Bài 1: Nghịch lý thừa, thiếu
TPHCM đang vào giai đoạn cuối của công tác lập quy hoạch chi tiết 1/2000 toàn TP. Trong lĩnh vực quản lý đô thị, đây là điều được người dân mong chờ nhất vì quy hoạch là cơ sở quan trọng có tính chất quyết định cho việc phát triển đô thị bền vững: chống ngập nước, kẹt xe và ô nhiễm môi trường…
Đất công cộng: Đâu cũng kêu thiếu!
Có nhiều nguyên nhân gây ngập nước, kẹt xe và ô nhiễm môi trường, mà một trong số đó là do thiếu đất làm công viên, bãi đậu xe, làm đường, làm hồ điều tiết nước mưa… Chính vì vậy, người dân, các nhà khoa học và ngay cả nhiều cán bộ lãnh đạo của TP kỳ vọng lần làm lại quy hoạch này (năm 1998 TPHCM đã lập quy hoạch chi tiết ở một số khu vực) sẽ khắc phục được những bất cập trên.
Thế nhưng, báo cáo mới nhất của vài quận, huyện cho thấy hy vọng trên sẽ khó thành hiện thực vì… không có đất. Ngay như quận 9 - một quận mới của TP chỉ “cân đối” được khoảng 70ha đất dành làm bãi đậu xe trong khi nhu cầu đến 170ha. Huyện Nhà Bè cũng chỉ “cân đối” được khoảng 30ha đất trong khi theo kế hoạch phải có 110ha diện tích bãi đậu xe.
Điều đáng lo ngại, theo ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chuyện ở hai địa phương trên không phải hiện tượng cá biệt trong quá trình lập quy hoạch chi tiết 1/2000 trên địa bàn TPHCM. Hầu như quận, huyện nào cũng “đòi” giảm bớt diện tích đất dành cho các công trình công cộng. Đất cho công viên, đất làm bãi đậu xe, đất làm hồ điều tiết…, những loại đất góp phần trực tiếp giải quyết vấn nạn kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường lại là những loại đất bị xin giảm nhiều nhất.
Hiện tượng này nhiều đến mức ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, phải làm một văn bản báo cáo UBND TPHCM về tình trạng nhiều diện tích đất dành cho các công trình giao thông đã bị không ít quận, huyện “đòi” chuyển đổi công năng thành các khu dân cư, các cao ốc văn phòng.
Trong khi đó, trên thực tế, các quận, huyện còn rất nhiều đất trống. Tại quận 9, phần lớn diện tích đất ở phường Phước Long B chỉ có… cỏ dại mọc. Ở huyện Nhà Bè, mặc dù KCN Hiệp Phước đã đi vào hoạt động, song hầu như chỉ có dân cư sinh sống tập trung dọc các trục đường Nguyễn Văn Tạo, trục đường Bắc - Nam…, phần lớn còn lại là đất hoang.
Tất nhiên, các quận, huyện cũng có cái khó. Đất trống, cỏ dại mọc nhưng đều là đất… dự án, đa phần đã được hợp pháp hóa. Theo các quy định của pháp luật, trong thời gian 2 - 3 năm nếu chủ đầu tư không triển khai dự án mà không có lý do chính đáng thì dự án sẽ bị thu hồi.
Nguyên tắc là thế, nhưng triển khai lại không dễ dàng vì đa phần dự án chậm đều có lý do… chính đáng(!). Một cán bộ của Phòng Quản lý đô thị quận 9 tâm sự: “Nhiều khi nhìn đất bỏ hoang, xót lắm nhưng cũng chẳng biết làm sao”.
Dân số: Quận, huyện nào cũng... xin thêm
Ngược lại với chỉ tiêu về đất công cộng, với chỉ tiêu về dân số, ông Hoàng Minh Trí cho biết, hầu như quận, huyện nào cũng xin thêm. Ít thì xin tăng thêm 20% - 30%, nhiều thì tăng thêm 100%, cá biệt có địa phương xin tăng thêm 200%. Các địa phương xin thêm nhiều nhất là quận 8, 9, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Nhà Bè…
Điều trớ trêu là khi Viện Quy hoạch TPHCM tham khảo số dân cư hiện có của các địa phương này thông qua cơ quan quản lý hộ tịch thì con số thực thấp hơn nhiều mức “xin tăng” của các địa phương. Viện Quy hoạch TPHCM có đặt vấn đề “tại sao?” đối với nhiều quận, huyện thì được trả lời “do cộng thêm số dân của các dự án địa ốc đang được triển khai trên địa bàn”.
Vì sao các dự án địa ốc lại có mức dân số như vậy? Nhiều quận, huyện không trả lời được, nhưng cũng có quận, huyện lý giải: “cho xây thêm nhiều nhà ở như vậy thì các chủ đầu tư mới có lãi, địa phương mới thu hút được các nhà đầu tư”. Tuy nhiên, căn cứ nào để xác định đâu là mức có thể hấp dẫn các nhà đầu tư, không địa phương nào trả lời được.
Làm phép cộng ở đây không sai, ông Hoàng Minh Trí nhận xét, song để quyết định mức dân số không thể chỉ làm một phép tính đơn giản như thế. Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM, đô thị phát triển đến mức nào với dân số bao nhiêu phải căn cứ chủ yếu vào điều kiện tự nhiên, xã hội và mối liên hệ với các địa phương khác của quận, huyện đó. Việc này thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, không thể của các nhà đầu tư.
Trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ lập quy hoạch trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã cương quyết: “Việc tăng dân số phải tương ứng với khả năng cung ứng của các công trình công cộng”. Tuy nhiên, làm sao thực hiện được yêu cầu này là bài toán khó cho các địa phương vì đất đai có hạn, các dự án địa ốc đa phần đều đã được cấp phép. “Chúng tôi đang bí rị” - nhiều cán bộ địa phương than thở như vậy.
Nguyễn Khoa
Bài 2: Đổi mới cách làm quy hoạch
Thực tế nhức nhối nêu trong bài trước đã và đang được UBND TPHCM giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét, đề xuất hướng giải quyết. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc và ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM.
Ông TRẦN CHÍ DŨNG: Linh hoạt trong cách lập và thực hiện quy hoạch
- PV: Thưa ông, nhiều quận, huyện cho biết “đất đai có hạn, dự án đã được duyệt”, trong khi đó các chỉ tiêu về đất dành cho các công trình công cộng cũng đã được quy định “cứng” trong nhiều văn bản về xây dựng của Bộ Xây dựng. Sở Quy hoạch - Kiến trúc dự định đề xuất tham mưu cho UBND TPHCM giải quyết tình trạng “thừa, thiếu” trong quy hoạch như thế nào?
- Đây là thực tế phát sinh từ sự chưa đồng bộ khi làm quy hoạch chung. Đúng ra, khi làm quy hoạch chung phải tích hợp được tất cả các thông số của các quy hoạch ngành, các quy hoạch chi tiết và cân đối chúng trong nhiệm vụ và yêu cầu của quy hoạch chung. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, để giải quyết buộc phải điều chỉnh lại những quy hoạch chưa phù hợp hoặc tìm kiếm thêm nhiều giải pháp thực hiện quy hoạch linh hoạt khác. Ví dụ, để có thêm diện tích đất cho bãi đậu xe, các địa phương phải điều chỉnh lại quy hoạch một số khu dân cư mới theo hướng tăng thêm diện tích cho bãi đậu xe hoặc cũng có thể yêu cầu chủ đầu tư xây dựng các hầm ngầm dưới các cao ốc cho xe lưu đậu. Ngoài ra, các địa phương cũng có thể nghiên cứu xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới các công viên trong địa bàn…
Với vị trí trung tâm kinh tế của cả nước, TPHCM có sức hút đặc biệt đối với một bộ phận không nhỏ dân cư ở các tỉnh thành khác. Do vậy, nếu chỉ sử dụng đơn thuần không gian trên mặt đất, TPHCM sẽ rất khó đủ đất để thực hiện tất cả các yêu cầu về xây dựng. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang nghiên cứu các giải pháp linh hoạt nêu trên để trình UBND TPHCM xem xét.
- Quy hoạch chung của TPHCM mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010 và nhiều quận, huyện đang còn làm quy hoạch chi tiết 1/2000, bây giờ lại nói đến chuyện điều chỉnh quy hoạch, liệu có làm người dân lo lắng?
- Chính những bất cập hiện nay làm cho công tác lập quy hoạch không thể tiến hành nhanh và có chất lượng, mới làm cho người dân lo lắng. Hơn nữa, việc điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp hơn với thực tế là điều đã được luật pháp cho phép. Nếu không có vấn đề gì, bình thường 3-5 năm các địa phương cũng phải rà soát lại quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết 1/500 để điều chỉnh lại cho thực tế hơn, hiệu quả hơn.
Ông NGUYỄN TRỌNG HÒA: Quy hoạch theo phân khu
- Cách giải quyết hay nhất là nên rà soát lại quy hoạch theo hướng làm quy hoạch phân khu thay vì làm quy hoạch theo địa giới hành chính. Cơ sở để xác định các phân khu là điều kiện tự nhiên, nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố nói riêng và vùng TPHCM nói chung. Có những phân khu có thể cho tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, có những khu cho phát triển nhà ở nhưng cũng có những khu… không cho phát triển gì, chỉ để bảo tồn như khu rừng ngập mặn Cần Giờ chẳng hạn. Hiện nay Luật Quy hoạch đô thị đã có hiệu lực và đây là cơ sở quan trọng để triển khai cách làm quy hoạch theo hướng phân khu.
- Thưa ông, nhưng hiện nay hầu hết các quận, huyện đã và đang tiến hành làm quy hoạch trên cơ sở địa giới hành chính của mình?
- Có thể giải quyết vấn đề này một cách dung hòa là vẫn giữ quy hoạch theo địa giới hành chính và bổ sung thêm quy hoạch phân khu. Các quận, huyện khi thực hiện quy hoạch của mình sẽ phải căn cứ thêm vào quy hoạch phân khu. Điều này có nghĩa các quận, huyện vẫn làm quy hoạch để có cơ sở quản lý phát triển đô thị, nhưng đồng thời phải tuân theo các quy định trong quy hoạch phân khu - một hình thức quy hoạch có cân nhắc đến lợi thế chung của cả thành phố và có tính chất tổng thể hơn.
Để phát triển bền vững phải tính đến sự phát triển đồng bộ của cả thành phố trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương. Địa phương nào có thế mạnh về du lịch như khu vực Cần Giờ thì được ưu tiên phát triển mạnh về du lịch. Khu vực Củ Chi đất tốt, ưu tiên phát triển đô thị… Nếu rải ra cho mỗi quận, huyện một cách phân tán, mỗi nơi thứ gì cũng có (sản xuất, thương mại, du lịch…) thì không phát huy được hết thế mạnh của từng địa phương, cũng khó tạo được sức mạnh chung của cả thành phố
NGUYỄN KHOA