Vỉa hè ở TPHCM

Những điều khó hiểu

Những điều khó hiểu

Vỉa hè ở TPHCM có nơi được thay mới liên tục, có nơi đã xuống cấp, mục nát thậm chí chẳng có vỉa hè mà không hề được xây dựng mới.

Dẫn đầu trong số các địa phương có vỉa hè được xây dựng mới thường xuyên có lẽ là Q.1 và Q.5. Tại Q.1 từ 2003 đến nay đã có khoảng 20 con đường có vỉa hè được thay “áo mới” như Thi Sách, Nguyễn Du, Đông Du, Hàm Nghi… Ở Q.5 cũng đã có hàng loạt con đường nhận được may mắn này như Hồng Bàng, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Trần Phú, Ngô Quyền…

Những điều khó hiểu ảnh 1

Vỉa hè đường LêLợi (Q.1) thoáng đãng và sạch sẽ

Tất nhiên điều này là tốt, nhất là trong thời điểm mà thành phố đang khuyến khích người dân đi bộ để từ đó đi xe buýt. Thế nhưng cái không hay ở đây là nhiều vỉa hè ở các con đường này còn khá tốt, thậm chí nhiều vỉa hè còn được lát bằng đá xanh có từ thời Pháp vừa còn giá trị sử dụng vừa có giá trị lịch sử nhưng vẫn bị bóc lên thay bằng gạch “con sâu” - vốn đã có tai tiếng là chất lượng không ổn định.

Và hiện vỉa hè gạch “con sâu” đang lấn dần những vỉa hè đá xanh mặc cho một lãnh đạo Sở Giao thông Công chính TPHCM đã từng nhận định: không vật liệu nào thích hợp để lát vỉa hè hơn đá xanh. Chưa hết, việc “mới hóa” vỉa hè ở nhiều nơi còn để lại những điều tiếng không hay.

Vừa qua, một số người dân ở đường Cống Quỳnh (Q.1) đã than vãn rằng được thông báo chi phí xây dựng vỉa hè ở đây là khoảng 272.000 đồng/m2 với tỷ lệ đóng góp 7:3 (nhà nước 7, nhân dân 3) nhưng sau đó thực góp là 5:5 hoặc 6:4. Một số người dân ở đường Trần Phú (quận 5) cũng băn khoăn về chi phí xây dựng vỉa hè quá cao, tới 210.000 đồng/m2.

Các quận ven như Bình Tân, Gò Vấp... là những nơi có vỉa hè ít được đầu tư xây dựng mới. Dạo quanh Bình Tân chúng tôi thấy dường như chỉ có vài con đường trong đó đặc biệt các đường bao quanh trụ sở UBND quận là vỉa hè được xây dựng đàng hoàng. Hầu hết các vỉa hè còn lại đều nham nhở, chỗ lát bằng gạch, chỗ tráng xi măng… thậm chí có nơi chỉ là một triền đất nhỏ, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì trơn trượt…

Những điều khó hiểu ảnh 2

Vỉa hè đường Thoại Ngọc Hầu rất nhếch nhác (Q. Tân Phú)

Nhiều vỉa hè ở Q.Gò Vấp cũng ở trong tình trạng tương tự. Anh Nguyễn Thành Phương công tác tại Phòng Quản lý đô thị quận phân trần: Dân kêu rất nhiều về hiện trạng này nhưng không có tiền nên chúng tôi không thể làm gì được. Anh cho biết thêm, mỗi năm ngân sách thành phố cấp cho quận khoảng 800 triệu đồng để duy tu, sửa chữa, nạo vét cống, làm vỉa hè…

Số tiền này quá ít ỏi so với yêu cầu chỉnh trang đường sá, cống thoát nước của quận nên không thể làm vỉa hè mới. Từ khi vỉa hè được giao cho quận quản lý, chỉ có 2 đường được làm vỉa hè mới là Nguyễn Văn Lượng và Quang Trung, song không phải từ số vốn trên mà nhờ “ăn vào” dự án mở rộng 2 con đường này.

Ở một số quận nội thành như Q.3 hoặc gần trung tâm như Q.Bình Thạnh, vỉa hè cũng chưa được đầu tư đúng mức. Theo anh Phan Thế Huy, Phó Phòng Quản lý đô thị Q.3, quận được giao quản lý vỉa hè của 26 tuyến đường nhưng đến nay chỉ có vỉa hè trên đường Cao Thắng được xây dựng mới theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Số còn lại chỉ có thể dặm vá, sửa chữa tạm.

Ở Q.Bình Thạnh, cũng chỉ có vài đoạn vỉa hè trên đường Lê Quang Định, Nơ Trang Long… được làm mới. Theo anh Võ Nhật Quang, Trưởng Phòng quản lý đô thị quận, việc xây dựng vỉa hè có thể vận động nhân dân cùng đóng góp song chỉ có thể ngỏ lời với dân khi nhà nước cấp trước một phần vốn.

Vỉa hè chỉ là một hạng mục nhỏ trong việc đầu tư xây dựng đường. Tuy nhiên nếu thiếu vỉa hè hoặc vỉa hè không được đầu tư đúng mức thì người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường - mà như vậy sẽ không an toàn. Hơn nữa, người đi bộ đi xuống lòng đường thì đường bị thu hẹp lại, dễ gây ùn tắc giao thông… Chính vì vậy, có lẽ đã đến lúc thành phố cần quan tâm đúng mức đến vỉa hè.

Hoàng Liêm

Tin cùng chuyên mục