Những bông hoa cuộc sống

Những bông hoa cuộc sống

“Dù kém may mắn trong cuộc sống nhưng họ đã và đang nỗ lực hết mình để chiến thắng số phận, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Họ đã làm nên điều kỳ diệu cho cuộc sống và là những tấm gương đáng trân trọng”. Ông Nguyễn Văn Chí, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TPHCM, nhấn mạnh như trên tại buổi giao lưu, tuyên dương “Vượt lên số phận lần 7”, diễn ra hôm qua 3-12, nhân kỷ niệm Ngày quốc tế Người khuyết tật (3-12).

Chị Kim Nga làm việc tại Thư viện sách nói dành cho người mù (quận 1).

Chị Kim Nga làm việc tại Thư viện sách nói dành cho người mù (quận 1).

1- Năm 14 tuổi, đang học bài bỗng dưng hai mắt Tạ Thị Kim Nga (quận 4, TPHCM) cộm đau, sưng tấy, ánh sáng cứ mờ dần rồi vài ngày sau mọi thứ trước mặt em chỉ là bóng đen. Ước mơ cắp sách đến trường cũng chấm dứt với em từ đó. Nga rơi vào mặc cảm nên suốt thời gian dài chỉ quanh quẩn trong nhà.

4 năm sau, cảm thấy mình không thể là gánh nặng cho gia đình mãi, Nga xin vào Hội Người mù quận 4 vừa học nghề, vừa học chữ nổi Braille (chữ dành cho người mù). Nhờ miệt mài, chăm chỉ nên chỉ sau 1 tuần, Nga đã thuộc hết các ký tự của chữ nổi Braille trước sự ngưỡng mộ của nhiều người.

Năm 26 tuổi, trong một lần khám bệnh, bác sĩ cho biết mắt Nga vẫn có cơ hội sáng lại. Thương con, gia đình gom góp tiền đưa Nga đi phẫu thuật mổ mắt. Ca phẫu thuật thành công, Nga tìm lại được ánh sáng, hạnh phúc như vở òa với chị và gia đình. Sáng mắt, Nga vẫn gắn bó với Hội Người mù TPHCM, tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người thiếu may mắn. Tranh thủ thời gian, Nga đăng ký theo học bổ túc văn hóa và ngoại ngữ với tâm niệm: “Có sức khỏe nhưng phải có kiến thức mới giúp đỡ được người khác tốt hơn”.

Như con ong chăm chỉ, một buổi đi học, một buổi đến các trung tâm, nhà mở để giúp đỡ người khuyết tật, tối về lại chong đèn đọc sách, ôn bài đến khuya. Do quá sức, mắt Nga tái phát bệnh cũ, cộm lên, sưng tấy, mờ dần và lại không nhìn thấy gì. Và 6 năm sau lần phẫu thuật mổ mắt thành công, chị lại hy vọng một lần nữa nhưng Kết quả: ca phẫu thuật thất bại. Nga trở về với cuộc sống của người mù và suy sụp tinh thần tưởng như không gượng dậy nổi. Hội Người mù quận 4 lại là nơi Nga tìm đến. “Ở đó, chính những người cùng cảnh ngộ đã đem lại cho tôi niềm yêu đời để tiếp tục sống và sống mạnh mẽ hơn. Hy vọng rồi thất vọng, tìm thấy ánh sáng rồi lại rơi vào bóng tối, tôi xác định đó là số phận”, Nga chia sẻ.

Vẫn miệt mài, chăm chỉ như xưa, mỗi ngày chị đi lại như con thoi: đứng lớp dạy chữ Braille cho hội viên người mù (quận 4), biên tập chữ nổi Braille tại Thư viện sách nói dành cho người mù (quận 1)… Mới đây, Tạ Thị Kim Nga cùng một nhóm bạn thực hiện biên soạn cuốn kinh Phật đầu tiên bằng chữ nổi Braille. Công trình được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao tặng kỷ lục Phật giáo năm 2010.

“Tôi quyết định không lập gia đình để khỏi phải “mang nợ” ai và có điều kiện chăm sóc mẹ già nhiều hơn”, trong căn nhà nhỏ trên đường Khánh Hội, quận 4, chị Nga tâm sự khi được đề cập đến cuộc sống riêng tư.

2- “Mồ côi cha từ lúc 2 tuổi, một năm sau mẹ cũng bỏ em đi biền biệt, em được gia đình cậu mợ đón về nuôi và xem như con ruột”, Nguyễn Thị Từ An (quê Khánh Hòa) nghẹn ngào khi nhắc lại quá khứ của mình. Số phận dường như cứ muốn trêu đùa em…

Lên 4 tuổi, sau một cơn sốt bại liệt, An bị teo cơ chân, sức khỏe yếu dần và trở thành người tàn tật, mất sức lao động 55% từ đó. Được cậu mợ quan tâm, động viên an ủi, gạt bỏ những mặc cảm với bạn bè, suốt 12 năm liền, cô bé Từ An còi cọc nhất lớp luôn đạt học sinh giỏi. Điều kỳ diệu đầu tiên đã đến khi tên Nguyễn Thị Từ An được xứng danh tân thủ khoa Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, chuyên ngành Xã hội học vào năm 2005.

Nguyễn Thị Từ An (thứ hai từ trái sang) tại buổi giao lưu, tuyên dương “Vượt lên số phận lần 7”.

Nguyễn Thị Từ An (thứ hai từ trái sang) tại buổi giao lưu, tuyên dương “Vượt lên số phận lần 7”.

Suốt 4 năm học đại học, cô sinh viên Từ An không chỉ giữ vững thành tích học tập tốt mà còn là thành viên tích cực trong các hoạt động phong trào, chủ nhiệm CLB Sinh viên khuyết tật “Đồng hành” của Trường ĐH KHXH-NV TP. Đề tài luận văn tốt nghiệp: “Những vấn đề giới trong hôn nhân gia đình của người khuyết tật ở TPHCM hiện nay” của An đã hoàn toàn thuyết phục hội đồng khoa học với điểm 10 tròn trịa và thêm một lần nữa Nguyễn Thị Từ An trở thành thủ khoa cử nhân khoa Xã hội học.  

Hiện tại An vừa theo học sau đại học chuyên ngành Xã hội học tại Trường ĐH KHXH-NV TP, vừa làm thêm để tự trang trải học phí. Năm 2009, An vinh dự có tên trong top 10 danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM.

“Tuy mồ côi, khuyết tật nhưng An luôn cảm thấy mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người khác khi được gia đình cậu mợ cưu mang và cho An một gia đình đầm ấm. Đó là động lực để An nhắc mình phải luôn cố gắng, sống tốt, sống có ích. Khi tham gia các hoạt động xã hội, mình muốn truyền đi thông điệp rằng, bọn mình chỉ là người kém may mắn chứ không phải người bất hạnh”, An tâm sự.

3- Lưu Phục Mậu, đứa trẻ bị di chứng bệnh bại não, tay chân yếu ớt, đi đứng khó khăn, giọng nói khó nghe. Trong mắt những người xung quanh, Mậu sẽ là gánh nặng cho một gia đình nghèo, đông con. Và một ngày, anh cầm tấm bằng tốt nghiệp nghề kỹ thuật viên tin học trên tay, cái nhìn về một đứa trẻ tật nguyền đã khác...

Để tìm niềm vui bên những người cùng cảnh ngộ, anh tham gia vào Hội Thanh niên khuyết tật TPHCM. Có năng khiếu, Mậu được đề cử tham dự Đại hội Thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc năm 2003 và xuất sắc mang về huy chương vàng môn ném tạ, huy chương bạc môn chạy 100m. Từ đó Mậu vinh dự được đứng vào hàng ngũ đoàn thể thao Người khuyết tật quốc gia tham dự Paragame năm 2003 và giành huy chương đồng môn chạy 100m.

Đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ, vận dụng kiến thức công nghệ thông tin đã được học, Lưu Phục Mậu đã và đang thực hiện một số dự án hỗ trợ cho người khuyết tật như: Website giới thiệu sản phẩm do người khuyết tật làm ra www.sanphamcuanguoikhuyettat.com, tạo cơ hội cho người khuyết tật kinh doanh trực tiếp sản phẩm của mình; Dự án học bổng cho học sinh sinh viên khuyết tật vượt khó: http://hocbongcuanguoikhuyettat.com (dự án dành được giải thưởng tiềm năng trong một cuộc thi viết dự án do FPT tài trợ). Mậu cũng đang ấp ủ và dự định đầu năm 2011 sẽ đưa vào hoạt động dự án: Người khuyết tật bán hàng online.

“Với phương châm: Hãy làm cùng người khuyết tật, tôi hy vọng cộng đồng xã hội sẽ có nhiều hơn nữa những dự án hỗ trợ người khuyết tật trong cuộc sống. Những gì ta có hôm nay, đó chính là quà tặng của cuộc sống, hãy biết trân trọng”, anh chia sẻ.

Tạ Thị Kim Nga, Nguyễn Thị Từ An, Lưu Phục Mậu chỉ là 3 trong hàng trăm, hàng ngàn người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, bằng ý chí, nghị lực của mình vươn lên chiến đấu với số phận để lao động, cống hiến cho xã hội. “Họ là những bông hoa cuộc sống, là tấm gương đáng quý để mỗi chúng ta nhìn nhận và phấn đấu”, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH TP), khẳng định.

THANH HỢP

Tin cùng chuyên mục