
Chúng ta thiếu các luật định cần thiết để chế tài trong các trường hợp này hay chính là thái độ thờ ơ hoặc thiếu năng lực của các cấp chính quyền đối với doanh nghiệp? Đặc biệt, qua cuộc tranh chấp này đã bộc lộ một số vấn đề trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trước đây mà dư luận đã đề cập nhiều nhưng chưa gây chú ý.
- Những khoảng trống trong doanh nghiệp CPH

Trụ sở Công ty cổ phần Sản xuất -Dịch vụ - Thương mại Đay Sài Gòn (SAJUCO), tại Công trường Mê Linh quận 1, nơi ông Khảm và nhóm cổ đông của ông đang canh giữ một phần văn phòng. Ảnh: A.C.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và một số phó tổng giám đốc của Đay Sài Gòn bản thân mỗi người chỉ giữ số cổ phiếu 1% vốn điều lệ, chính vì vậy mà số nhóm cổ đông còn lại rất lo ngại khi những người giữ vận mệnh tiền vốn của họ lại không có mấy trách nhiệm.
Thông thường, trong những trường hợp khác, HĐQT sẽ có thể thuê giám đốc điều hành với mức lương do đại hội cổ đông quyết định, cùng với những lợi ích khác như mời chào cổ phiếu ưu đãi hay ăn chia tỷ lệ phần trăm trên lợi nhuận ròng làm ra. Từ những nguồn thông tin ban đầu cho thấy, việc một số nhóm cổ đông nắm giữ một tỷ lệ đa số ở đây lo ngại cho số vốn mình đã bỏ ra là chính đáng.
Nguyên nhân sâu xa tại sao xảy ra việc đẩy giá cổ phiếu tại đây lên quá cao, có hay không việc các nhà đầu tư bên ngoài thâu tóm doanh nghiệp, nhiều chuyên gia phân tích đó là do ban đầu khi tiến hành CPH, việc định giá giá trị tài sản tại doanh nghiệp này quá thấp so với thực tế. Các cổ đông khi mua cổ phần tại Đay Sài Gòn hay một số DNNN khác khi CPH chính là trông chờ và quỹ đất hay các vị trí đắc địa mà doanh nghiệp này đang có lợi thế.
Từ lâu, chúng tôi đã nghe râm ran ý kiến, CPH là cuộc chia chác cuối cùng tài sản nhà nước, nên bất cứ doanh nghiệp nào CPH cứ mua được cổ phiếu phát hành lần đầu là có lãi. Mấy năm trước, đã có những chuyên gia kinh tế dự báo chỉ mấy năm nữa nhiều doanh nghiệp CPH sẽ khó khăn khi hết được hưởng các ưu đãi này.
Cách đây gần 2 năm, sau khi nhận phần vốn nhà nước tại Đay Sài Gòn, ông Nguyễn Ngọc Sang, Tổng Giám đốc LIKSIN đã không khỏi kinh ngạc khi biết rằng khu vực trụ sở Công ty Đay Sài Gòn ở Công trường Mê Linh, một trong những vị trí đẹp nhất thành phố, đang được cho thuê một số mặt bằng với giá khoảng 9-10 tỷ đồng/năm, nhưng hội đồng định giá chỉ định giá trị khu vực này 4 tỷ đồng khi CPH. Cả một doanh nghiệp có cơ ngơi lớn (có một số mặt bằng nhà xưởng khác nữa) vậy mà định giá tổng cộng có 16 tỷ đồng là quá thấp.
Ngoài ra, trong các công ty đã CPH có thể thấy thái độ thờ ơ của các cơ quan chức năng trước tiền vốn của nhà nước. Tuy có đại diện vốn nhà nước tại các công ty được CPH nhưng dường như không ai tìm cách phát triển số vốn này tương ứng với quá trình phát triển doanh nghiệp. Chính vì vậy, tại nhiều doanh nghiệp sau CPH, tỷ lệ vốn nhà nước ngày càng giảm và đã có nhiều doanh nghiệp người đại diện vốn nhà nước bị hất ra khỏi doanh nghiệp, mọi việc đều do cổ đông nắm giữ tỷ lệ vốn cao nhất điều hành.
- Đúng sai chờ tòa
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thành Đại, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, qua nghiên cứu đơn trình của ông Trần Hải Âu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đay Sài Gòn về trình tự và thủ tục triệu tập đại hội đồng cổ đông không thực hiện theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty, về một nhóm cổ đông đang chiếm giữ bất hợp pháp trụ sở công ty, sở này cho rằng đến nay ông Trần Hải Âu vẫn là đại diện hợp pháp của Đay Sài Gòn.
Vì theo quy định của Luật Doanh nghiệp, sau khi có kết quả bầu cử tại đại hội cổ đông, nếu người trong HĐQT và Ban kiểm soát không được tín nhiệm thì phải đăng ký lại với cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT), sau đó khi có quyết định của cơ quan này thì hai bên sẽ tiến hành bàn giao công việc, người vừa đắc cử mới chính thức nhận nhiệm vụ.
Theo quy định tại Điều 79, Luật Doanh nghiệp, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày quyết định được thông qua, cổ đông, thành viên HĐQT, giám đốc (tổng giám đốc) và Ban kiểm soát có quyền yêu cầu tòa án xem xét và hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp trình tự và thủ tục triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định của luật này và điều lệ công ty; nội dung quyết định vi phạm quy định của pháp luật hay điều lệ công ty. Còn trường hợp hai nhóm cổ đông có tranh chấp quyền lợi thì sau khi tự thỏa thuận với nhau không được thì đưa ra tòa án kinh tế xử lý.
Ông Nguyễn Ngọc Sang, Tổng Giám đốc Công ty LIKSIN, đơn vị giữ 21% vốn điều lệ trong Công ty Đay Sài Gòn (đại diện 10% phần vốn nhà nước và mua thêm 11,09% cổ phiếu phổ thông) thì cho rằng, các cơ quan chức năng quá chậm khi xử lý vụ việc, có thể gây nên hậu quả khó lường. Ông không đồng ý hành động chiếm giữ văn phòng và cho rằng cần phải trả ngay về nguyên trạng, trong trường hợp mà kết quả đại hội này được công nhận thì cũng phải có sự kiểm kê tài sản và bàn giao đúng luật.
Cho đến nay, tính pháp lý của đại hội còn chờ tòa quyết định nên hai phía không được manh động. Cần phải đánh giá lại giá trị nhà nước tại doanh nghiệp này vì chỉ riêng khu đất tại trụ sở công ty, khoảng 2.200m2 chỉ được định giá có 4 tỷ đồng. Như vậy, chỉ cần sau 2 năm là có thể hòa vốn từ số tiền cho thuê này. Đây là một lỗ hổng quan trọng trong quá trình định giá tài sản doanh nghiệp nhà nước khi CPH, mà theo ông Sang, không chỉ diễn ra tại Công ty Đay Sài Gòn.
VĂN MINH HOA
Thông tin liên quan
Diễn tiến mới: chờ các cơ quan chức năng giải quyết!