Theo các chuyên gia, hiện nay cơ cấu nhân lực chuyên môn của ngành tài nguyên và môi trường (TN-MT) nước ta đang có sự mất cân đối. Ví dụ như nhân lực quản lý đất đai chiếm 52,2%; nhân lực địa chất khoáng sản chiếm 1,8%; nhân lực tài nguyên nước và khí tượng, thủy văn chiếm gần 1%; số còn lại 30,8% được đào tạo từ các chuyên ngành khác. Điều này đang làm đau đầu các nhà quản lý, vì thực tế đòi hỏi trong thời gian tới cần lượng lớn nguồn nhân lực ngành TN-MT.
Không phải vô cớ mà nhân lực ngành tài nguyên nước, khí tượng thủy văn chỉ chiếm gần 1%. Khảo sát cho thấy các chuyên ngành này đòi hỏi người học sự kiên trì, chính xác cao. Chẳng hạn, với nghề thủy văn, công việc yêu cầu phải có mặt liên tục 24 giờ mỗi ngày; nghề khí tượng cũng đòi hỏi sự hy sinh không kém: liên tục quan trắc hiện tượng thời tiết vào các giờ thống nhất (trên cả nước và quốc tế: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ) để dự báo chính xác thời tiết từng vùng miền và cả nước.
Phụ nữ gắn bó với nghề khí tượng, thủy văn càng chịu nhiều thiệt thòi. Còn nhớ, cách đây không lâu, trên báo chí viết về sự hy sinh thầm lặng của những cán bộ nữ làm nghề “bắt bệnh ông trời” tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Qua tâm sự, người đọc có thể phần nào thấu hiểu sự vất vả, hiểm nguy bất kể trời nắng, mưa, gió, bão mà các chị theo đuổi… “Cán bộ đo lũ đầu nguồn bị lũ cuốn trôi khi đang làm nhiệm vụ là chuyện thường ngày ở huyện” – một chị làm nghề thủy văn chia sẻ.
Bộ TN-MT dự báo, giai đoạn 2011 - 2015, nhu cầu nhân lực của lĩnh vực quản lý tài nguyên nước cần khoảng 3.000 người; lĩnh vực khí tượng, thủy văn khoảng 1.000 người… Tại cuộc hội thảo “Vì sự phát triển ngành tài nguyên và môi trường các tỉnh phía Nam”, PGS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phân viện Khí tượng Thủy văn - Môi trường phía Nam, cho biết: Hiện nay đội ngũ giảng viên được đào tạo đúng ngành khí tượng, thủy văn (được đào tạo tại Liên Xô và các nước Đông Âu) đều đã nghỉ hưu. Một số giảng viên khác chuyển sang giảng dạy các ngành: cơ lưu chất, thủy lực, thủy văn… Đối với cán bộ có học vị tiến sĩ trở lên giảng dạy ngành khí tượng, thủy văn, hải dương học khu vực phía Nam còn rất thiếu. Thậm chí, Trường Đại học TN-MT phía Nam không có tiến sĩ trong độ tuổi giảng dạy đối với 3 ngành nói trên (khí tượng, thủy văn, hải dương học).
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân gây mất cân đối nguồn nhân lực ngành TN-MT là chính sách đãi ngộ sinh viên sau khi tốt nghiệp còn hạn chế. Hầu hết sinh viên chưa nhận được sự đãi ngộ thỏa đáng: ít kiếm được việc làm, lương thấp…
Có một thực tế kéo dài suốt thời gian qua, đó là khả năng dự báo thời tiết của nước ta nhiều khi không chính xác, thậm chí có lúc dự báo nhầm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này: cán bộ thiếu năng lực, trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế… Như vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy học thì nên chăng các nhà quản lý cũng vạch ra chiến lược “chiêu hiền đãi sĩ” mới mong cải thiện được tình trạng thiếu thầy, thiếu thợ của ngành TN-MT như hiện nay.
THI HỒNG