Là đô thị lớn nhất nước, TPHCM không tránh khỏi cơn lốc bê tông hóa. Nhà cao tầng liên tiếp mọc lên, vỉa hè được lát gạch con sâu, cán xi măng… Du khách cũng như người dân đều cảm thấy TP quá ngột ngạt, nóng bức vì thiếu mảng xanh. Và một ngày, từ chương trình xanh hóa vỉa hè, phố phường như thay áo mới.
Con đường thân thiện
Cách đây chưa lâu, khi thực hiện chương trình xanh hóa vỉa hè, đã có không ít lời vào ra. Bởi nhiều tuyến đường được lát gạch con sâu, bê tông vẫn còn nguyên đã được cạy lên để thực hiện ý tưởng thay bê tông bằng thảm cỏ, hoa lá. Vỉa hè bê tông được cắt xẻ, thiết kế lại. Phần giữa vỉa hè, các gốc cây được cải tạo để dành cho mảng xanh, còn hai bên làm đường cho khách bộ hành.
Cùng tôi dạo bước trên đường Lê Duẩn, ông Trần Cường, nhà ở phường Bến Nghé, tâm sự: “Ấn tượng của người dân khi đến quận trung tâm không chỉ là những cao ốc, Dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành… mà còn những con đường thân thiện, với những vỉa hè được trải thảm cỏ xanh và hoa lá. Không riêng tôi mà nhiều người lúc đầu cũng nghi ngại, bởi hoa trồng trong công viên còn khó quản lý, đưa ra đường liệu có tồn tại? Nhưng ý tưởng thay vỉa hè bê tông bằng thảm xanh, vườn hoa đã thắng”. Câu chuyện dứt đoạn, có một đôi nam nữ xin chúng tôi nhường chỗ để lấy con đường xanh làm phông chụp hình cho bộ ảnh cưới.
Cuối cùng, hàng loạt con đường ở quận trung tâm như Lê Duẩn, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Pasteur… đã được khoác lên mình tấm áo mới. Vỉa hè thành các vườn hoa dài hàng trăm mét, dọc ngang giữa phố phường. Những con đường xanh nối hệ thống công viên, thảo cầm viên lại với nhau tạo ra một nét riêng, độc đáo, rất lạ khiến nhiều đôi chân đi không mỏi.
Những con đường xanh đáng yêu, ở quận 1, rồi lần lượt ở nhiều quận, nhiều con đường với vỉa hè bê tông được thay bằng thảm cỏ xanh, vườn hoa lá như Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan (quận 3); Hoàng Diệu, Nguyễn Tất Thành (quận 4); đường 3-2 (quận 10)…
Hướng đến đô thị xanh
Những con đường xanh đang tạo ra nét riêng của TP, làm cho bộ mặt đô thị sáng hơn, tươi hơn. Cây xanh, hoa lá không dừng lại ở những con đường mà đã vào đến công sở; không chỉ ở quận trung tâm mà lan tỏa ra cả khu vực xung quanh, hình thành những khu đô thị xanh, điển hình là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7), một đô thị hiện đại với nhiều tòa nhà cao tầng giữa những khu công viên cây xanh. Ngoài phần đất dành cho công viên, cây xanh rộng trên 74ha, ở khu đô thị này, cây xanh trồng kín các tuyến đường trong khu dân cư, trên ban công, nóc nhà cao tầng.
Theo số liệu từ Sở GTVT, thời gian qua, TP đã đầu tư cải tạo 28.000m² vỉa hè bê tông thành vườn hoa, cây cảnh. Ngẫm “chuyện nhỏ” cải tạo, biến vỉa hè bê tông thành thảm xanh, vườn hoa, chúng tôi càng cảm nhận tình yêu dành cho TP mang tên Bác trong lời bày tỏ của Chủ tịch UBND quận 1 Trần Vĩnh Tuyến: “Để có một TPHCM mang bản sắc riêng, ngoài những công trình, địa danh và con người, cũng cần chăm chút những vỉa hè, để những ai một lần đặt chân đến đều có chung cảm nhận là sự thân thiện và được sống trong bầu không khí thanh bình”.
Trong cơn lốc đô thị hóa, diện tích công viên, cây xanh, kênh rạch ao hồ bị thu hẹp dần (diện tích cây xanh từ 1.000ha của năm 1998 đến cuối năm 2010 chỉ còn 535ha. Tỷ lệ cây xanh bình quân trên đầu người mới đạt gần 1m², còn xa với chuẩn tối thiểu 5m²). Thế nên, những con đường xanh thật có ý nghĩa, dẫu vẫn còn ít nhưng đã mở ra một hướng đi mới cho việc xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện và thanh bình, nhất là đối với các quận trung tâm có tỷ lệ, mật độ xây dựng quá cao.
Trần Yên