Những cụm công nghiệp “hai không”

Không đầu tư hạ tầng, không đầu tư xử lý chất thải là tình trạng phổ biến đang tồn tại tại các cụm công nghiệp (CCN) trên điạ bàn TPHCM. Điều đáng nói, thực trạng “hai không” đó đã tồn tại từ lâu, gây suy thoái nghiêm trọng chất lượng môi trường khu vực xung quanh nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng này không phải dễ.
Những cụm công nghiệp “hai không”

Không đầu tư hạ tầng, không đầu tư xử lý chất thải là tình trạng phổ biến đang tồn tại tại các cụm công nghiệp (CCN) trên điạ bàn TPHCM. Điều đáng nói, thực trạng “hai không” đó đã tồn tại từ lâu, gây suy thoái nghiêm trọng chất lượng môi trường khu vực xung quanh nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng này không phải dễ.

Thiếu đầu mối quản lý

Có mặt tại CCN Quang Trung (phường Hiệp Thành, quận 12), chúng tôi ghi nhận CCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng. Toàn bộ đường dẫn vào các cơ sở sản xuất ở CCN này vô cùng nhếch nhác, không có tên. Mặt đường toàn ổ voi, ổ gà, đất đá lởm chởm. Chất thải nguy hại, công nghiệp đổ đầy hai bên đường. Các doanh nghiệp (DN) ở đây lại chủ yếu hoạt động trong nhiều lĩnh vực gây ô nhiễm như chế biến thực phẩm, may, cao su… nhưng phần lớn đều không đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Số ít có đầu tư, nhưng theo phản ánh của nhiều người dân sống khu vực xung quanh, họ cũng rất ít vận hành. Mỗi ngày, đều đặn từ khoảng 8 - 9 giờ sáng, những cột khói nghi ngút, đen sì lại bay ngập nhà dân.

Anh Nguyễn Quốc Thái sống gần CCN Quang Trung bức xúc, nhiều năm qua, ngoài việc chịu cảnh khói bụi, người dân ở đây còn bị tra tấn bằng mùi hôi thối từ kênh Trần Quang Cơ hắt lên nồng nặc. Con kênh này ngày càng ô nhiễm là do các DN trong CCN Quang Trung gây ra. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn ngày một gia tăng.

Nước kênh rạch ở gần Cụm công nghiệp Lê Minh Xuân đen và bốc mùi hôi thối

Nước kênh rạch ở gần Cụm công nghiệp Lê Minh Xuân đen và bốc mùi hôi thối

Tương tự, những CCN Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) và Lê Minh Xuân (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) tập trung các DN chuyên chế biến thực phẩm, cơ khí nông nghiệp, chăn nuôi… nhưng đến nay vẫn còn nhiều DN không có hệ thống xử lý nước thải. Họ tìm mọi cơ hội để “xả chui” khí thải, nước thải ra môi trường. Có mặt tại CCN Lê Minh Xuân trong những ngày nắng đổ lửa tuần qua, chúng tôi cũng choáng ngộp vì mùi hôi từ các con rạch nước đen đặc quánh xộc thẳng vào mũi. Đi sâu vào bên trong, khói đen mù mịt tỏa ra từ ngôi nhà lụp xụp của những cơ sở nấu kim loại màu. Kèm theo đó là mùi hôi nồng nặc bốc ra từ những xưởng cán kéo kim loại, sản xuất hương liệu, gia công cơ khí, bao bì…

Bức xúc về tình trạng này, ông Trần Văn Thắng, ngụ xã Lê Minh Xuân, cho biết, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua, bà con khốn khổ vì suốt ngày phải ngửi những mùi hôi kinh khủng. Chuyện cự cãi giữa dân và những cơ sở này xảy ra như cơm bữa nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Thậm chí, nhiều chất thải, sắt thép, xà bần, đồ hư hỏng được các cơ sở đổ bừa bãi hết cả đường đi của người dân.

Chủ đầu tư hạ tầng: Không mặn mà

Lý giải sự tồn tại những CCN ô nhiễm trên, ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở TN-MT, cho rằng, khó khăn hiện nay là không có đầu mối quản lý nên không thể kiểm soát ô nhiễm của các CCN nói chung. Sở Công thương cho biết, tính đến cuối năm 2011 đã kêu gọi 13 đơn vị kinh doanh hạ tầng đầu tư cho 13 CCN với tổng diện tích 1042ha. Trong đó có 2 cụm đã được Thủ tướng chấp thuận chuyển đổi thành KCN là CCN Cơ khí ô tô TPHCM và CCN An Hạ. Số còn lại đang được rà soát để quy hoạch lại. Tuy nhiên, công tác quy hoạch các CCN được thực hiện khá muộn (năm 2007).

Trong khi đó trên địa bàn đã hình thành một số điểm, CCN hiện hữu (10 cụm) nên quy hoạch trên thực tế một phần là để hợp thức hóa sự tồn tại của những CCN đã có DN đang hoạt động và bổ sung một số CCN được quy hoạch mới. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý các CCN. Cụ thể, khó thu hút đơn vị kinh doanh hạ tầng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ và hơn hết là các đơn vị kinh doanh hạ tầng không mấy mặn mà với việc đầu tư vào các CCN. 

Đại diện các đơn vị kinh doanh hạ tầng cho biết, công tác quản lý nhà nước đối với CCN hiện rất phức tạp. Theo quy chế quản lý CCN thì Sở Công thương là đầu mối chính, nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Tùy vào mỗi lĩnh vực như về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường… lại do các các cơ quan chuyên môn trực tiếp quản lý, kiểm tra, gây khó khăn cho các nhà đầu tư.

Trong khi đó, với KCN thì trình tự, thủ tục đầu tư của các DN chỉ phải qua một cơ quan duy nhất là Ban quản lý KCX-KCN. Hơn nữa, thời gian đầu tư vào các CCN cũng tương đối dài và đây chính là nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư không mặn mà với CCN. Với vòng tròn luẩn quẩn như trên, đến bao giờ thực trạng ô nhiễm tại các CCN mới có thể chấm dứt?

MINH XUÂN – MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục