Chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su tại Tây Nguyên là chủ trương đúng đắn nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Các dự án trồng cao su ở Tây Nguyên được triển khai với kỳ vọng: giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy vậy, thời gian qua, nhiều địa phương đã phát triển ồ ạt diện tích cao su nhưng chưa tính kỹ đến tác động về môi trường và xã hội. Trong khi đó, cho đến nay, chưa có nhiều người dân được cải thiện cuộc sống từ những dự án cao su. Không chỉ thế, người dân gắn kết lâu dài với rừng còn phải chứng kiến cảnh rừng “chảy máu” khi các DN chặt rừng với danh nghĩa chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trồng cao su. Đi trên quốc lộ 28 vào một ngày giữa tháng 8-2013, chúng tôi chứng kiến một khu rừng tại thôn 3 xã Lộc Bảo huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng bị đốn trụi. Khu vực này được xác định là rừng nghèo kiệt và được tỉnh giao cho các DN trên địa bàn khai thác để chuyển đổi trồng cao su. Thế nhưng ghi nhận thực tế cho thấy, những thân cây bị đốn hạ nằm la liệt tại đây có đường kính trung bình khoảng 25 - 60cm, có nhiều cây có đường kính từ 70 - 80cm, thậm chí nhìn những gốc cây được bứng lên vẫn còn nằm la liệt tại đây cho thấy có nhiều cây gỗ có đường kính lên đến cả 100cm.
Nhiều cánh rừng tự nhiên xanh tốt trước đây đã phải nhường chỗ cho những dự án trồng cao su. Phát triển cây cao su mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển của các địa phương và đất nước nhưng không thể vì vậy mà phải đánh đổi để hứng hậu họa về sau. Rừng - lá phổi của đất nước, ngày càng bị thu hẹp kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng như hạn hán, lũ lụt. Vai trò ý nghĩa của rừng còn là giá trị môi trường, giá trị sinh thái chứ không chỉ là giá trị kinh tế thuần túy.
NHUNG NGUYỄN