Những đề xuất từ đề án “Xuất bản quốc gia”

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam, vừa gửi đến các cơ quan chức năng đề án “Xuất bản quốc gia”. Theo ông Bình, đề án được thực hiện từ 10 - 20 năm, vừa tranh thủ được mọi nguồn lực, vừa mang tính định hướng và giáo dục, đồng thời tiết giảm được chi phí cho Nhà nước, xã hội.
Những đề xuất từ đề án “Xuất bản quốc gia”

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam, vừa gửi đến các cơ quan chức năng đề án “Xuất bản quốc gia”. Theo ông Bình, đề án được thực hiện từ 10 - 20 năm, vừa tranh thủ được mọi nguồn lực, vừa mang tính định hướng và giáo dục, đồng thời tiết giảm được chi phí cho Nhà nước, xã hội.

Đề án đề xuất Nhà nước nên thành lập một tổ chức tương tự để điều phối và thực hiện tất cả các công việc của đề án.

Theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ước tính việc xây dựng bộ sách giáo khoa (SGK) đạt chuẩn có thể cần tới 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, để có một bộ SGK hiện đại và thử nghiệm, chỉ cần chi phí vài chục tỷ đồng, gồm các khoản: mua bản quyền; dịch/biên soạn từ bộ SGK chuẩn của thế giới (bộ IB); còn chi phí vận hành, in ấn và phát hành thì để đơn vị tư nhân thực hiện, nhà nước chỉ nên hỗ trợ nội dung. Thời gian thực hiện tiểu dự án này khoảng 2-3 năm, đến 2017-2018 sẽ có bộ SGK thí điểm, được sử dụng tại các trường tư (thực tế hiện nay, nhiều trường tư đã sử dụng một số hình thức SGK hiện đại của nước ngoài).

Với sách giáo trình đại học hiện đại, đấu thầu thực hiện công đoạn mua bản quyền và dịch. Ước tính chi phí cho 1 cuốn sách là 20.000USD (hơn 445 triệu đồng). Nếu triển khai mua bản quyền và dịch 400 - 500 cuốn thì tổng chi phí chừng 10 triệu USD (khoảng 220 tỷ đồng). Đấu thầu thực hiện có thể chỉ ở quanh con số này. Như vậy, tổng số tiền Nhà nước bỏ ra chỉ ở mức 150 tỷ đồng, so sánh nếu giao thực hiện theo kiểu cũ có thể lên tới con số 500 tỷ đồng mà chất lượng không cao và thời gian kéo dài, lãng phí nguồn lực, tiền bạc và chi phí cơ hội. Số tiền để in ấn và phát hành, theo cơ chế cũ rất lớn, sẽ được dịch chuyển sang phía trách nhiệm của sinh viên, cá nhân, gia đình và xã hội hóa. Và họ sẽ có trách nhiệm hơn, chọn lựa sách tốt hơn và sử dụng hiệu quả hơn. Dự án này có thể hoàn thành khoảng 3 năm.

Bạn đọc chọn mua sách tại Hội Sách TPHCM năm 2016. Ảnh: TƯỜNG VY

Với sách phổ biến khoa học, kiến thức thường thức và kỹ năng sống… cho học sinh phổ thông, cần quỹ hỗ trợ dưới dạng mua sản phẩm và phân phối cho các trường phổ thông. Tại Việt Nam có khoảng 15.000 trường phổ thông nên hình thức sử dụng của quỹ là chọn lọc và mua các sách hữu ích và tặng cho thư viện các trường này. Theo ước tính, số tiền mua sách khoa học hữu ích cho các trường phổ thông vào khoảng 5-10 triệu đồng, tổng cộng 15.000 trường là khoảng 200 tỷ đồng.

Hình thức tài trợ, theo ông Bình, sẽ là cho các NXB cả nhà nước và tư nhân đăng ký, đề xuất xin hỗ trợ từ phía Quỹ xuất bản. Quỹ hỗ trợ bằng việc mua sản phẩm (từ 500 - 2.000 cuốn phân phát cho các thư viện, không chi tiền trước cho các NXB); hỗ trợ/tài trợ tiền bản quyền (từ 50%-100%); các cá nhân/học giả có quyền tự đăng ký xin tài trợ mà không cần có sự bảo đảm của NXB, điều này giúp chi phí giảm 20% và thời gian triển khai nhanh hơn. Số tiền trung bình tài trợ cho 1 cuốn có thể ở mức 50 triệu đồng (tương đương với 1.000 cuốn sách), tổng cộng 1.000 cuốn ước tính khoảng 50 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành trong 10 năm.

Hiện nay, cơ chế đang được áp dụng trong ngành xuất bản là chỉ định một NXB nào đó của Nhà nước thực hiện trọn gói gồm dịch/viết/biên soạn và in ấn/phát hành. Nhược điểm của cơ chế này là hiệu quả thấp, chất lượng ấn phẩm không cao, lãng phí tiền và nguồn lực, chọn không đúng đơn vị có khả năng thực hiện. Kết quả là sách in ra không không được phổ biến và sử dụng hiệu quả, nhiều ấn phẩm để trong kho, biếu tặng hoặc bán giấy vụn. Vì thế, đề án đề xuất áp dụng các cơ chế vốn đang được thực thi ở các lĩnh vực khác như giao thông, xây dựng…

Tổng chi phí của đề án “Xuất bản quốc gia” trong 5 năm. Trong đó, sách giáo khoa 100-200 tỷ đồng (chỉ tính bộ SGK thử nghiệm, thậm chí có thể không cần hỗ trợ/đầu tư); sách giáo trình đại học 200-500 tỷ đồng; sách phổ biến khoa học thường thức 100-500 tỷ đồng; sách Hán Nôm và lịch sử Việt Nam 100-200 tỷ đồng; sách tri thức cao cấp/hiện đại 100-200 tỷ đồng. Tổng ngân sách vận hành khoảng 1.000-2.000 tỷ đồng.

TUẤN HOÀNG

Thông tin liên quan:

>> Khởi xướng đề án xuất bản quốc gia

Tin cùng chuyên mục