Tờ Guardian đã lên danh sách 5 HLV có khả năng bị sa thải nhất của mùa giải. Vấn đề không phải họ là HLV kém cỏi mà là áp lực đối với họ rất khủng khiếp. Hoàn cảnh ấy có thể biến họ trở thành “những kẻ liều mạng” và biết đâu, họ sẽ là những người làm thay đổi cục diện của mùa bóng.
Áp lực thành công
Áp lực luôn có 2 chiều hướng: đánh quỵ người ta hoặc khiến cho họ mạnh hơn, như kiểu có thể xảy ra với những người như Pellegrini hay Brendan Rodgers.
HLV của Liverpool là người đứng đầu trong bảng cá cược “HLV đầu tiên bị sa thải”. Có rất nhiều lý do: Thứ nhất, mùa này Liverpool chỉ đá Europa League, tức là họ phải làm cùng lúc 2 việc: đó là đoạt vé dự Champions League mùa sau (tốp 4) và không thể chơi kém cỏi tại Europa League, đấu trường hạng 2 của châu Âu.
Thứ hai, thể theo yêu cầu của Rodgers muốn có “một lối đi mới về chuyên môn” mà các ông chủ người Mỹ thay vì sa thải ông ta sau trận thua 1-6 cuối mùa trước thì lại thay thế toàn bộ dàn trợ lý chuyên môn, đồng thời chi thêm tiền để mua thêm 7 cầu thủ, nâng tổng chi phí mua sắm 2 năm qua lên gần 200 triệu bảng.
Nói cách khác, Liverpool của năm thứ 4 dưới thời Brendan Rodgers đã thay đổi hoàn toàn về nhân sự ngoài duy nhất vị trí của chính ông ta. Hơn bất kỳ HLV nào khác, Rodgers hiểu rõ hiểm nguy mà ông đang đối diện và đó là lý do người ta tin rằng toàn bộ mùa giải của Liverpool được quyền định trong khoảng 2/3 lượt đi nhất là khi họ có 7 trận sân khách toàn gặp những đội trong tốp 8 mùa trước.
Pellegrini cũng gần giống như vậy bởi biết rõ mình sẽ khó ở lại sau khi mùa bóng kết thúc vì hết hợp đồng. Dù không phải là mẫu HLV tham quyền cố vị nhưng Pellegrini hiểu rõ mùa giải sắp đến như một canh bạc. Ông ta sẽ có mọi thứ, từ uy tín đến một bản hợp đồng mới nếu thành công. Nhưng khác với Rodgers, dường như những ông chủ người Ả rập tại Man.City lại muốn Pellegrini ra đi vì đến nay, ngoài Sterling ra thì Man xanh không có thêm sự tăng cường đáng nói nào. Sterling có thể là một bản hợp đồng tốt nhưng cần phải nhớ là Man.City phải đá tốt trên 2 đấu trường, nhất là Champions League. Ai cũng thấy, thực lực của Man.City hiện nay mà giữ được ngôi á quân như mùa trước đã là thành công.
Áp lực đổi thay
Roberto Martinez (Everton), Claudio Ranieri (Leicester), Steve McClaren (Newcastle) lại đối diện với những thách thức mà có thể nói là vừa dễ, vừa khó. Dễ là vì họ không có những cái đích cụ thể để phải đạt cho được, còn khó là vì trong một giải đấu mà tỷ lệ HLV bị sa thải bình quân gần 11% mỗi năm thì chỉ cần có sự sa sút nào đó thì họ mất việc ngay chứ chưa cần đợi đến cuối mùa.
Ví dụ như Martinez, người có mùa bóng sau khi tiếp quản Everton từ tay David Moyes khá ổn nhưng mùa kế tiếp lại không thành công dù 2 năm qua, Everton đã chi tổng cộng 200 triệu bảng cho 16 tân binh nhằm đưa đội bóng màu xanh vùng Merseyside vào nhóm tranh vé Champions League. Đã có những ý kiến từ phòng thay đổ nói về chuyện Everton nên thay đổi chiến thuật thi đấu và Martinez không còn chọn lựa nào khác khi 8/10 trận đầu tiên của mùa tới, họ phải đá với các đội xếp trên họ mùa rồi.
Gần giống Martinez, trách nhiệm của cựu HLV Tam sư McClaren là tái sinh tinh thần hào hùng của thế lực lớn nhất vùng Đông Bắc Newcastle. Có vẻ như ông chủ tịch hám tiền Mike Ashley đã thay đổi suy nghĩ khi đầu tư 35 triệu bảng cho McClaren để xây dựng Newcastle theo hướng lâu dài hơn. Cũng chẳng còn cách nào khác, mời McClaren tức là chấp nhận một phong cách xây dựng đội bóng theo kiểu giàu kỷ luật, nặng tính khoa học theo quan điểm của HLV người Anh này. Vấn đề là sau khi giúp Twente lần đầu tiên vô địch Hà Lan, rõ ràng McClaren được người hâm mộ sân St’James Park kỳ vọng rất nhiều sau 9 năm quay lại Anh làm việc.
Với “gã thợ hàn” Claudio Ranieri cũng thế. Các ông chủ người Thái Lan phải có tham vọng thế nào mới sa thải Nigel Pearson, người giúp họ có kỳ tích trụ hạng mùa rồi để thay bằng HLV 63 tuổi trải qua đến 16 CLB khác nhau trong sự nghiệp như Ranieri.
Đăng Linh