Những kỷ vật sống mãi với thời gian

Những kỷ vật không thể lãng quên
Những kỷ vật sống mãi với thời gian

Những lá thư thời chiến; những ngọn đèn từng đi vào thơ, ca, nhạc, họa; những trang nhật ký vẫn còn vương khói súng từng được ém kỹ dưới đáy ba lô... tất cả quyện hòa ý chí, mồ hôi và máu xương của nhiều thế hệ đã khiến thế hệ hôm nay thực sự xúc động. Tối 19-12, lễ tổng kết cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” đã được tổ chức tại Bộ Quốc phòng, số 5 đường Nguyễn Tri Phương, Hà Nội.

Những lá thư, trang nhật ký vẫn còn vương khói súng.

Những lá thư, trang nhật ký vẫn còn vương khói súng.

Những kỷ vật không thể lãng quên

Hai cuộc kháng chiến kéo dài qua nhiều thập kỷ trên dải đất Việt Nam đã biến nhiều cuộc đời trở thành ký ức, biến nhiều lời hẹn ước trở thành những giấc mơ. Có rất nhiều cuộc hội ngộ chỉ giản đơn là đối diện với những kỷ vật còn lại của người thân như một chiếc ca làm bằng vỏ đạn, một tấm áo, một bức thư trên bàn thờ nhang khói cùng nỗi nhớ thương day dứt khôn nguôi. Mỗi kỷ vật đều mang trong mình một phần lịch sử hào hùng của dân tộc.

Lần đầu tiên, hơn 1.000 hiện vật được trưng bày là những kỷ vật tiêu biểu trong số trên 11.000 hiện vật đã được các bảo tàng quân đội tiếp nhận qua cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến từ năm 2008 đến nay đã được trưng bày tại Hà Nội. Người xem lại một lần nữa lặng mình xúc động trước những kỷ vật thiêng liêng gắn với những mốc son lớn trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Đó là chiếc nồi đồng từng trộn máu, gạo, đất của mẹ Trần Thị Xân ở Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam - người mẹ có 5 con là liệt sĩ và chính mẹ cũng hy sinh khi đang nấu cơm phục vụ thương binh. Cũng còn đây chiếc mũ sắt của một liệt sĩ trong số 200 chiến sĩ mũ sắt của thủ đô Hà Nội thuộc Sư đoàn 312 đã hy sinh trong đêm 26-3-1968 ở Chư Tan Kra.

Chiếc chân giả của đồng chí Nguyễn Bằng Phi ở Bình Dương tự làm bằng ống pháo sáng của Mỹ lắp vào chiếc chân của mình đã bị mảnh pháo cắt đứt để trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu... Người xem cũng gặp ở đây cuốn nhật ký “Chuyện đời” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và cuốn nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn sau hơn 40 năm lưu lạc trên đất Mỹ. Đặc biệt, triển lãm lần này đã giới thiệu một số bộ sưu tập quý lần đầu được công bố: bộ sưu tập “Ngọn lửa sống mãi” gồm hàng chục kiểu, loại đèn kích cỡ khác nhau, được làm từ vỏ bom bi, đạn của địch… bộ sưu tập thư thời chiến gồm 581 bức thư, hầu hết chứa chan tình yêu và cả nước mắt của những người vợ, người mẹ khắc khoải xa chồng, xa con hay da diết nỗi nhớ quê hương, nhớ nhà của những người lính nơi chiến trận. Trong số này, có nhiều bức thư cuối cùng được gửi về gia đình của những người lính.

Viết tiếp những trang sử truyền thống dân tộc

Cuộc thi viết “Những kỷ vật kháng chiến” là hoạt động tiếp nối cuộc sưu tầm “Những kỷ vật kháng chiến” nhằm thu hút các tầng lớp nhân dân. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện, giúp chúng ta khám phá những điều bí mật diệu kỳ như những câu chuyện cổ tích đời thường về những cuộc đời, những hồi ức của những con người mà chiến công, sự hy sinh, đóng góp của họ đã hòa vào lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc.

Đó là bài Báu vật Trường Sơn kể về kỷ vật - chiếc gậy của anh bộ đội Phùng Văn Quán gửi về quê hương, xã Hòa Xá, Ứng Hòa, Hà Tây. Từ chiếc gậy này, các bô lão Hòa Xá đã phát động phong trào tặng gậy cho thanh niên lên đường nhập ngũ và trở thành chất liệu để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bài hát Chiếc gậy Trường Sơn nổi tiếng.

Có những kỷ vật vượt nửa vòng trái đất trở về một cách kỳ diệu như cuốn ký họa chiến trường của họa sĩ Lê Đức Tuấn. Bức Tâm thư thời chiến của anh tôi, kể về những lá thư đầy tâm huyết của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh, một trong những đại diện của thế hệ thanh niên Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, mà tác giả chính là em gái của liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Nga, một cựu TNXP. Những lá thư này, cùng với mái chèo của ông Lại Tấn Chuyên, người “đứng mũi chịu sào” cùng với mẹ Suốt anh hùng trên những chuyến đò chở bộ đội qua sông Nhật Lệ; bộ Quyết tâm thư gồm 70 lá thư viết bằng máu của 70 dân quân trong Đại đội dân quân Phùng Chí Kiên (Diễn Châu, Nghệ An) được tăng cường cho mặt trận Quảng Trị (đến nay chỉ còn 30 người)… đã trở thành báu vật.

Không chỉ tái hiện một phần quá khứ hào hùng của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến, những kỷ vật được sưu tầm đã phần nào giáo dục truyền thống, hun đúc tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Vĩnh Xuân

Tin cùng chuyên mục