Một chiến dịch sơ tán đặc biệt vào tháng 4-1975

Những chiếc nôi bay…

Flying Playpens
Những chiếc nôi bay…

Những gì miêu tả trong Flying Playpens - The History of World Airways in Southeast Asia 1956-1975 của tác giả Patricia Johnson Mulder đã giúp chúng ta có thêm vài nét bổ sung cho bối cảnh những ngày cuối cùng trước khi miền Nam được giải phóng. Đó không phải là những chi tiết liên quan tới quân sự mà là một chiến dịch nhân đạo bị Nhà trắng cản trở...

Hành động trước thái độ xuôi tay của Nhà trắng

Những chiếc nôi bay… ảnh 1

Những đứa trẻ World Airways 1975 ngày nào (trái sang: Tiana Mykkeltvedt, Tanya Bakal và Wendy Green) trong chuyến trở về Việt Nam tháng 6-2005

Một ngày chủ nhật năm 1975, cuộc đời Charlotte Behrendt bắt đầu trở thành chuỗi sự kiện dồn dập khó quên từ một cú điện thoại. Charlotte – 28 tuổi, con gái duy nhất của Edward J. Daly (người sáng lập Hãng hàng không World Airways) – được Maria Eitz (viên chức điều hành Cô nhi viện Friends For All Children tại Boulder, bang Colorado) cho biết họ cần giúp những đứa trẻ mồ côi Việt Nam tránh làn đạn chiến tranh. Ngay sau khi nhận điện từ con gái, Daly bắt đầu phác họa kế hoạch.

Trước đó, ngày 27-3-1975, ông đã đánh điện cho Tổng thống Gerald Ford và Ngoại trưởng Henry Kissinger yêu cầu tổ chức sơ tán trẻ mồ côi Sài Gòn. Daly không bao giờ nhận được hồi âm. Nổi nóng trước thái độ Nhà trắng, Daly sốc tay thực hiện sứ mạng riêng. Ông lập phi đội bay khẩn với kinh phí riêng. Để chiến dịch tiến hành càng nhanh càng tốt, Daly rút một máy bay từ chương trình vận chuyển gạo tại Campuchia sang Việt Nam. Thế là sáng 2-4-1975, cơ trưởng Bill Keating đến Phnom Penh, hối hả dỡ 45 tấn gạo xuống rồi lập tức bay đến Sài Gòn vào giữa trưa. Chỉ đến lúc đó Keating và đồng sự Kenneth Healy mới biết họ được giao nhiệm vụ đưa 550 bé mồ côi Việt Nam sang Mỹ. Chuyến bay được hỗ trợ từ nhiều tổ chức từ thiện. Trên máy bay có 4 bác sĩ, 17 y tá thuộc nhiều quốc tịch (Mỹ, Úc)...

Với Daly, ông chẳng lạ gì sứ mạng sơ tán chiến tranh, đặc biệt tại Việt Nam. Từ ngày 24-3 đến 26-3-1975, World Airways, với ba chiếc Boeing 727, đã đưa 1.000 người rời Đà Nẵng vào Sài Gòn và Nha Trang theo hợp đồng với Air Vietnam của chế độ Sài Gòn (không lâu sau thời điểm mà Air Vietnam bắt đầu “bỏ của chạy lấy người” khi Đà Nẵng sắp thất thủ). Ngày 27-3-1975, World Airways thực hiện loạt bay hợp đồng với USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ). Tuy nhiên, ngày 28-3, Mỹ và chính quyền Sài Gòn bắt đầu bỏ rơi Đà Nẵng và bịt tai trước đề nghị thực hiện tiếp chiến dịch sơ tán của Daly.

Lần này, Edward J. Daly cũng tự thực hiện trên tinh thần nhân đạo. Thậm chí khi đưa trẻ mồ côi về đến Sài Gòn, Daly vẫn đối mặt với thái độ phớt lờ của chính quyền Sài Gòn và Mỹ. Được Edward J. Daly cử đi mua thực phẩm cho chuyến bay đầu tiên đưa trẻ mồ côi Việt Nam sang Mỹ, cô tiếp viên Jan Wollett liên tiếp chứng kiến sự từ chối, không chỉ từ tổ chức Hồng thập tự Sài Gòn mà đến cả Tòa đại sứ Mỹ. Tình thế gần như bế tắc trong khi lịch bay dự kiến vào 3g30 chiều 2-4-1975 mỗi lúc gần kề. Cuối cùng, Jan gọi hú họa Công ty sữa Foremost và may mắn sao lần này cô nhận được sự ủng hộ. Phần mình, Keating và Healy bắt đầu cho phủ mền và lưới khắp sàn máy bay, biến khoang máy bay thành chiếc nôi khổng lồ. Do máy bay (vốn là chuyên cơ vận tải hàng hóa) không có mặt nạ oxy nên người ta dùng đến hàng chục bình oxy di động. Bốn nhà vệ sinh dã chiến cũng được dựng trên máy bay – hai ở trước và hai ở sau…

Những tình tiết của một chuyến bay lịch sử

Khoảng 1g trưa 2-4-1975, Edward J. Daly cùng Margaret Moses (phó giám đốc Friends For All Children) đến Tân Sơn Nhất trong đoàn xe được cảnh sát hụ còi hộ tống. Visa xuất cảnh đã được cấp. Tất cả đều ổn cho đến khi Margaret bất ngờ nhận cú điện từ USAID, yêu cầu máy bay không được cất cánh bởi không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt tiêu chuẩn chăm sóc trẻ em. Tất cả phi hành đoàn đều giận dữ. Edward J. Daly gọi cho Mary Fisher (có chồng là mục sư làm việc tại Sài Gòn), rằng mình cần thêm y tá lẫn trẻ mồ côi với hy vọng được tiếng nói ủng hộ từ giáo hội Tin Lành. Đến 8g50 tối, khi mọi việc dường như dàn xếp xong và máy bay chỉ chờ rời đường băng, bất ngờ cảnh sát Sài Gòn yêu cầu tất cả phải rời khỏi phi trường lập tức, phòng bộ đội Bắc Việt trà trộn và đột nhập vào sân bay.

Viên chức Cơ quan di trú Sài Gòn thậm chí lên máy bay với ý định đuổi từng người. Jan Wollett đau xót chứng kiến họ tách rời một bé trai 11 tuổi khỏi đứa em 3 tuổi của nó và thậm chí một người mẹ và đứa con sơ sinh. Nhiều lần, người mẹ bị đẩy khỏi cánh cửa máy bay và cô ấy gào thét khóc ròng khi đưa đứa bé cho phi công Healy… Sau một tiếng căng thẳng, cuối cùng cánh cửa máy bay cũng đóng lại. Chiếc World Airways DC-8 đợi tín hiệu đồng ý từ tháp không lưu. Bất ngờ, đèn đường băng tắt phụp và chiến sự dường như xảy ra ở cuối phi trường. Không cách nào khác, Keating và Healy bắt đầu nổ máy, trước giọng thất thanh của nhân viên không lưu: “Các anh chưa được cất cánh. Dừng lại ngay, dừng ngay!”. Tuy nhiên, World Airways DC-8 đã ngóc lên không trung…

Trong chuyến bay 5 tiếng đến chặng dừng tiếp nhiên liệu tại căn cứ không quân Yokata (Nhật), đích thân chủ tịch World Airways, Edward J. Daly, đã cùng cô tiếp viên Jan Wollet thay tã cho các bé sơ sinh. Với Healy, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là việc bất chấp sự từ chối từ chỉ huy Vụ hàng không quân sự tại Scott Field (Illinois), yêu cầu không được bay thẳng từ Manila đến Los Angeles mà phải tạt qua Honolulu để tiếp nhiên liệu. Nói rằng những em bé sơ sinh không thể nằm lâu hơn nữa trên khoang máy bay, Healy vẫn cho máy bay trực hướng Los Angeles.

Cuối cùng, một lần nữa, phi đoàn World Airways lại chiến thắng. Khi máy bay hạ cánh xuống Los Angeles, nhiều gia đình Mỹ đã chờ nhận xin con nuôi. Tất cả đều an toàn, trừ một bé sơ sinh chết trên chuyến đi... Ngày 13-4-1975, Edward J. Daly vẫn còn muốn đưa thêm trẻ mồ côi rời Sài Gòn nhưng bất thành. Không nản, Daly gặp Cha Robert Crawford, người cai quản một cô nhi viện dành cho trẻ tàn tật tại Sài Gòn; và cuối cùng, ngày 21-4-1975, toàn bộ 305 em cùng người lớn tại cô nhi viện trên đã được sơ tán từ Sài Gòn đến Oregon. Nhóm trẻ cuối cùng mà World Airways di tản khỏi Sài Gòn đã được đưa đến Oakland ngày 25-4-1975. Tổng cộng, World Airways thực hiện bốn chuyến bay với hơn 850 trẻ mồ côi...

Một buổi sáng, khi Kenneth Healy ở văn phòng World Airways tại Oakland, một thanh niên bước vào. Đứng trước bàn giấy Healy, anh thanh niên hỏi: “Ông có nhận ra tôi?”. “Không” – Healy lắc đầu. “Tôi chính là một trong những bé mồ côi trên chuyến bay của ông. Tôi đến đây để cảm ơn”. Healy đứng lên bắt tay cậu thanh niên. Sau cuộc nói chuyện một giờ với cậu thanh niên, Healy ngồi thừ trên ghế, tự hỏi mình có thể thực hiện điều tương tự lần nữa hay không. Chỉ cần một giây, Healy đã có câu trả lời: Được, ông sẽ làm được, nếu người ta cần, và nếu bây giờ ông còn có thể bay… Với Edward J. Daly, lịch sử đã ghi nhận ông như một người hùng thời chiến, dù ông không cầm súng mà chỉ thể hiện tinh thần nhân đạo. Mất năm 1984, ông đã không thể cùng đoàn trẻ mồ côi ngày nào trở lại Việt Nam cùng Bill Keating và Kenneth Healy vào tháng 6-2005…

Rất nhiều tờ báo, kể cả báo nước ngoài, đã nhầm lẫn và sai sót khi dùng từ “babylift” để chỉ chiến dịch sơ tán trẻ mồ côi của World Airways. Babylift là tên gọi chính thức một chương trình của Chính phủ Mỹ, được thực hiện với ngân sách nhà nước (2 triệu USD) sau khi Nội các Gerald Ford chịu nhiều sức ép dư luận, đặc biệt từ giáo hội và Hồng y New York Terrence Cooke, yêu cầu khẩn cấp sơ tán trẻ mồ côi Việt Nam – ở bối cảnh mà một công ty hàng không tư nhân như World Airways đã ra tay trước. Trong khi đó, World Airways thực hiện chiến dịch sơ tán trẻ mồ côi bằng ngân sách riêng và từ đóng góp của các tổ chức từ thiện, không dính dáng gì đến “Chiến dịch Babylift” của Chính phủ Mỹ. Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn thời điểm đó, Graham Martin, thoạt đầu thậm chí còn gây khó dễ cho World Airways. Một ngày sau khi World Airways bắt đầu chiến dịch sơ tán, ngày 3-4-1975, tại Washington DC, Tổng thống Ford mới loan bố kế hoạch mang tên “Babylift Operation”, được quân đội Mỹ trực tiếp thực hiện.

Mạnh Kim

Tin cùng chuyên mục