Những giấc mơ con

Những giấc mơ con

Cái tin Đà Nẵng thất trận trước Gamba Osaka tới những 0-15 khiến tôi bần thần suốt cả buổi sáng. Buồn ơi là buồn. Không những buồn mà còn tủi hổ, đau đớn. Bóng đá nhiều khi không là gì so với các lãnh vực khác trong cuộc sống - nhưng đôi khi nó lại khiến con người ta buồn ghê gớm. Thua đậm đến mức đó - còn hơn tỉ số của một ván tennis, nó ngang với tỉ số của một sec chung kết trong bóng chuyền. Lại là một sec thua trắng. Thua muối mặt. Thua đến mức không thể hiểu nổi.

Những giấc mơ con ảnh 1

Còn đâu hào khí sông Hàn?

Người hâm mộ Việt Nam y như bị đá rớt trúng đầu. Ngất ngư. Choáng váng. Mà không hiểu tảng đá trời ơi đó rơi xuống từ đâu. Đội Bình Định năm ngoái cũng liệng một tảng đá to đùng như vậy lên đầu người hâm mộ khi  chấp nhận để đội Busan của Hàn Quốc hạ nhục đến 8-0.

Tôi không tin những cái thua tan nát như vậy xuất phát từ chuyên môn mặc dù không thể phủ nhận sự chêch lệch giữa bóng đá Việt Nam với bóng đá Nhật, Hàn. Cũng không thể đổ lỗi cho thời tiết. Rõ ràng đây là cái thua về tâm lý. Tâm lý nhược tiểu. Tâm lý tự ti. Nghĩa là chưa đá đã thua, chưa ra trận đã tự trói tay quy hàng.

Xưa nay, các đội đại diện cho Việt Nam thi đấu ở các giải châu lục đã nhiều lần than thở về gánh nặng của sân chơi được cho là quá tầm này. Họ luôn ta thán về cái gọi là “thiệt đơn thiệt kép”: Càng vô sâu càng tốn tiền, càng vô sâu càng không thể để dành sức tranh chấp ở giải V-League. Thế là buông xuôi. Thế là phó mặc - điều mà người tự trọng không bao giờ làm.

Ở chỗ này, các câu lạc bộ rất giống với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Đó là một liên đoàn cho đến lúc này vẫn cho chưa thấy họ có tham vọng gì lớn lao. Trong bản quy hoạch phát triển bóng đá nước nhà cho đến tận năm 2020, VFF cũng chỉ dám mơ đến chỉ tiêu đứng thứ 12 châu Á - một giấc mơ thiệt là bé mọn. Khôi hài hơn nữa, theo bản quy hoạch đồ sộ đó, một trong những chỉ tiêu phấn đấu của VFF là “đứng vững trong top 3 Đông Nam Á”.

Mười năm qua, đội tuyển Việt Nam đã năm lần đứng nhì Đông Nam Á qua các giải SEA Games và Tiger Cup, bây giờ phải mất tới 15 năm nữa để phấn đấu “đứng vững trong top 3 Đông Nam Á”, thú thiệt là người viết bài này không hiểu VFF định phấn đấu làm sao và phấn đấu vì cái gì. “Đứng vững trong top 3” có nghĩa là đứng nhất, đứng nhì hay đứng ba gì cũng được, miễn là đừng đứng thứ tư - đó là cách hiểu duy nhất về “giấc mơ nhái bén” này.

Có nghĩa là chúng ta đã đứng nhì Đông Nam Á từ năm 1995 ở SEA Games 18 dưới thời HLV Weigang (đó là người viết bài này cố tình không tính đến lần đứng thứ nhất ở SEA Games 1959) và sau cái mốc đó 25 năm, nếu chúng ta “phấn đấu” tụt xuống hạng 3 thì VFF đã rất hài lòng vì đã hoàn thành chỉ tiêu lọt vào “top 3 Đông Nam Á”. Và sau đó, nếu chúng ta cứ tiếp tục đứng thứ ba hoài hoài, không ngoi lên nổi hạng nhất hay hạng nhì thì VFF cũng xoa tay thỏa mãn vì chúng ta đã “đứng rất vững” trong cái “top 3” đó?

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lúc nào cũng luôn miệng nói đến chuyện phấn đấu nâng trình độ bóng đá Việt Nam lên ngang tầm và vượt Thái Lan nhưng  qua cách hành xử của họ, tôi ngờ rằng VFF không hề có tham vọng đó. Nếu trong thâm tâm VFF muốn bóng đá Việt Nam vượt Thái Lan, bản quy hoạch phát triển đã không thể hiện ngược lại như vậy. Và một khi không có tham vọng, thì họ không sẵn sàng và tích cực nghĩ ra những biện pháp và lộ trình thích hợp để thực hiện tham vọng.

Cho nên VFF luôn miệng than vãn về đủ thứ khó khăn, nào là không có tài trợ, không có đào tạo trẻ, không  có bóng đá trường học - cái lối đổ lỗi cho khách quan và muốn gánh trách nhiệm bằng vai người khác đó là thái độ không thể nhầm của một tổ chức không có cả nghị lực lẫn sáng kiến. Trên thực tế, họ thu mình lại, xuê xoa và hài lòng với sân chơi của mình: V-League. Mà cái V-League đó cũng đang lộn xộn và nhếch nhác làm sao - công an lần tới đâu là nát ra tới đó.

Một Liên đoàn tự ti tất nhiên phải đẻ ra những câu lạc bộ tự ti. Viết tới đây, tôi tiếc cho cho ông Đoàn Nguyên Đức. Có lẽ CLB Hoàng Anh Gia Lai cách đây hai năm là câu lạc bộ duy nhất trong lịch sử Việt Nam quyết “đem chuông đi đấm xứ người”, mặc dù đấm mới vài phát thì chuông đã bị rè. Tôi mong ông Đức đừng nản, cố sắm lại một cái chuông mới xịn hơn, sang năm đem qua xứ người đấm tiếp. Ngoài ông Đức, thiệt tình tôi chưa thấy ai quyết “ăn thua đủ” ở sân chơi châu lục.

Bởi vì Liên đoàn ở trên nó thế thì các câu lạc bộ ở dưới nó cũng thế. Nếu VFF không thấy hổ thẹn khi đề ra chỉ tiêu “đứng vững trong top 3 Đông Nam Á” trong vòng 15 năm tới thì đội Đà Nẵng chẳng việc gì phải thấy nhục khi hoàn thành “chỉ tiêu” thua đội bạn đến 0-15. Ai cũng thấy, cũng như Liên đoàn hầu hết các câu lạc bộ hiện nay vẫn chí thú với việc đóng cửa chơi quẩn quanh trong nhà với nhau.

Còn ở bên trên miệng giếng, bầu trời cao rộng với biết bao kỳ hoa dị thảo, chả ai buồn biết tới! Muốn vươn tới những vì sao ư? Người hâm mộ cứ việc tưởng tượng, khát khao và bức xúc! Còn những người làm bóng đá Việt Nam thì nhìn nhau và ngâm thơ Chế Lan Viên như một cách tự bằng lòng: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp”.

Họ quên mất thi sĩ họ Chế còn có câu tiếp theo: “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Hỡi ôi!

Tin cùng chuyên mục