
Tuần báo Newsweek (ấn bản Mỹ) vừa thực hiện một cuộc điều tra về thế giới chúng ta đang sống thể hiện dưới dạng những câu hỏi trắc nghiệm thuộc đủ lĩnh vực (chính trị, xã hội, văn hóa, thể thao, khoa học...). Những gì được giải đáp đã đem lại không ít thông tin thú vị...
Những bất ngờ từ Mỹ…

Cuộc thi Thần tượng âm nhạc (China Idol) tại Trung Quốc.
Không phải giá nhiên liệu tăng, chẳng phải khủng bố và cũng không phải sự thất bại của mô hình quỹ an toàn (hedge-fund), chính hiện tượng ngày càng có nhiều người Mỹ ít tiết kiệm mới là nguy cơ có thể làm sụp đổ nền kinh tế Mỹ! 25 năm qua, người Mỹ xài như điên. Đầu thập niên 80, người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm khoảng 10% thu nhập trừ thuế; năm 2005, tỷ lệ tiết kiệm tại Mỹ là zero! Từ năm 2000 đến nay, nợ của người dân Mỹ, chủ yếu nợ trả góp mua nhà và nợ ngân hàng để chơi cổ phiếu, đã tăng đến 82%, lên 13,4 ngàn tỷ USD! Liên quan đến Mỹ còn có câu hỏi, liệu có phải tỷ lệ kết nối băng thông rộng tại Mỹ thấp hơn Estonia hay không? Câu trả lời là đúng! Bất chấp việc người Mỹ khai sinh Internet, tạo ra mạng kết nối toàn cầu World Wide Web cũng như có Thung lũng Silicon, nơi vốn là niềm kiêu hãnh kỹ thuật cao của khoa học Mỹ, nước này vẫn “ngửi khói” nhiều quốc gia nghèo về mức độ hòa nhập thế giới bằng công cụ băng thông rộng. Báo cáo từ Tổ chức phát triển-hợp tác kinh tế (OECD) công bố tháng 4-2007 cho biết, Mỹ hiện xếp thứ 15 trong 30 nước phát triển sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao. Xét về tỷ lệ hộ dân được kết nối băng thông rộng tính toàn cầu, Mỹ thậm chí bị xếp thứ 24, sau Iceland, Phần Lan và cả Estonia.
Ngoài ra, còn có câu hỏi rằng liệu có phải Mỹ đang thống trị nền thể thao thế giới? Câu trả lời là không! Trong hầu hết thế kỷ 20, Mỹ gần như luôn là nhà vô địch toàn diện. Vận động viên Mỹ, thuộc nhiều lĩnh vực, đi đến đâu là lượm huy chương vàng đến đó. Thế vận hội gần như là võ đài của những vận động viên “độc cô cầu bại” đến từ Mỹ. Thế nhưng niềm tự hào đó đã trở thành chuyện “xưa rồi Diễm”. Mỹ hiện thất bại ở cả những môn sở trường như bóng rổ hoặc bóng chày (Nhật giành chiến thắng môn này ở cả Thế vận hội lẫn cuộc thi World Baseball Classic). Tại cuộc thi banh nỉ Davis Cup, Mỹ phải ra về trắng tay suốt 11 năm qua cũng như thất thủ trước châu Âu ở 6 mùa golf Ryder Cup gần đây nhất.
Và sau khi oanh liệt chiến thắng trong 132 năm đầu tiên của lịch sử America’s Cup (giải đua thuyền danh giá nhất thế giới), Mỹ liên tục bại trận tại America’s Cup từ năm 1992 đến nay. Thử giải thích vấn đề: theo truyền thống, nhiều vận động viên tài năng nhất lịch sử thể thao Mỹ đều xuất thân từ thành phần nghèo. Bây giờ, vận động viên bụng lép kẹp từ những nước nghèo hơn bắt đầu dạy những vận động viên Mỹ giàu sụ về giá trị đích thực của thể thao. Từng giữ danh hiệu người nhanh nhất thế giới cũng như vô địch hạng nặng quyền Anh nhiều thập niên, bây giờ Mỹ cũng nhường lại cặp giò nhanh nhất thế giới cho Jamaica và trao đai bốn danh hiệu vô địch quyền Anh hạng nặng cho Nga, Ukraine, Kazakhstan và Uzbekistan.
Những câu hỏi quanh vấn đề khoa học

Ở độ tuổi nào – niên thiếu, 42 hoặc 53 tuổi – thì não bộ ngưng sản sinh tế bào thần kinh (neuron)? Tất cả đều sai. Loạt nghiên cứu gần đây cho thấy sự kết nối mạng neuron trong não vẫn diễn ra ngay cả khi chúng ta ở độ tuổi trưởng thành. Các neuron mới xuất hiện tại cấu trúc hippocampus (nằm sâu trong não)... Liên quan vấn đề sức khỏe, một trắc nghiệm được đặt ra: điều gì khiến mỗi phút mỗi ngày một phụ nữ chết - bệnh tim, AIDS hay sinh nở? Câu trả lời là sinh nở. Những phụ nữ nghèo nhất chiếm tỷ lệ nạn nhân cao nhất.
Tại Hạ Sahara, nguy cơ tử vong bởi sinh nở là 1/6; so với 1/2.800 tại những nước phát triển. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hơn 300 triệu phụ nữ hiện sống với nhiều căn bệnh liên quan hậu sản. Vấn đề nằm ở điều kiện chăm sóc y tế và tất nhiên cả khả năng tài chính. Chẳng trách tại sao ở một nước có chế độ chăm sóc y tế tốt như Thụy Điển, tỷ lệ tử vong sinh nở là 1/3.000, theo Nancy Terreri (cố vấn UNICEF). Không chỉ bi kịch hậu sản, WHO cho biết thêm trung bình mỗi năm có 10.000 thai phụ và 200.000 trẻ sơ sinh tử vong bởi sốt rét…
Những câu hỏi quanh lĩnh vực nghệ thuật
Ai là diễn viên có thể giúp một bộ phim đạt doanh thu hơn 200 triệu USD? Reese Witherspoon, Halle Berry, Angelina Jolie hay Julia Roberts? Tất cả đều sai. Câu trả lời nằm ở một diễn viên khá xấu, khá mập và khá già, tên Nia Vardalos. Dù Julia Roberts vẫn được xem là diễn viên bảo chứng doanh thu số một Hollywood nhưng chưa bộ phim nào của cô vượt qua ngưỡng 200 triệu USD tại thị trường Mỹ. Jodie Foster tương tự và Reese Witherspoon cũng thế.
Trong thực tế, 40 năm qua, không phim nào với vai nữ chính lọt lên đầu bảng doanh thu tại Mỹ, cho đến khi xuất hiện My Big Fat Greek Wedding với diễn viên Nia Vardalos. Xét rộng hơn, phim với vai nữ chính tại Mỹ không thắng lớn về mặt doanh thu trong liên tục nhiều năm gần đây. Hiện tượng toàn cầu hóa đã trở thành một trong những cách lý giải.
Để sản xuất phim hợp khẩu vị nhiều thị trường, Hollywood tập trung vào chủ đề hành động, khiến “yểu điệu thục nữ” phải nhường chỗ cho “gân cốt nam nhi”. Phim bi và hài lãng mạn – thể loại sở trường của nữ – do không hợp gu thị trường quốc tế nên ngày càng ít được sản xuất. Cần nhấn mạnh, Hollywood đang sống nhờ thị trường nước ngoài. 5 năm qua, thị trường nội địa Mỹ gần như bão hòa trong khi thị trường nước ngoài chiếm 63% doanh thu các hãng phim Mỹ…
Trừ Nam cực, liệu có phải phiên bản Idol (Thần tượng âm nhạc) có mặt khắp thế giới? Đúng! Năm 2006, số người bình chọn cho các cuộc thi Idol tổ chức tại nhiều quốc gia đã vượt quá 2 tỉ. Tuy nhiên, cuộc chơi ngày càng rôm rả này bắt đầu được đánh giá thấp về mặt nghệ thuật và hầu như giống hệt nhau về trình độ chuyên môn cũng như cách tổ chức. Thật ra đó là chủ trương của FremantleMedia North America, nơi bán bản quyền Idol cho thế giới…
Liên quan hội họa, trắc nghiệm được đưa ra là “Tác phẩm nghệ thuật nào gây ảnh hưởng nhất trong 100 năm qua”? Câu trả lời: bức Les Demoiselles D’Avignon của Pablo Picasso. Cách đây 100 năm, khi Picasso hoàn thành “Những quí bà D’Avignon” (hè 1907), tác phẩm đã gây chú ý vì nó quá… quái đản, xét ở góc độ nghệ thuật đỉnh cao. Khi thấy bức vẽ vừa hoàn thành tại studio nhếch nhác của Picasso ở Paris, họa sĩ Henri Matisse đã bị sốc bởi vẻ thô thiển của nó.
Một họa sĩ khác theo trường phái hiện đại, André Derain (1880-1954), cho rằng Picasso đã đi quá xa đến mức không thể giấu được sự tù túng và khủng hoảng trong tư duy và kết quả Picasso chắc chắn sẽ tự tử! Thậm chí một người trung thành nhất mực với Picasso là Gertrude Stein cũng cho rằng Les Demoiselles là một thứ hội họa “mất nết”. Bây giờ, sau 100 năm, nó vẫn được đánh giá là một tác phẩm… cực xấu nhưng người ta chưa bao giờ gỡ nó xuống khỏi bức tường trong Viện Bảo tàng nghệ thuật hiện đại New York (MoMA) từ thập niên 40 đến nay.
Miêu tả 5 ả giang hồ khỏa thân trong một nhà thổ, Picasso bắt đầu vẽ Les Demoiselles năm 1906, thời điểm mà trường phái ấn tượng của Claude Monet và phong cách hoa lá cành của Henri Matisse đang là thời thượng. Tuy nhiên, Picasso đã táo bạo thể hiện tư duy lập thể theo một cách tân sáng tạo đến mức kỳ lạ, đặc biệt khi ông bị ám ảnh bởi những mặt nạ châu Phi nhìn thấy trong Viện Bảo tàng Dân tộc học Paris. Bức tranh không có tựa cho đến khi Picasso quyết định trình làng (sau nhiều năm giấu kín do sợ gây sốc) tại Salon d’Antin năm 1916. Một người bạn Picasso đã đặt tên cho nó, theo tên con đường tại thị trấn quê nhà Picasso ở Barcelona. Sau đó, Les Demoiselles lại được cất vào kho cho đến năm 1924, khi thi sĩ siêu thực André Breton thuyết phục một nhà sưu tập Pháp mua. Người này vẫn giữ Les Demoiselles cho đến khi vị giám đốc MoMA tìm đến và mua cho cuộc triển lãm Art in Our Time năm 1939...
Lê Thảo Chi