Những “điểm đen” trên quốc lộ 20

Những “điểm đen” trên quốc lộ 20

Quốc lộ 20 dài 230 km từ ngã 3 Dầu Giây (Đồng Nai) đến Đà Lạt (Lâm Đồng). Đây là tuyến đường nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với thành phố nghỉ dưỡng Đà Lạt nhưng luôn gây lo ngại cho người dân địa phương lẫn du khách chỉ vì sự xuất hiện của nhiều điểm đen - tai nạn giao thông (TNGT).

  • Nhức nhối những con số

Một vụ TNGT ở huyện Di Linh (Lâm Đồng). Ảnh: BÙI TRƯỞNG

Một vụ TNGT ở huyện Di Linh (Lâm Đồng). Ảnh: BÙI TRƯỞNG

Trong 3 năm qua, đoạn QL20 qua huyện Di Linh (Lâm Đồng) là đoạn đường mất an toàn giao thông (ATGT) nhất trên toàn tuyến. Năm 2005 xảy ra 31 vụ TNGT làm 32 người chết, năm 2006 số vụ tăng lên 51, số người chết là 49; trong đó 60% số vụ xảy ra trên QL20, năm 2006, mặc dù lực lượng CSGT đã tổ chức hơn 1.000 ca tuần tra, xử lý 5.500 vụ vi phạm, xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng… nhưng số vụ TNGT ở đây vẫn không hề giảm. Sang 3 tháng đầu năm 2007, TNGT nghiêm trọng ở Di Linh tăng vọt với 18 vụ, làm chết 22 người.

Trước đó, các ngành chức năng đã đưa ra cảnh báo khi cà phê trúng mùa được giá và người dân đổ xô mua sắm xe máy mới và xe công nông. Hiện toàn huyện có gần 40 ngàn xe máy, ô tô, xe tải, công nông và xe cải tiến tự lắp ráp. Cạnh đó, Đức Trọng cũng là địa bàn nhức nhối về TNGT: Năm 2006 toàn huyện xảy ra 32 vụ làm 33 người chết, trong đó 75% số vụ xảy ra trên QL20.

Còn tại Đồng Nai, TNGT vẫn thường xuyên rình rập trên QL20 dài 75km đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú. Trong năm 2006 chỉ riêng đoạn này đã xảy ra 86 vụ TNGT làm 87 người chết; đáng kể nhất là vụ 2 xe khách đụng nhau bốc cháy ngày 5-4 tại Km 25+35 thuộc xã Túc Trưng (Định Quán) làm 10 người chết và 20 người bị thương.

  • Nhận diện những điểm đen

Những năm trước đây, 2 điểm nóng nhất về TNGT là dốc cầu Phú An, xã Hiệp Thạnh và thôn R’Chay 1 (Đức Trọng, Lâm Đồng). Từ năm 2005, ngành chức năng làm quyết liệt, kết hợp tuần tra xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền cho dân đồng thời đề nghị đơn vị quản lý đường làm lại cọc tiêu, láng lại đường và làm gờ giảm tốc độ nên đến nay các điểm đen này cơ bản đã được xóa.

Nhưng cùng lúc lại lại xuất hiện một điểm đen mới về TNGT, đó là đoạn đi qua thôn Trung Hiệp (xã Hiệp An). 3 tháng đầu năm nay, toàn tuyến QL20 đi qua Đức Trọng xảy ra 5 vụ TNGT gây chết người thì 4 vụ xảy ra ở đoạn này, làm 5 người chết.

Trong khi đó, ở Di Linh nhiều điểm đen đã xuất hiện từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết. Nhức nhối nhất vẫn là đoạn qua thị trấn Di Linh, xã Liên Đầm và mỏ đá cầu Đạ Le dài gần 20km. Đây là những đoạn đường xấu, nhiều chỗ cua và đồi dốc, những ngày mưa thì đường rất trơn, đường đi qua thị trấn thì sửa chữa, đào bới nham nhở trong nhiều năm nay.

Một điểm đen TNGT mới nữa là khúc cua Bà Liên ở đèo Chuối, thuộc Đạ Huoai (Lâm Đồng). Đoạn đường này khá bằng phẳng nhưng lại cua liên tiếp và tầm nhìn bị che khuất nên người điều khiển phương tiện thường không kịp xử lý khi chạy quá tốc độ. Chỉ tính từ đầu năm 2007 đến nay, tại đây đã xảy ra 11 vụ TNGT làm 12 người chết.

Tại Đồng Nai, có ít nhất 3 điểm đen ở Km64, Km67 (huyện Tân Phú) và Km7+700 (huyện Thống Nhất) đã được nhận diện.

  • Trách nhiệm thuộc về ai?

Giải thích về sự xuất hiện những điểm đen TNGT trên địa bàn, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng (Đội trưởng Đội CSGT Công an Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết: “Ngoài những nguyên nhân khách quan như: đường thẳng, ôm cua gấp ở đoạn lên xuống dốc thì nguyên nhân chính vẫn là do ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao. 75% số vụ TNGT chết người ở điểm đen này đều do lỗi của người điều khiển xe gắn máy; trong đó các lỗi chính là: chủ quan, phóng nhanh vượt ẩu, uống rượu bia…”. Ngành chức năng huyện Di Linh cũng khẳng định nguyên nhân chính của tình trạng gia tăng TNGT là do lỗi của người tham gia giao thông…

Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người dân. Sự xuất hiện các điểm đen nói trên trước hết là do hệ thống đường sá chưa tốt. Những đoạn đường này thường có nhiều chỗ cua nguy hiểm, mặt đường trơn, vạch phân cách bị mờ và thường thiếu biển báo.

Một chuyên gia về khoa học hình sự cho chúng tôi biết: “Ngoài lỗi của người điều khiển phương tiện thì lỗi chính là do những cái bẫy vô tình nhan nhản trên mặt đường, điển hình nhất là đoạn qua huyện Di Linh với mặt đường thi công nham nhở trong một thời gian dài, chỗ phẳng chỗ lồi lại thiếu các bảng chỉ dẫn giao thông. Các kết quả khám nghiệm hiện trường các vụ TNGT chết người đã nói lên điều này”. Riêng đoạn đi huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) thì đường hẹp, lề đường không có, hai bên mép đường lại thụt xuống tạo thành gờ khoảng 10 - 20 cm rất nguy hiểm khi xe gắn máy tránh ô tô.

Ông Nguyễn Bôn, (Thường trực Ban ATGT tỉnh Đồng Nai) thừa nhận: “Các vụ TNGT xảy ra trên QL20 địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng chủ yếu do lỗi đường sá chưa đảm bảo, những điểm đen thường xảy ra TNGT là do đường cong, hẹp, dốc và cua gấp; riêng tại Km7+700 hệ thống chiếu sáng còn hạn chế”.

Ngoài ra, cũng cần mổ xẻ trách nhiệm của lực lượng CSGT chưa thực hiện tốt công tác tuần tra, xử lý vi phạm mà thời gian qua quá chú trọng tới việc lập chốt bắn tốc độ để xử phạt mà ít chú trọng công tác tuần tra, nhắc nhở. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu lực lượng CSGT tăng cường tuần tra lưu động trên QL20 thì tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu chắc chắn sẽ giảm và người chết cũng giảm theo. 

PHONG – VIÊN – TRƯỞNG 

Tin cùng chuyên mục