phút ngày 27-5 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã phát hiện và bắt quả tang Công ty TNHH Đông Đông Hải (gọi tắt là Công ty Đông Đông Hải; địa chỉ số 1719A, đường Võ Nguyên Giáp, phường 12, TP Vũng Tàu, tỉnh BR-VT) đang xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Tại thời điểm phát hiện, hệ thống xử lý nước thải của Công ty Đông Đông Hải chỉ hoạt động bể sục khí, điểm xả cuối cùng sau hệ thống xử lý nước thải không có nước chảy ra môi trường. Trong khi đó, nước thải từ quá trình sản xuất, chưa qua xử lý được công ty này đục tường rào dẫn qua một ống nhựa có đường kính 60cm, rồi xả ra sông Dinh. PC49 đã lấy mẫu nước thải để phục vụ công tác điều tra, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp dừng ngay hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Được biết, Công ty Đông Đông Hải hoạt động trong lĩnh vực chế biến, bảo quản thủy sản với quy mô lớn. Làm việc với cơ quan công an, nhân viên vận hành hệ thống xử lý nước thải của Công ty Đông Đông Hải thừa nhận, đã nhiều lần bơm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Năm 2014, PC49 cũng đã từng phát hiện và bắt quả tang Công ty Đông Đông Hải xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Hồ chứa nước của 14 doanh nghiệp chế biến hải sản ở xã Tân Hải chuyển thành màu tím

Đã xử phạt nhưng vẫn tái phạm

Liên quan tới việc xả thải, PC49 - Công an tỉnh BR-VT đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường tại doanh nghiệp tư nhân Thiên Phương (số 67 Phước Thắng, phường 12, TP Vũng Tàu, chuyên CBHS). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở hoạt động bình thường, hệ thống xử lý nước thải công suất 60m3/ngày đêm đang vận hành nhưng máy châm Clo không hoạt động, nước thải sau xử lý có màu vàng đậm, hôi và chưa dán nhãn cảnh báo nơi lưu giữ chất thải nguy hại. Đoàn kiểm tra lấy mẫu để phân tích, đánh giá và yêu cầu cơ sở có biện pháp cải tạo hệ thống xử lý nước thải và dán nhãn cảnh báo nơi lưu giữ chất thải nguy hại.

 

Toàn tỉnh BR-VT hiện có hơn 240 cơ sở CBHS. Tổng lượng nước thải phát sinh từ các cơ sở này khoảng trên 8.000m³/ngày. Việc kiểm soát các nguồn xả thải chưa chặt chẽ, bị động, nhất là trong hoạt động CBHS, dẫn đến việc xả thải không đúng quy định, gây ô nhiễm tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh.

 

Đầu tháng 4-2016, cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp tư nhân Thiên Phương có hành vi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường bằng hệ thống cống thoát nước có đường kính 0,4m, chiều dài 70m. Theo kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường tỉnh BR-VT, nước thải của doanh nghiệp này thải ra môi trường có 7/10 chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ngày 13-6, UBND tỉnh BR-VT đã ra quyết định xử phạt doanh nghiệp tư nhân Thiên Phương 287,2 triệu đồng vì có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên. Trước đó, vào năm 2015, doanh nghiệp này cũng đã bị xử phạt 158,2 triệu đồng về hành vi tương tự.

Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chủ tịch UBND phường 12 (TP Vũng Tàu) cho biết, hiện nay trên địa bàn phường có 31 cơ sở chế biến thủy hải sản, trong đó có 12 cơ sở đã được cấp phép về xả thải, 1 cơ sở đã ngưng hoạt động, còn lại 1 cơ sở đang làm các thủ tục giấy tờ liên quan. Theo ông Dũng, để bắt quả tang các doanh nghiệp xả thải ra môi trường là rất khó, thẩm quyền của phường hạn hẹp, chỉ có nhiệm vụ phối hợp kiểm tra với các đoàn chức năng. Về phía người dân, khi phát hiện việc xả thải của các doanh nghiệp cũng vẫn còn e dè, chưa dám tố giác vì sợ bị trả thù… Chính vì vậy ông Dũng cho rằng nên công bố sơ đồ hệ thống nước thải để người dân và chính quyền cùng nhau giám sát. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm sẽ phối hợp các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc.

Trong khi đó, hệ lụy từ việc xả thải của 14 doanh nghiệp CBHS tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành) vẫn chưa đi đến hồi kết. TAND TP Vũng Tàu vừa nhận đơn của 33 hộ dân xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) bị thiệt hại trong vụ cá chết hàng loạt do việc xả thải của các nhà máy. Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT đang hỗ trợ pháp lý miễn phí cho các hộ dân, để bà con đòi 14 doanh nghiệp CBHS nói trên bồi thường hơn 10 tỷ đồng tiền thiệt hại từ việc cá nuôi lồng bè chết hàng loạt trên sông Chà Và hồi tháng 9-2015.

ĐỨC TRUNG - NÔNG NGÂN

Tin cùng chuyên mục