
Việc phát triển mảng xanh cho thành phố là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, song làm thế nào để có diện tích đất dành cho phát triển mảng xanh lại là điều không dễ. Trong quy hoạch cây xanh TPHCM, đến năm 2010 phải đạt mức bình quân 6-7m2/người nhưng hiện nay chỉ mới đạt mức 1,6m2/người.
Quy hoạch cây xanh phá sản

Trong 24 quận - huyện, quận 5 là một trong những quận có tỷ lệ cây xanh trên đầu người thấp nhất – khoảng 0,3m2/người. Thậm chí, các phường 5, 6, 14, 15… được xem là “vùng trắng” về cây xanh vì không có cây xanh trên đường phố.
Lý giải thực trạng này, ông Lê Văn Pha, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 5, cho biết: Quận 5 là quận trung tâm TPHCM về buôn bán nên “tấc đất, tấc vàng”, tìm được diện tích đất dành cây xanh là cực kỳ khó. Trước đây, trong quy hoạch tổng thể của quận có xen cài các mảng xanh nhưng đến nay gần như phá sản. Một ví dụ điển hình là các mảng xanh dọc đại lộ Đông Tây.
Theo dự kiến trước đây của quận, các rẻo đất còn lại dọc theo đại lộ sẽ được tận dụng trồng cây xanh. Tuy nhiên hiện nay, đại lộ xây dựng rộng hơn 40m nên không còn đất làm cây xanh. Tại quận 3, việc phát triển cây xanh gần như bế tắc.
Ông Trần Văn Đông, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 3, nhìn nhận: ngoài những công viên do thành phố quản lý, trên địa bàn quận không có công viên nào “coi cho được”, chỉ có một ít mảng xanh dọc theo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè kéo dài từ phường 7 đến phường 14 và các mảng xanh xen cài trong khuôn viên của các chung cư cao tầng.
Tương tự, diện tích các mảng xanh tại các quận - huyện khác cũng rất nhỏ. Quận Tân Phú chỉ có 1 công viên rộng 0,74ha; các quận 4, 7, 8, 10, 11 mỗi quận chỉ có hai công viên, đạt mức 0,02 – 0,61m2/người; còn các quận 2, Bình Tân, Nhà Bè và huyện Cần Giờ vẫn chưa có bất kỳ công viên nào. Chưa kể hiện nay nhiều công viên không hoạt động đúng với chức năng là không gian sinh hoạt của cộng đồng. Các công viên này bị đơn vị chủ quản và người dân chiếm dụng, sử dụng sai công năng, mà phổ biến nhất là “xẻ thịt” công viên để kinh doanh.
Chưa có hướng ra
Thành phố có chủ trương các quận - huyện phải tận dụng triệt để không gian đô thị để phát triển cây xanh đô thị. Phải dựa vào các dự án cải tạo nâng cấp đô thị, giải tỏa xây dựng mới các khu nhà ở lụp xụp, xuống cấp; di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, kho tàng gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch; cải tạo hệ thống kênh rạch, mở đường giao thông… để tăng cường mảng xanh cho địa phương mình. Chủ trương này được đề ra từ đầu năm 2000, tuy nhiên đến nay hầu như chỉ nằm trên giấy, nếu có thực hiện thì chỉ… cho có!
Quận 3 chưa di dời được cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nào ra ngoại thành nên không có đất cho công viên. Quận 5 đang chờ sau khi di dời được Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, Công ty Bia Sài Gòn, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ tận dụng diện tích đất đó để tăng cường mảng xanh cho quận.
Vấn đề đặt ra là liệu khi di dời được các đơn vị doanh nghiệp trên thì diện tích có được sử dụng đúng như mục đích mà quận đưa ra? Bởi theo thống kê của Phòng Kinh tế quận 5, cho đến nay quận đã di dời được 22 đơn vị, doanh nghiệp khác nhưng phần lớn các diện tích đất thu hồi được sử dụng để xây dựng các công trình, chỉ chừa lại một diện tích nhỏ làm mảng xanh.
Thực trạng đã như vậy, giải pháp tăng cường mảng xanh trong thời gian tới cũng đang bị bế tắc. Theo Phòng Quản lý đô thị quận 5, hiện quận không thể tìm đâu ra diện tích đất để lập công viên. Cách tăng cường mảng xanh khả thi nhất là vận động người dân tự tăng cường mảng xanh cho gia đình mình, chỉnh trang lại tỷ lệ mảng xanh hiện có trong các công viên, tiểu đảo đang hiện hữu; tăng cường cây xanh đường phố và trong từng công trình xây mới.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 3, hiện quận 3 đang có khu đất ở phường 11 dự tính làm công viên nhưng kinh phí quá cao nên dự kiến chỉ có thể làm mảng xanh thôi, còn các khu vực khác thì quận đành chào thua vì chưa thể tìm đâu ra đất.
Cũng xin được nhắc lại là theo dự án quy hoạch công viên cây xanh TPHCM, chỉ tiêu diện tích công viên cây xanh công cộng đô thị đến năm 2010 phải đạt bình quân 6-7m2/người (không kể cây xanh đường phố, cây xanh cách ly khu công nghiệp, cây xanh khuôn viên nhà ở). Trong đó, khu vực nội thành cũ (12 quận) là 3-4m2/người, khu vực 5 quận mới và ngoại vi thành phố là 8-10m2/người.
Thực tế hiện nay mới chỉ đạt mức 0,6m2/người (quận nội thành cũ), 2,8m2/người (quận mới) và 3,3m2/người (ngoại thành) – một con số quá thấp. Nếu so với mức bình quân cây xanh/người năm 2000 thì sau hơn 5 năm thực hiện dự án, mảng xanh đô thị vẫn không tăng. Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là do việc sử dụng đất tạo mảng xanh đô thị không hấp dẫn các nhà đầu tư, hay nói đúng hơn không sinh lợi bằng các hoạt động dịch vụ thương mại khác như xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê hay chung cư…
Trong các quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị của quận - huyện đều có xác định vị trí quy mô đất dành cho phát triển công viên cây xanh. Thế nhưng các bản quy hoạch này lại không đưa mốc giới ra thực tế, không có giải pháp khả thi giữ đất nên dẫn tới tình trạng xâm lấn đất, phá vỡ quy hoạch.