Những gì quanh ta?

Thật ngạc nhiên, tưởng chừng như đó là câu hỏi thường trực của thị dân thì giờ đây nó đã hầu như không còn tồn tại nữa. Người ở phố bây giờ cửa đóng then cài. Hạn chế mọi tiếp xúc cả với con người và môi trường đang sống.
Minh họa: K.T
Minh họa: K.T
Hơn nửa thế kỷ trước, người dân sống ở Hà Nội có thể xem như đã làm chủ được không gian sống quanh mình. Bởi cảnh vật, con người và những sinh hoạt quanh ta không có nhiều thay đổi trong suốt hai ba chục năm liền chiến tranh, bao cấp. Một ngôi nhà mặt phố có thể nhìn qua bên kia đường thân thương đến từng gương mặt, từng mớ dây điện, từng ô cửa sổ. Lũ trẻ chỉ cần ngó qua cửa sổ là có thể biết đứa bạn trên tầng 3 nhà đối diện có nhà hay không và đang làm gì. Đứa bên kia ngó xuống, chỉ cần lấy ngón tay ra hiệu trỏ xuống đường là có thể hiểu rằng nó đang muốn rủ mình đi chơi.
Những sinh hoạt đúng giờ đến mức gần như chẳng cần đến chiếc đồng hồ nào cả. Khi bà bán xôi lễ mễ bưng thúng xôi trên xích lô đặt xuống vỉa hè thì hẳn lúc ấy phải là 6 giờ sáng. Bà hàng nước chè vừa vặn nhóm xong chiếc bếp củi mùn cưa váng vất khói chỉ sau đó nửa giờ. Người ngồi ăn xôi xong là có ngay nước chè tráng miệng. Lúc ấy không nhiều nhà mặt phố mở cửa hàng làm ăn buôn bán, kể cả những con phố cổ. Họ thức dậy mở cửa vào những giờ giấc khác nhau tùy theo công việc. Có thể thuộc lòng thời khắc mở cửa của từng gia đình trên một đoạn phố dài. Những cánh cửa ấy chỉ thực sự đóng lại khi nhà không có người, hoặc buổi tối khi đến giờ đi ngủ. Người ta tôn trọng thời gian của nhau. Dù không có điện thoại hẹn hò, nhưng muốn đến chơi nhà ai cũng thường báo trước.
Thành phố sau tiếp quản năm 1954 vẫn giữ nếp sinh hoạt từ xa xưa với những hàng bán rong có tiếng rao riêng biệt. Và cũng rất đúng giờ. 9 giờ sáng là bắt đầu tiếng rao đồng nát “Ai lông gà lông vịt giày dép xoong nồi giấy báo cũ bán đê…ê…ê…!”. Tiếng rao lan tỏa vào tất cả ngõ ngách phố phường. Dân phố thuộc lòng từng tiếng rao đồng nát vào đúng giờ cố định. Có thể nghe giọng rao mà mang đồ đồng nát của mình ra bán cho đúng người mình thích.
Buổi trưa là những hàng quà vặt, bánh chưng, bánh dầy, bánh cuốn phục vụ bữa trưa và bữa lỡ sang chiều. Buổi chiều là những hàng nước mắm ì ạch đôi thùng gỗ. Tháng ba là hàng bánh trôi, bánh chay có lời rao ỏn thót nhẹ tênh “Ai bánh trôi, bánh chay!”. Hàng tào phớ luôn là giọng rao dài dằng dặc, trầm đục khê nồng của ông chủ gánh “Tào phớ…ớ…ớ…!”. 
Buổi tối là tiếng rao lạc rang, ngô rang, cà phê, phở và bánh khúc, xôi lạc kéo dài đến tầm 10 giờ. Hết rao những món ăn đêm lại chuyển sang cho cánh thợ tẩm quất. Những người khiếm thị làm nghề tẩm quất chẳng hiểu sao kiệm lời, chỉ rao ngắn gọn “Quất ơ…”. Nhưng tiếng rao của họ rền vang suốt con phố vắng. Muộn hơn, cánh tẩm quất mang tiếng rao của mình ra ga Hàng Cỏ, bến xe Kim Liên hành nghề cho đến sáng. Nhiều người vạ vật, lỡ tàu xe là khách của họ. Vài hành khách đi tàu từ tỉnh xa về cũng tranh thủ làm một giờ đấm bóp. 
Thành phố chuyển mình từ khi xóa bỏ bao cấp. Nhà mặt phố biến thành những cửa hàng buôn bán sầm uất. Những luật lệ bất thành văn ra đời kể cả thời điểm mở cửa. Không ai bảo ai, tất cả đều mở cửa hàng vào lúc 8 giờ sáng, dù rằng đã ngủ dậy trước đó vài giờ đồng hồ. Cũng không ai bảo ai, tất cả đều giăng mắc kín mít hàng hóa trong cửa hàng nhà mình. Đôi khi treo mắc cả ra vỉa hè. Những ô cửa sổ hầu như bị bịt kín tầm nhìn ra phố. Mở tất cả cửa nhưng thực ra dân phố hiếm khi thấy mặt nhau. Trẻ con cũng không còn chỗ để chạy nhảy. Tình bạn cùng phố có lẽ hư hao nhiều nhất vào thời gian này. Những đứa trẻ thường chơi với bạn học ở trường mà không còn bạn cùng phố nữa.
Cùng với việc phát triển xây dựng và nhân khẩu, người ở phố ngày càng mất đi khả năng kiểm soát không gian sống của mình. Bước chân ra khỏi cửa là hầu như không thể biết được những người ngoài ấy sẽ cư xử như thế nào. Và những tiếng rao giờ đã được máy phóng thanh ầm ĩ phát lên, bất kể người nghe có nhu cầu hay không. Những gì quanh ta vĩnh viễn chỉ còn là một con số thống kê luôn luôn lạc hậu.

Tin cùng chuyên mục