Những công ty “đầu độc” môi trường

Thời gian qua, người dân một số địa phương vùng Đông Nam bộ phải “sống chung” với tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và nước thải ô nhiễm từ các doanh nghiệp (DN) sản xuất trên địa bàn…
Những công ty “đầu độc” môi trường

Thời gian qua, người dân một số địa phương vùng Đông Nam bộ phải “sống chung” với tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và nước thải ô nhiễm từ các doanh nghiệp (DN) sản xuất trên địa bàn…

Dân bức xúc vì ô nhiễm

Nhà máy chế biến gỗ MDF VRG Dongwha là liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Tập đoàn Dongwha (Hàn Quốc), nằm trong KCN Minh Hưng III, huyện Chơn Thành (Bình Phước). Nhà máy đi vào hoạt động hơn 2 năm nay thì cũng ngần ấy thời gian hàng trăm hộ dân ở ấp 4, xã Minh Hưng (huyện Chơn Thành) phản ứng dữ dội vì nguồn nước từ nhà máy thải ra gây ô nhiễm môi trường.

Ông Tô Duy Sửu, ấp trưởng ấp 4 cho hay, từ khi nhà máy gỗ MDF hoạt động, cứ mỗi lúc trời có mưa, đặc biệt là mưa về đêm thì nhà máy ồ ạt cho xả thải chảy thẳng theo đường cống, chảy ngang qua địa bàn dân cư ấp 4 rồi đổ thẳng xuống đập thủy lợi Bà Và. “Dòng nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối như của gỗ ngâm lâu ngày, vừa có mùi cay nồng, hăng hắc của hóa chất khiến người dân chúng tôi rất khó chịu, thậm chí nhiều đêm không thể ngủ được” - ông Sửu nói.

Nước thải xả từ Công ty Tân Quảng Phát sủi bọt trắng xóa.

Mới đây, có mặt tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận hệ thống cống thoát nước của nhà máy chế biến gỗ MDF chảy thẳng qua địa bàn khu dân cư ấp 4 mà không có nắp đậy. Ông Nguyễn Hữu Văn, người dân địa phương cho hay: “Trước đây, hầu hết chúng tôi đều sử dụng giếng đào nhưng kể từ khi nhà máy xả nước thải ra cống chảy qua địa bàn ấp, thì hàng loạt giếng nước của người dân bỗng có màu đen và mùi hôi, không sử dụng được”. Ông Văn còn chia sẻ: hồ thủy lợi Bà Và ngày trước có rất nhiều tôm, cá nước ngọt sinh sống nhưng từ khi bị nhà máy gỗ MDF xả thải xuống đã diệt hết cá tôm, cả cây cỏ thủy sinh cũng không sống nổi. Giờ trên mặt hồ chỉ toàn rêu đóng thành từng mảng đen ngòm.

Ở địa bàn lân cận huyện Chơn Thành, tình hình cũng không khá gì hơn. Ông Phạm Tấn, một người dân sống gần khu vực nhà máy sản xuất giấy của Công ty Tân Quảng Phát cho biết: “Hàng ngày, người dân nơi đây không những phải chịu đựng tiếng ồn mà còn phải hít thở bầu không khí ngột ngạt, do việc xả thải của nhà máy giấy. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm, người dân gửi đơn khiếu nại, kêu cứu đến nhiều cơ quan nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để”.

Trời mưa, đêm khuya mới xả thải

Về sự việc Công ty Tân Quảng Phát xả thải nước thải gây ô nhiễm môi trường, ông Lê Thanh Len, Phó Chủ tịch UBND xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), thừa nhận: “Nhiều hộ dân đã phản ánh và chúng tôi cũng đã làm văn bản báo cáo lên cấp trên. Tiếp nhận thông tin từ địa phương, đoàn kiểm tra của Phòng TN-MT huyện Bàu Bàng đã về thực địa, tiến hành lấy mẫu nước đi kiểm tra và sau đó công ty này đã bị xử phạt vì vượt quá tiêu chuẩn xả thải cho phép”. Dù DN đã bị xử lý, nhưng theo lời ông Len, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra.

Từ năm 2012 đến nay, tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Bình Phước, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã chất vấn gay gắt với lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Bình Phước. Thế nhưng, những gì mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri trong tỉnh nhận được ý kiến trả lời từ Sở TN-MT hầu hết đều kết luận: người dân đã phản ánh… không đúng.

Về điều này, ông Tô Duy Sửu cùng nhiều người dân ở ấp 4, xã Minh Hưng cho rằng: “Nói người dân phản ánh không đúng là chưa khách quan, vì thực tế mỗi khi có các đoàn kiểm tra đến thì nhà máy không xả các chất thải độc hại ra môi trường. Việc xả thải ở Nhà máy chế biến gỗ MDF VRG Dongwha đã thành qui luật rồi, cứ trời mưa, đêm khuya thì mới xả thải. Khi đoàn kiểm tra đến, nhà máy nói họ không xả chất thải độc hại xuống cống mà chở đi nơi khác xử lý. Chúng tôi sợ các lớp con cháu về sau vì sống trong môi trường độc hại, uống nước nhiễm độc, bị ung thư, bệnh tật sẽ chết dần mòn”.

ĐỨC TRUNG - TẤN NHẤT

Tin cùng chuyên mục