
Điều gì đã làm nền kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái như hiện nay, tại sao nền kinh tế thế giới đang phồn vinh bỗng dưng lâm vào khủng hoảng? Câu hỏi này đã ám ảnh rất nhiều người và cũng đã có rất nhiều lời giải đáp.
Trong số những người giải đáp đó có sự tham gia của chuyên gia kinh tế hàng đầu nước Mỹ William A.Fleckenstein và người bạn của ông Frederick Sheehan, với cuốn sách nhan đề “Những bong bóng tài chính của Greenspan” (Greenspan’s bubbles). Sách vừa được NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản.

Alan Greenspan là Chủ tịch của Hội đồng Thống đốc, nơi điều hành hệ thống Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve) gọi tắt là FED. FED có ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ và từ đó ảnh hưởng đến cả nền kinh tế toàn cầu.
Sự suy thoái kinh tế vừa qua có nguyên nhân được quy kết là do sự suy sụp của FED. Và dĩ nhiên, A.Greenspan - người suốt 19 năm điều hành FED, phải chịu trách nhiệm cao nhất. Dưới một góc độ nào đó, ông cũng là người phải chịu một phần trách nhiệm trực tiếp đến sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Với câu nhận xét được ghi khá mạnh tay tại bìa sách: Một thời kỳ xuẩn ngốc ở Ngân hàng Dự trữ Liên bang, tác giả cuốn sách đã đề cập đến một vấn đề hết sức rõ ràng, đó là sự sai lầm của Greenspan trong thời gian điều hành FED và hệ quả của sự sai lầm đó dẫn đến sự suy thoái của nền kinh tế.
Trước đó, có không ít cuốn sách đề cập đến sai lầm của Greenspan, thế nhưng các cuốn sách này phần lớn mang tính hàn lâm và chuyên môn quá cao nên không phù hợp với bạn đọc phổ thông. William A.Fleckenstein đã viết cuốn sách theo một cách dễ hiểu nhất, để dù không là một chuyên gia kinh tế, bạn đọc cũng có thể hiểu được điều gì khiến nền kinh tế Mỹ và cả thế giới rơi vào cảnh như hiện nay.
Tất cả nằm ở khái niệm bong bóng, sự bùng nổ kinh tế vượt quá giá trị thực của nó giống như một quả bóng bơm hơi, to lớn nhưng trống rỗng và đến một lúc nào đó quả bóng vỡ tan, tất cả sụp đổ chỉ trong nháy mắt. Đó cũng là điều đã xảy ra trong thời kỳ A.Greenspan lãnh đạo FED. Quả bóng đầu tiên diễn ra năm 1995 khi dân Mỹ đổ xô đi mua cổ phiếu các ngành công nghệ cao, có những cổ phiếu tăng giá 600% trong vòng 1 ngày.
Thế nhưng, cú nổ vỡ đó không gây hậu quả nghiêm trọng bằng quả bóng bất động sản năm 2004. Ngân hàng cho vay mua bất động sản bất chấp mọi quy luật kinh tế, thậm chí nảy sinh ra cả một thuật ngữ Liar’s loans: Khoản vay cho thằng nói láo hay còn gọi là cho ninja vay tiền (các hiệp sĩ bịt mặt ở Nhật vốn không biết tung tích nhà cửa thân thế ở đâu).
Thế nhưng Chủ tịch FED vẫn không thấy tai họa, dù là một tiến sĩ kinh tế, A.Greenspan lại bình chân như vại nhìn nền kinh tế Mỹ căng tròn ra như một trái bong bóng. Không những thế, A.Greenspan còn chìm trong những số liệu thống kê ảo, những dữ liệu kinh tế lạc quan thái quá, từ đó đề ra những biện pháp kinh tế sai lầm. Và hệ quả bây giờ đã thấy rõ.
Giải thích tỉ mỉ những điều đã xảy ra ở FED từ những năm 1979 đến tận cuối năm 2007 khi bong bóng bắt đầu vỡ, bằng một cách viết đơn giản nhất, các tác giả đã cho bạn đọc thấy một thực tế là dù với một nền kinh tế lớn mạnh nhất, công khai nhất, thì dưới sự lũng đoạn của các tập đoàn kinh tế, sự tha hóa của một bộ phận quản lý, vẫn có thể gây nên những hậu quả không tưởng tượng nổi.
TƯỜNG VY