Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10-2019

Hàng loạt quy định trong các lĩnh vực tín dụng, y tế... có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội sẽ có hiệu lực trong tháng 10. 
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10-2019

Các trường hợp tổ chức tín dụng phải chịu kiểm soát đặc biệt

Theo Thông tư 11/2019/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1-10-2019, tổ chức tín dụng (không phải là quỹ tín dụng nhân dân) phải chịu kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau:

- Có nguy cơ mất khả năng chi trả: Thiếu hụt tài sản có tính thanh khoản cao ở mức 20% trở lên dẫn đến không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong 03 tháng liên tục.

- Mất khả năng chi trả: Không có khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ trong 01 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán chưa xử lý được so với tổng nợ và nợ xấu đã bán chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 01 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán.

- Có nguy cơ mất khả năng thanh toán: Tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 thấp hơn 4% trong 06 tháng liên tục và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán chưa xử lý được so với tổng nợ và nợ xấu đã bán chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 06 tháng liên tục mà tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 thấp hơn 4%.

- Mất khả năng thanh toán: Không có khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ trong 03 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán.

- Số lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.

- Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong 06 tháng liên tục.

- Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tiếp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Quy định cụ thể gần 60 phụ gia phẩm màu được dùng trong thực phẩm

Thông tư 24/2019/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 16-10-2019 đã ban hành danh sách các phụ gia phẩm màu cũng như các loại phụ gia khác dùng trong thực phẩm.

Thông tư này cũng nêu rõ các nguyên tắc khi sử dụng các loại phụ gia, đó là:

- Chỉ sử dụng những phụ gia được phép sử dụng và sử dụng đúng đối tượng thực phẩm;

- Phụ gia phải đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, an toàn thực phẩm theo quy định;

- Không vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép;

- Hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia cần thiết để đạt được hiệu quả mong muốn;

- Chỉ sử dụng phụ gia nếu không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, không lừa dối người tiêu dùng…

Lệ phí cấp Căn cước công dân chỉ từ 30.000 đồng/thẻ

Thông tư 59/2019/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân do Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 16-10-2019 đã quy định cụ thể mức lệ phí phải nộp khi cấp, cấp lại, đổi thẻ Căn cước công dân.
Theo đó, chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân: phải nộp lệ phí 30.000 đồng/thẻ; đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ hay khi công dân có yêu cầu 50.000 đồng/thẻ; cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất, được trở lại quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ.

Thông tư cũng quy định một số trường hợp được miễn hay không phải nộp khoản lệ phí này.

Người thuộc huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay 100% vốn

Theo Quyết định 27/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đến năm 2020, người lao động tại các huyện nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được vay tối đa bằng 100% chi phí người lao động phải đóng theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà không cần thực hiện các biện pháp bảo đảm.

Tuy nhiên, để được vay vốn, người lao động phải có hộ khẩu thường trú từ đủ 12 tháng trở lên tại các huyện nghèo và được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc, cũng như đã ký hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định.

Quyết định được áp dụng từ ngày 25-10-2019.

Thí điểm hoạt động y học gia đình

Thông tư 21/2019/TT-BYT hướng dẫn thí điểm hoạt động y học gia đình sẽ có hiệu lực từ ngày 15-10-2019 quy định, điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa, chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và có một trong các điều kiện:

- Có văn bằng bác sĩ nội trú hoặc chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình;

- Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng;

- Có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận, tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 3 tháng.

Tin cùng chuyên mục