Những “chiêu” lãng phí độc đáo

Những “chiêu” lãng phí độc đáo

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều người đã ngỡ ngàng khi đại biểu Tào Hữu Phùng - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội - ví dụ về một kiểu đón huân chương “độc đáo” của Công ty Gốm xây dựng Hạ Long gây lãng phí đến 847 triệu đồng ngân sách!

Thế nhưng, trên thực tế, còn có vô vàn kiểu lãng phí độc đáo hơn thế vẫn tiếp tục diễn ra, cho dù ngày 30-12-2004, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 47 CT/TW về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

  • Từ những cuộc họp “vô tiền khoáng hậu”

Nhiều người chưa quên cuộc họp độc nhất vô nhị ở Công ty Hợp tác lao động với nước ngoài phía Nam (Inlaco Sài Gòn) ngày 28-6-2005. Đây là cuộc họp nhằm “xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm” đối với giám đốc Inlaco Sài Gòn, do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines (đơn vị chủ quản) chủ trì, diễn ra tại một khách sạn 5 sao ở TPHCM.

Theo bản dự trù, riêng khoản thuê phòng để tổ chức “hội nghị” nói trên tốn 10,3 triệu đồng; tiền thuê khách sạn, vé máy bay, xe cộ cho 16 đại biểu các chi nhánh Inlaco Sài Gòn ở miền Bắc, miền Trung… vào dự là 40,4 triệu đồng. Rồi tiền bồi dưỡng nhân viên khách sạn và chi phí khác thêm gần 3 triệu đồng nữa, tổng cộng 53 triệu đồng.

Những “chiêu” lãng phí độc đáo ảnh 1

Cuộc họp của Công ty Inlaco Sài Gòn.

Đó là chưa kể chi phí cho 7 vị lãnh đạo của tổng công ty “bay” từ Hà Nội vào, tiền công lao động cho các đại biểu của doanh nghiệp đi dự họp, mà “tính nhẩm”, đội lên cả trăm triệu đồng.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cuộc họp thành công trong việc “xử lý” ông giám đốc cũ theo kết quả bỏ phiếu tín nhiệm tại Đại hội Công nhân viên chức trước đó (có tỉ lệ phiếu tín nhiệm 46%) và tìm ra được một “minh chủ” cho “con tàu” Inlaco Sài Gòn đứng vững trước những cơn bão biển nội bộ hoành hành.

Nhưng đằng này, cuộc họp đã bất ngờ trở thành cuộc khẩu chiến thật sự trong doanh nghiệp cũng như trong tổng công ty. Cuối cùng, “hội nghị” đã không được… “thành công tốt đẹp”. Cả trăm triệu đồng ngân sách trở thành… mây khói mà nội bộ của ngành đường biển Việt Nam càng trở nên xào xáo.

Nhưng chưa hết. Trước đó không lâu, cũng tại Vinalines, một hội nghị khác đã diễn ra “mỹ mãn” không kém. Cụ thể là ngày 23-5-2005, theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên, HĐQT Tổng công ty tổ chức một “Hội nghị giới thiệu cán bộ lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Ban điều hành)” để bỏ phiếu tín nhiệm cho chức danh tổng giám đốc và 2 chức danh phó tổng.

Ai cũng biết Vinalines là một đại doanh nghiệp, có hàng chục chi nhánh, đơn vị thành viên đóng đô khắp trong Nam, ngoài Bắc. Lẽ ra, trong thời buổi nối mạng toàn cầu, với công việc giản đơn là bỏ phiếu tín nhiệm cho 3 chức danh lãnh đạo, Vinalines chỉ cần thông qua Internet (mạng nội bộ) hoặc cùng lắm bằng con đường bưu điện, là xong, tốn kém hết cỡ cũng chỉ năm mười ngàn đồng cho một “phiếu”.

Thế nhưng, từ giữa tháng 5-2005, trên 160 cán bộ lãnh đạo từ cấp trưởng, phó phòng ban trở lên của toàn bộ các đơn vị trực thuộc Vinalines trên cả nước đã nhận được lệnh triệu tập của Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phạm Duy Anh, về trụ sở chính tại Hà Nội để dự hội nghị.

“Các đơn vị ở miền Bắc dù sao cũng đỡ vì gần “mặt trời”, chỉ phải bỏ công việc thường ngày và tốn thêm tiền xăng xe, ăn ở cho thời gian dự họp. “Gay” nhất là các đơn vị ở miền Trung, miền Nam, mất công mất việc đã đành mà ngoài “chi phí đường bộ”, ăn ở, còn thêm cái khoản nặng nhất là vé máy bay, tính qua ít nhất cũng 5-7 triệu đồng một người. Đó là chưa kể chi phí cho khách mời thuộc các cơ quan hữu quan khác”, không ít lãnh đạo được “mời” họp đã phàn nàn như vậy.

Thế nhưng, tốn tiền mà xong việc cũng còn… an ủi. Đằng này, phần lớn những người tham dự cuộc họp mang tính “trọng đại” trên đã đi hết ngỡ ngàng này đến chưng hửng khác.

Hội nghị vừa diễn ra chưa đầy một tiếng, sau khi bỏ phiếu xong chức danh 2 phó tổng giám đốc, đã được tuyên bố… bế mạc với lý do: “Lẽ ra sẽ bỏ phiếu luôn chức danh tổng giám đốc nhưng chúng tôi vừa nhận được thông báo của cấp trên là… hoãn lại!”.

Thế là hội nghị mang tầm “quốc gia” của ngành hàng hải, chi phí tốn kém nhiều trăm triệu đồng nhưng cuối cùng vấn đề quan trọng nhất là bầu ra một vị tổng giám đốc mới lại phải cậy thêm một cuộc họp khác, mà chắc chắn cũng tốn thêm chừng ấy chi phí nữa.

  • Đến những kiểu “đưa, đón”… độc nhất vô nhị

Huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai lâu nay nổi tiếng với “dòng điện Trị An”. Gần đây, lại “trứ danh”, nhưng với những chuyện không mấy sáng sủa...

Kể đầu đuôi thì dài dòng nhưng đại khái có thể vắn tắt thế này: Không biết quá trình “xúc tiến đầu tư” thế nào, nhưng kết quả là cách đây vài tháng, vị lãnh đạo đứng đầu huyện đã được một doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị xây dựng mời đi… tham quan tại Mỹ nửa tháng.

Cũng sẽ chẳng có gì “trứ danh” nếu đầu tháng 5 vừa qua nhiều cán bộ đầu ngành trong cũng như ngoài huyện Vĩnh Cửu không “bất ngờ” nhận được “Giấy mời cơm” do ông Thái Văn Ry - Ủy viên Thường vụ Thường trực Huyện ủy Vĩnh Cửu ký tên, đóng dấu. Ông Ry đã thay mặt Ban Thường vụ “kính mời đồng chí” đến “dự bữa cơm thân mật để tiễn đồng chí Nguyễn Hoàng Huynh, Quyền Bí thư Huyện ủy nhân dịp đồng chí được Công ty Sioux mời đi tham quan ở Hoa Kỳ”!

Vậy là “bữa cơm thân mật” tiễn đồng chí quyền Bí thư đi tham quan nửa tháng tổ chức tại trụ sở Huyện ủy ngày 9-5-2005 đã “thu hút” gần 100 cán bộ, công chức trong lẫn ngoài huyện, và tất nhiên, có cả sự hiện diện của chủ một số doanh nghiệp “gắn bó với địa phương”.

Thế nhưng, khi bữa cơm thân mật kết thúc lúc 14 giờ, một số cán bộ (trong đó có cả Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu) vẫn còn “lưu luyến nhớ thương” bằng cách kéo nhau ra quán… karaoke Bình An tại thị trấn Vĩnh An để “em út lau mặt cho mát mẻ”. Mãi 21 giờ, cuộc tiễn đưa có một không hai này mới kết thúc. Và sau “hai tăng” ấy, quyền Bí thư đã có thêm “động lực đầu tiên” kha khá cho chuyến “xúc tiến đầu tư”…

Nhưng “bữa cơm thân mật” của vị lãnh đạo kể trên, xét toàn diện, cũng chẳng “đẳng cấp” bằng chuyện ở một doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh cố đô. Người dân Thừa Thiên-Huế, thậm chí nhiều địa phương khác, không ai lại không nghe tiếng Công ty Dệt may Huế – một đơn vị thành viên Tổng Công ty Dệt may Việt Nam.

Cách đây không lâu, sự nổi tiếng của Dệt may Huế được dư luận biết đến với tư cách là một doanh nghiệp “ăn nên làm ra, năng động, hiệu quả” vào hạng nhất nhì dải đất khô cằn miền Trung. Tiếng thơm ấy đã giúp Dệt may Huế được trao đến 10 Huân chương Lao động các loại.

Dĩ nhiên, để nhận 10 tấm Huân chương ấy là những lễ đón hoành tráng “ngang tầm danh hiệu”: cờ xí rợp trời; ô tô từ các tỉnh thành lũ lượt kéo về cố đô dự lễ, chúc tụng thành quả của doanh nghiệp. Và mỗi lần như vậy, đều diễn ra tiệc tùng, ăn ở, tham quan, quà cáp, phong bao phong bì cho hàng trăm quan khách đã “có lòng” đến từ mọi miền Tổ quốc!…

Thế nhưng, ngay sau khi Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Tháo về hưu, cách đây ít lâu, cơ quan chức năng và nhân dân cả nước đã phải nghiêng mình… té ngửa trước con số mà lãnh đạo mới của doanh nghiệp này công bố: “Số lỗ lũy kế của công ty từ năm 1997 đến nay là 67 tỷ đồng.

Tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu ở mức cao; toàn bộ hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty hiện nay đều phải dựa vào vốn vay; tổng số dư nợ ngân hàng lớn”. Hóa ra, bấy lâu nay, tiếng tăm của Dệt may Huế chỉ là… bong bóng.

“Thành tích” vĩ đại nhất của doanh nghiệp là đã đánh lừa được cơ quan chức năng để có được cả chục cái huân chương, mà riêng số huân chương được nhận trong thời gian lỗ “chỏng vó” lên đến 6 chiếc! Mới đây, trả lời báo chí, ông Nguyễn Bá Quang, tân Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Huế cũng lắc đầu mà rằng: “Tôi cũng không hiểu vì sao...”.

Trước tình trạng tham nhũng, lãng phí ngày càng tràn lan, cuối năm vừa qua, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 47 CT/TW về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thế nhưng, trên thực tế, những kiểu lãng phí vô tiền khoáng hậu ấy vẫn cứ tiếp tục diễn ra. 

PHẠM TRƯỜNG

“Nghiêm cấm lợi dụng lễ, Tết để tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí, sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc có nguồn thu nhập từ ngân sách, công quỹ, từ các nguồn tài trợ để thưởng, biếu, tặng cho các tổ chức hoặc cá nhân dưới mọi hình thức không đúng chế độ quy định của Nhà nước… “ (trích Chỉ thị số 47 CT/TW ngày 30-12-2004 của Ban Bí thư Trung ương).

Tin cùng chuyên mục