Đợt triều cường giữa tháng 11 mới đây lại xuất hiện đỉnh triều lịch sử mới trong vòng 49 năm qua, lên mức 1,54m (so với 1,49m tháng 10-2007) tại Trạm Phú An (quận 1 TPHCM), vượt qua mức báo động 3 (1,50m). Cũng trong đợt triều cường này, mực nước từ 1,50m trở lên đã xuất hiện 5 lần vào các ngày 12, 13, 15, 16 và 17-11.
Việc triều cường ở đỉnh cao liên tục xuất hiện trong một đợt triều như thế là bất thường. Khoảng 10 năm về trước, thông thường triều cao của TPHCM ở mức trên dưới 1,30m nhưng từ đó đến nay đỉnh triều liên tục tăng lên cao với tốc độ nhanh hơn, từ mức 1,40m lên mức 1,44m, rồi 1,46m, 1,47m và nhanh chóng tăng lên 1,49m năm 2007. Đáng lo ngại, ngay năm sau đã vượt qua cột mốc 1,50m khá xa, đến 1,54m năm 2008.
Đợt triều cường lần này cũng “hội tụ” khá nhiều điều bất lợi mà những người trong ngành thủy lợi TPHCM lo ngại. Đó là ngoài triều cao cuối năm, TP phải chịu áp lực xả lũ của hồ Dầu Tiếng. “Tổ hợp bất lợi” có thể xảy ra, chỉ còn thiếu mưa tại chỗ và bão tràn vào khu vực.
Nhớ rằng, triều cao rơi vào cuối năm cũng là thời điểm bão di chuyển vào phía Nam. Hồ Dầu Tiếng do đã tích cao đến 24,63m, trong khi mực nước thiết kế 24,4m nên buộc phải xả lũ trùng với triều cường cao, tuy chỉ xả ở mức từ 100m3/giây đến 400m3/giây nhưng đã gây khá nhiều áp lực cho TP.
Qua đó cũng đã bật ra khá nhiều vấn đề mà TP cần phải xem xét để có thể ứng phó cho những đợt triều cường mới, trước mắt là 5 đợt triều cao từ nay đến Tết Âm lịch. Mặc dù đợt triều cao vừa qua chỉ xảy ra 30 điểm vỡ, tràn bờ, thiệt hại không nhiều so với 62 điểm với hơn 1 tỷ đồng thiệt hại năm 2007, nhưng theo thiết kế hồ Dầu Tiếng có thể xả lũ lên đến 1.800m3/giây và với tần suất 100 năm/lần có thể lên đến 3.600m3/giây.
Từ khi hoạt động đến nay, hồ Dầu Tiếng từng có lần xả 600m3/giây và khi mới đưa vào vận hành gần 20 năm trước đã từng xả 800m3/giây khi gặp sự cố, lúc đó đã gây ngập trên diện rộng ở nhiều khu vực ven sông.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP, việc xả lũ thời gian ngắn vừa qua cho thấy, khả năng thoát nước của sông Sài Gòn đã bị suy giảm mạnh do tình trạng lấn chiếm sông rạch, ao hồ.
Ngoài ra, quá trình đô thị hóa, bê tông hóa đất nông nghiệp mà theo ông Lê Thanh Liêm, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy PCLB TP, chưa đến 10 năm, diện tích đất nông nghiệp (có tác dụng giữ nước thoát nước) chuyển đổi công năng hơn 12.600ha, trong khi tiến trình đô thị hóa vẫn còn tiếp diễn. Do vậy, những tổ hợp bất lợi sẽ còn xuất hiện và có thể không chỉ 2 yếu tố như vừa qua. Điều gì sẽ xảy ra nếu những tổ hợp bất lợi với nhiều yếu tố xuất hiện trong thời gian tới?
ĐĂNG LÃM