
Hàng ngày theo dõi thời sự, người dân càng trở nên quen tai, quen mắt với ba chữ cái GDP bởi trong các cuộc họp và trên các phương tiện truyền thông đại chúng khái niệm này luôn được nhắc tới.
Chẳng hạn, tại phiên họp Chính phủ cuối năm 2006, diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 26 và 27-12, một trong ba nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2007 là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,5%, từ cái mức gần 8,2% đã có của năm 2006 (http://www.mofa.gov.vn). Thế nhưng GDP thực chất là gì? Nó có phản ánh trung thực nội lực một nền kinh tế và phản ánh đúng mức khang lạc (well-being) của dân chúng hay không?

Nói đơn giản, GDP (Gross Domestic Product: tổng sản phẩm quốc nội) của một nước là giá trị thị trường (market value) của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trên phạm vi lãnh thổ nước đó trong khoảng thời gian thường là một năm. Ngày nay GDP trở thành một chỉ báo (indicator) được các nhà hoạch định chính sách, các kinh tế gia, các cơ quan quốc tế, các phương tiện truyền thông sử dụng phổ biến để phản ánh mức tăng trưởng hay sức mạnh kinh tế của một nước.
Để tính GDP, thông thường các nhà kinh tế áp dụng công thức (tiếng Anh): GDP = C + I + G +NX.
Có nghĩa là: GDP = Tiêu dùng + Đầu tư + Chi tiêu chính phủ + Xuất khẩu ròng.
Tạm hiểu khái quát bốn yếu tố cấu thành GDP như sau:
- Tiêu dùng (C: consumption) tức là tổng số chi tiêu của người tiêu dùng như mua sắm hàng hóa và dịch vụ. Nếu điều kiện vệ sinh, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, phòng dịch xã hội kém, người dân bệnh nhiều, chi phí thuốc men, y tế lên cao, nó cũng làm GDP tăng lên, nhưng bản thân các con số biểu thị GDP không phản ánh được mặt yếu kém về sức khỏe (tức là điều kiện khang lạc) của dân chúng.
- Đầu tư (I: investment) ở đây không có nghĩa là tham gia mua bán chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) tại thị trường chứng khoán. Nó là đầu tư vốn của các nhà kinh doanh vào cơ sở hạ tầng như xây dựng nhà ở, nhà máy, làm đường sắt, đường bộ, cầu cảng, kho bãi, khai phá đất hoang, v.v... Các đầu tư này có thể làm đảo lộn cuộc sống người dân sở tại khi họ bị di dời và tái định cư (họ buộc phải thích ứng chỗ ở mới, tìm một nghề sinh nhai mới…).
Các đầu tư này còn có thể làm thay đổi môi trường tự nhiên tại một vùng rộng lớn (nhà máy gây ô nhiễm, khu nhà cao tầng mới cất làm mất cảnh quan thiên nhiên, ngăn chặn dòng thoát nước, gây ngập lụt…). Các đầu tư này làm tăng GDP nhưng các yếu kém, thiệt thòi về mức khang lạc của dân chúng không hề được phản ánh qua các con số biểu thị GDP.
- Chi tiêu chính phủ (G: government spending) là tổng giá trị chi phí của chính phủ. Chẳng hạn, nó có thể gồm luôn (a) chi phí in thêm tiền trong trường hợp lạm phát cao (high inflation); (b) tiền lãi chính phủ phải trả các khoản nợ vay quốc tế. Các tội phạm xã hội tăng lên cũng làm chính phủ phải tiêu tốn nhiều hơn để giải quyết hậu quả, v.v… Tất cả những chi phí lớn như thế đều bất lợi cho mức khang lạc của dân chúng nhưng lại là yếu tố tính gộp vào để làm tăng GDP.
- Xuất khẩu ròng (NX: net exports) hay cán cân mậu dịch (trade balance) là chênh lệch giữa kim ngạch (turnover: doanh số) xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu của một nước trong một năm. Nếu xuất nhiều hơn nhập thì có thặng dư mậu dịch (trade surplus: xuất siêu); xuất ít hơn nhập thì bị thâm hụt mậu dịch (trade deficit, trade gap: nhập siêu).
Trong trường hợp xuất siêu, thặng dư mậu dịch là yếu tố làm tăng GDP nhưng thử thí dụ, nếu thực chất việc xuất siêu ấy là xuất nguyên liệu thô, là do khai thác tài nguyên thiên nhiên (natural resources) quốc gia quá mức thì GDP càng tăng có nghĩa là tài nguyên thiên nhiên càng nghèo đi đồng thời thường kèm theo “tác dụng phụ” là môi trường bị hủy hoại càng lớn.
Một diễn giải không mang tính “hàn lâm” như trên về GDP thiết nghĩ tạm đủ để cho ta có thể nhận thức rằng:
1- GDP không phản ánh được tính cân đối hài hòa của sự phát triển, bởi lẽ một nước có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao chỉ vì khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Phát triển công nghiệp, kích cầu để đẩy mạnh sản xuất thường làm hủy hoại môi trường mà sự trả giá lại quá đắt.
2- GDP không phản ánh trung thực sự phân chia lợi ích trong phạm vi đất nước. Có thể có những nhóm đông người không thu được lợi ích gì từ lợi ích kinh tế chung. GDP cao có thể là kết quả của một số ít người quá giàu đem lại cho nền kinh tế trong khi phần lớn dân chúng còn sống dưới mức nghèo khổ.
3- GDP thực chất chỉ là một phép tính gộp các sản phẩm và dịch vụ đã bán mua, trao đổi; nó không phân biệt tách bạch những giao dịch (transactions) nào làm khang lạc tăng lên, những giao dịch nào làm cho khang lạc bị thủ tiêu.

Một bảng tổng kết tài sản (balance sheet) cuối năm của mọi doanh nghiệp đểu có hai cột Nợ (Debit) và Có (Credit) để tìm ra kết quả lỗ lãi kinh doanh. GDP không hề có được chức năng ấy để tìm ra đáp số cho câu hỏi: GDP năm qua tăng trưởng, nhưng khang lạc quốc dân năm qua có tăng trưởng tương xứng không?
***
Công tâm mà nói, các nhà kinh tế có quan điểm nhân bản (humanistic) đều biến sự hạn chế, phiến diện của chỉ báo GDP. Tuy nhiên, trong nửa thế kỷ qua (từ sau Đại chiến thứ hai) các nhà kinh tế vẫn chưa tìm và chọn được một chỉ báo nào khác hợp lý hơn, thuyết phục hơn nhằm thay thế GDP.
Do đó, nêu lên tính bất túc của GDP ở đây hoàn toàn không phải để “phản biện” tiêu cực một chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra, nhưng chính là bày tỏ nguyện vọng rằng ta phải có một “thước đo” (measurement) nào khác song hành với GDP để bổ khuyết cho nhược điểm rất lớn của GDP là nó không hề quan tâm đánh giá và phản ánh mức khang lạc của quốc dân.
Và phát triển kinh tế sẽ thực sự có ý nghĩa rất lớn về mặt nhân sinh một khi mức khang lạc quốc dân cũng tăng trưởng đồng bộ.
DŨ LAN LÊ ANH DŨNG