Những “lằn roi” của đá

Đến đảo Phú Quý (Bình Thuận), bạn không chỉ được khám phá “vương quốc” của nghề nuôi cá mú nổi tiếng mà còn được xem nhiều khối đá độc nhất vô nhị! Nhiều chuyên gia du lịch phải thốt lên rằng: “Ở Việt Nam, ít nơi nào có nhiều núi đá độc đáo như ở đây”.
Những “lằn roi” của đá

Đến đảo Phú Quý (Bình Thuận), bạn không chỉ được khám phá “vương quốc” của nghề nuôi cá mú nổi tiếng mà còn được xem nhiều khối đá độc nhất vô nhị! Nhiều chuyên gia du lịch phải thốt lên rằng: “Ở Việt Nam, ít nơi nào có nhiều núi đá độc đáo như ở đây”.

Từ cảng Phan Thiết ra đến cảng Phú Quý phải mất hơn 5 giờ lênh đênh trên biển. Xem trên hải trình, đảo Phú Quý cách Phan Thiết 120km (khoảng 55 hải lý). Ấn tượng đầu tiên khi tàu còn cách chừng 1km, đảo Phú Quý hiện ra trải dài một màu xanh nổi lên giữa biển khơi khiến sự mệt mỏi phần nào tan biến.

Những “bậc thang của trời”.

Những “bậc thang của trời”.

Dấu ấn của ngọn núi lửa đã ngủ yên hàng triệu năm.

Dấu ấn của ngọn núi lửa đã ngủ yên hàng triệu năm.

Mấy ngày ở đảo, chúng tôi đi thăm những di tích đá. Có thể nói, ít nơi nào trên đất nước Việt Nam lại có những dãy núi đá kỳ thú, nhiều cung bậc như ở hòn đảo này. Đầu tiên là dãy núi đá Cao Cát cao khoảng 100m so với mực nước biển gây cho lữ khách sự ngạc nhiên vì “những lằn roi” của đá!

Theo các nhà địa chất, sở dĩ núi đá này có nhiều hình thù, biến tấu kỳ thú là do cách đây cả trăm triệu năm, ngọn núi này chìm dưới biển, qua quá trình địa chấn, núi trồi lên, rồi trải qua mưa gió, thời gian… đã tạo ra những dãy núi đá kỳ lạ. Đặc biệt trên núi Cao Cát có ngôi cổ tự Linh Sơn nằm trong hang núi khá huyền hoặc, u tịch cũng là điểm tham quan hấp dẫn.

Gần núi Cao Cát là vịnh Doi Thầy cũng có nhiều dãy đá độc đáo. Khác với những tảng đá trên núi Cao Cát, những khối đá ở Doi Thầy là vết tích của núi lửa, phủ lên một màu nham thạch đen xám. Cũng theo các nhà địa chất học, trước đây, đảo Phú Quý là ngọn núi lửa từng phun trào và đã “ngủ” cách đây hàng triệu năm, lưu lại cho hậu thế những dãy đá lạ lẫm.

Chưa hết, ở núi Cấm - cao 106m so với mực nước biển, ngọn núi cao nhất của đảo - cũng có dãy đá “không đụng hàng”. Đá ở đây chẳng khác nào “bậc thang” của đất trời, thậm chí có nhiều khối đá có hình dáng như những khối thạch nhũ lộ thiên. Trên núi Cấm còn có ngọn hải đăng được mệnh danh là “mắt biển quốc tế”, vì đảo Phú Quý nằm gần đường hàng hải quốc tế.

Đảo Phú Quý có khu nuôi cá mú biển bán tự nhiên lớn nhất Việt Nam nằm ở vịnh Lạch Dù, với khoảng 100 hộ chuyên nuôi cá mú. Ở đây người ta nuôi 2 loại cá mú: Cá mú đỏ (được bắt từ thiên nhiên) và cá mú đen, hay còn gọi là cá mú cọp. Thịt cá mú ngon, được xếp vào loại đặc sản trong nhiều nhà hàng ở đất liền hiện nay. 1kg cá mú đỏ bán tại chỗ giá không dưới 200.000 đồng.

Châu Phong

Tin cùng chuyên mục