Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu

Những cái tên thương hiệu lạ đời

Những cái tên thương hiệu lạ đời

Khó mà tin rằng những từ ngữ dưới đây là tên thương hiệu của một số cửa hàng ở Hà Nội. Nhưng sự thật là có những biển hiệu kinh doanh dễ gây “sốc” như vậy - và đó cũng là một cách để thu hút “thượng đế”

"Ối Giời Ơi"

Đó là tên một nhà hàng trên phố Trần Huy Liệu (Hà Nội), được thành lập bởi nhiều cổ đông, trong đó chiếm cổ phần lớn nhất là ông Choi, một người Hàn Quốc, từng là Tổng giám đốc Hãng LG tại Việt Nam. Đã hơn 10 năm sinh sống tại Việt Nam nên ông Choi rất sõi tiếng Việt. Ông cho rằng cái tên "Ối Giời Ơi" có đến 80% là nghĩa hay và chỉ 20% là nghĩa xấu. Một nhân viên nhà hàng này lý giải rằng 20% còn lại đó chính là sự không hoàn hảo của một con người. “Đó là một lời nhắc nhở rằng các bạn phải cố gắng lên để biến 20% xấu đó trở nên tốt đẹp hơn. Ngoài ra phần 80% còn lại cũng hàm nghĩa rằng trong kinh doanh mà đạt được ngần ấy chỉ tiêu là một sự thành công” - một nhân viên nhà hàng nói.

Những cái tên thương hiệu lạ đời ảnh 1

Nhà hàng "Ối Giời Ơi" trên phố Trần Huy Liệu - Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Sau hơn 2 tháng hoạt động, “Ối Giời Ơi” khá thành công trong việc thu hút khách hàng. Ngoài khách Việt ra còn có không ít người Hàn Quốc tới đây và thường đưa cả gia đình tới ăn trưa, ăn tối hoặc uống nước trò chuyện.

“Sex Fashion”

Trên đường Yên Phụ (Hà Nội) có một cửa hàng thời trang mini mang cái tên như thế. Những người không biết ngoại ngữ thì cũng chẳng mấy để ý vì cho rằng đó là chữ nước ngoài thường thấy nhan nhản trên đường phố. Còn người nào biết tiếng Anh thì lấy làm lạ trước cái tên thương hiệu dễ gây sốc này, và không khỏi tò mò bước vào xem.

Theo giải thích của một nhân viên bán hàng ở đây thì chữ “sex” không hề mang ý nghĩa bậy bạ: “Mở từ điển Anh - Việt mà tra, chữ “sex” có rất nhiều nghĩa. Ở đây, nó chỉ có nghĩa là “giới tính” vì cửa hàng chuyên kinh doanh thời trang phụ nữ. Do vậy, đừng cứ nghĩ hễ có từ “sex” thì cho là bậy bạ”.

“50% nhé”

Khi quyết định mở một quán nhậu, vợ chồng anh Chiến ở khu tập thể Nghĩa Tân bàn bạc với nhau tới nửa năm mới xong chuyện đặt tên quán. Theo anh Chiến thì cái tên ngoài việc hay, kêu, đặc biệt ấn tượng còn có tác động tới sự thành bại trong kinh doanh. Đi xem bói không xong, tham khảo bạn bè cũng không thấy ổn. Những cái tên được đưa ra để tham khảo như “Quyết Chiến, Quyết Thắng” anh cho rằng nghe như đánh giặc ngoại xâm; “Thành Đạt”, như sinh viên học đại học; “Ăn Đủ”, nghe có vẻ cờ bạc; “Thiên Hoàng”, nghe lai lai Nhật Bản… Và cái tên cuối cùng được chọn để đặt tên quán là “50% nhé”.

Anh Chiến cho rằng cái tên ấy làm cho người ta hiểu ngay đó là quán nhậu. “Với 50%, còn có nghĩa không thể thất bại. Thành công 50% cũng khá tốt. Ngoài ra, tên thương hiệu này cũng nhắc nhở dân nhậu rằng đừng uống quá chén, chỉ với 50% tửu lượng mà thôi sẽ tốt cho sức khoẻ, lợi cho bạn, cho tôi” - anh Chiến tiết lộ ý tưởng.

"Ta - bánh mì”

Để chọn tên thương hiệu hay cho một doanh nghiệp kinh doanh thức ăn nhanh tại TP.HCM, Giám đốc Công ty Khánh Thành Branding Nguyễn Trung Khánh đã phải mất cả tháng trời trăn trở mới "ơ rê ka" ra "Ta - bánh mì". Cái tên nghe giống như một người đang vỗ ngực tự hào về thương hiệu của mình vậy, đó là giải thích của ông chủ cửa hàng “Ta - bánh mì”.

"Tên thương hiệu phải thật ấn tượng, đặc biệt, dễ đọc, dễ nhớ, vui vui và nhiều ý nghĩa sẽ ghi được dấu ấn đối với khách hàng" - ông Khánh nhận xét. Và "Ta - bánh mì" hiện trở thành một nhãn hiệu fastfood quen thuộc với giới văn phòng ở TP.HCM…

Theo các chuyên gia thương hiệu, vấn đề đặt tên cho doanh nghiệp, cửa hàng… là hết sức quan trọng vì nó quyết định 30% thành công trong kinh doanh. Luật sư Nguyễn Ngọc Hưng (Hội Luật sư Hà Nội) cho rằng, đôi khi có các ông chủ mang cảm hứng khởi nghiệp từ ý thích một cái tên hay hay, lạ lạ nào đó. Và khi sắp trở thành ông chủ một công ty hay cửa hàng kinh doanh nhỏ, gần như ai cũng rất chú trọng tới việc đặt tên cho "đứa con" của mình. TS Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM cũng cho rằng nhiều doanh nghiệp thành công một phần là nhờ có tên thương hiệu đơn giản nhưng dễ gần, ví dụ như "Phở 24", “Quán Đo Đo”...

T.H.V. (theo VnExpress.net)

Tin cùng chuyên mục