Những con đường kể chuyện lòng dân - Bài 3: Hệ thống giao thông đồng bộ đang đến gần

Những nông dân dung dị, mộc mạc đã không tiếc đất đai, tiền của, công sức xây dựng làng quê ngày càng văn minh, hiện đại. Và xa hơn nữa, người dân ĐBSCL mơ về một tương lai gần, kết nối giao thông đồng bộ vào hệ thống đường cao tốc, đường sắt của cả nước.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao

Dẫn đường chúng tôi ra hướng cửa biển Tây Nam, ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), không giấu vẻ tự hào khi giới thiệu rằng ấp này giờ bà con khấm khá, đang triển khai phong trào gắn đèn led chiếu sáng công cộng, vận động bà con làm hàng rào cây xanh, trồng hoa cho đẹp cảnh quan môi trường.

Ông Nguyễn Văn Phi, nông dân nuôi nhuyễn thể ven biển ở An Biên, cho biết thêm, ngày trước vùng này khó khăn, thanh niên lớn lên bỏ học giữa chừng, đi làm thuê tứ xứ. Từ quốc lộ tới biển chừng 10km, mà gần như phải lội bộ hoặc đi bằng vỏ lãi. Dần dần người dân tìm ra phương cách mới để làm kinh tế, có điều kiện hùn nhau làm đường bê tông.

“Đường 2,5m còn hẹp lắm, sắp tới nghe nói Nhà nước đầu tư nâng lên 3,5m theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Gì chứ dòng họ tui ở đây mấy chục hộ sẵn sàng hiến đất mở đường. Vì nói thật ra, đường rộng mình nhờ, chứ ai nhờ”, ông Nguyễn Văn Phi hồ hởi nói.

Khắp ĐBSCL, phong trào xây dựng nông thôn mới đang được đẩy mạnh hơn lúc nào hết. Nơi nào chưa đạt thì cố gắng làm để đạt trong năm nay. Nơi nào đạt rồi thì tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đường hẹp thì mở rộng, cầu sắt thay dần bằng cầu bê tông kiên cố. Trường học tạm bợ thì xây mới, trạm y tế phải có bác sĩ điều trị…

Tại miền đất cuối trời phương Nam, ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2023, xã Tân Duyệt sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện xã đã đạt được 15/19 tiêu chí, còn 4 tiêu chí chưa đạt là quy hoạch giao thông, trường học, môi trường và an toàn thực phẩm.

Người dân đào đất đắp nền đường ở huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau). Ảnh: TẤN THÁI

Người dân đào đất đắp nền đường ở huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau). Ảnh: TẤN THÁI

Theo ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, trong 4 tiêu chí trên thì tiêu chí giao thông là “căng” nhất, nhưng cũng là tiêu chí quan trọng bậc nhất. Vì vậy, cần rất nhiều nguồn lực từ ngân sách, xã hội hóa và vận động trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình vận động “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, không phải ai cũng đồng lòng, có người không đồng ý vì nhiều lý do khác nhau.

“Chính quyền địa phương, đoàn thể phải lắng nghe từng trường hợp cụ thể và có những giải pháp tháo nút thắt. Quan trọng là phải hiểu hộ dân không đồng ý vì lý do gì. Khi nắm được tâm tư nguyện vọng thì chúng tôi giải thích cho họ hiểu. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi luôn công khai, minh bạch. Vì vậy, phong trào Nhà nước và nhân dân cùng nhau làm đường được đông đảo người dân ủng hộ tích cực”, ông Nguyễn Hoàng Nghĩa chia sẻ.

Kết nối cao tốc, đường sắt

Trong 10 nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì giao thông là nhiệm vụ ưu tiên thứ hai, chỉ xếp sau lập quy hoạch vùng.

Xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics là giải pháp đột phá đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững. Từ đó, quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cả đường thủy và đường bộ.

Thời gian qua, các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông đang được đầu tư nhưng còn chậm đưa vào khai thác, làm cho ĐBSCL không có nguồn lực mới để phát triển. Để giải quyết “điểm nghẽn” kết cấu hạ tầng giao thông thành động lực phát triển cho ĐBSCL, Bộ GTVT đã triển khai kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho vùng tăng lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2016-2020.

Riêng số vốn bố trí để đầu tư hệ thống đường cao tốc lên tới 42.647 tỷ đồng, chiếm 20% mức vốn đầu tư cho đường cao tốc của cả nước, gấp 14 lần so với giai đoạn 2016-2020 (3.052 tỷ đồng). ĐBSCL phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường ven biển; phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp.

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải và hệ thống cảng chuyên dùng đường thủy nội địa. Trong đó, tập trung triển khai tuyến đường ven biển trở thành hành lang kinh tế thực thụ để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế vùng, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đồng thời, tuyến đường ven biển cũng sẽ giúp sắp xếp lại dân cư vùng ven biển, mở ra không gian hướng biển, không gian phát triển kinh tế biển.

Gỡ điểm nghẽn logistics cho ĐBSCL

“Các doanh nghiệp xuất khẩu nông - thủy sản của Kiên Giang tính toán, chi phí logistics chiếm từ 15%-18% trên mỗi container hàng hóa. Cho nên, khi các tuyến cao tốc kết nối liên vùng ĐBSCL, kết nối ĐBSCL với vùng Đông Nam bộ hoàn thành (dự kiến từ 2030 trở đi), thì lúc đó tốc độ phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam bộ sẽ rất nhanh. Còn đường sắt là một chuyện khác, vì chi phí đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chưa tính ngay được, nhưng người dân ĐBSCL vẫn có quyền mơ về một tương lai không xa lắm, đường sắt sẽ thông suốt cả nước...”.

Ông TRẦN CÔNG DANH, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang

Ngoài đường bộ, đường thủy, người dân ĐBSCL còn muốn có đường sắt kết nối. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ đã được quy hoạch từ lâu, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn, nhiều nhiệm kỳ vẫn chưa thấy triển khai. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định, xây dựng đường sắt TPHCM - Cần Thơ là dự án trọng điểm quốc gia.

Quyết định 2563/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT cũng đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Vì vậy, khi Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện trong thời gian tới, các địa phương phải đồng hành, nỗ lực hơn để có tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri đơn vị TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải quyết liệt triển khai tuyến đường sắt nối từ TPHCM đến vùng ĐBSCL. Những quyết sách, chỉ đạo này đang khiến người dân ĐBSCL kỳ vọng đường sắt từ TPHCM đi miền Tây sớm trở thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục