Những mối tình không thể chia ly

Sắt son lời hẹn ban đầu
Những mối tình không thể chia ly

Thời đất nước bị chiến tranh chia cắt, có biết bao bà mẹ mất con, biết bao đứa trẻ mất cha mẹ và biết bao người vợ mất chồng, mất đi những người thương yêu nhất. Và cũng có biết bao mối tình phải chia ly, tan vỡ. Nhưng, những người phụ nữ mà chúng tôi đã được gặp, vẫn âm thầm sống với mối tình của mình trong tâm tưởng - những mối tình không thể chia ly. Ngày 29-7, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, hàng trăm bạn trẻ TPHCM đã có buổi giao lưu thú vị với những người phụ nữ Việt Nam giàu lòng yêu thương và rất đỗi can trường ấy.

Các mẹ chụp ảnh lưu niệm với đông đảo bạn trẻ sau buổi giao lưu. Ảnh: M.An

Các mẹ chụp ảnh lưu niệm với đông đảo bạn trẻ sau buổi giao lưu. Ảnh: M.An

Sắt son lời hẹn ban đầu

Sau hiệp định Genève, có hàng trăm ngàn gia đình phải sống trong cảnh chia ly, chồng Bắc vợ Nam. Tiễn chồng tập kết ra Bắc, bà Lâm Thị Út Một (cựu tù Côn Đảo, tên thường gọi là Ba Để) ở lại miền Nam vừa hoạt động cách mạng vừa nuôi dưỡng cha mẹ chồng. Bà bị bắt vào tù, đôi vợ chồng trẻ cũng mất liên lạc. Ông Phạm Hùng Vĩnh đau đớn khi nghe tin vợ mình bị địch bắt và thủ tiêu. Rồi ông được một người phụ nữ khác đến với cuộc đời, chăm sóc vết thương cho ông. Đến ngày hòa bình thống nhất, ông mới biết vợ mình còn sống, đã trải qua tù ngục khắc nghiệt, vượt qua mọi cám dỗ dành trọn yêu thương và thủy chung với mối tình duy nhất. Cả ba người đều rơi vào nghịch cảnh, ông nói với lương tâm mình, ngày nào ông còn sống trên trái đất là ông không thể nào quên và xa cách bà.

Bà Dương Thanh Cầm cũng là một trong những người vợ trong “cuộc chia ly màu đỏ” những năm ấy. Tiễn chồng lên đường vào Nam, bà ở lại miền Bắc vừa nuôi 3 con thơ vừa phấn đấu thi vào Đại học Y khoa. Biết tin chồng - đồng chí Nguyễn Thế Truyện, Sư trưởng Sư đoàn 5 hy sinh trong trận tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, bà vừa kiềm nén nỗi đau, vừa phải nói dối vì sợ người thân không chịu nổi tin dữ. Bà lặng lẽ nuôi dạy các con khôn lớn, trở thành người có ích cho xã hội với ý nghĩ “hạnh phúc của mẹ thì ngắn còn hạnh phúc của con thì còn dài”.

Mối tình của đôi vợ chồng ông Trịnh Hoài Châu, cán bộ tình báo Khu Sài Gòn Gia Định và bác sĩ Đỗ Thị Nga dù có chút may mắn hơn nhưng cũng trải qua không ít thăng trầm. Hoạt động trong Phủ Tổng thống ngụy quyền, ông Châu nắm giữ kế hoạch bình định của chính quyền Sài Gòn. Sau Mậu Thân, ông tìm cách chuyển tài liệu về chiến khu nhưng việc bị lộ, ông bị bắt. Ở chiến khu, bà nghe tin ông bị đưa ra “pháp trường cát” thủ tiêu. Rồi bất ngờ, họ gặp nhau ở chiến khu. Đó là giây phút không thể nào quên trong cuộc đời họ. 12 năm ròng không gặp cũng không biết tin nhưng họ đã chờ đợi nhau, vượt qua nhà tù và cái chết, tình yêu của họ đẹp vô cùng và bền chặt theo năm tháng. “Lời hẹn ban đầu với tôi có giá trị tuyệt đối”, giọng ông Châu trầm ngâm lẫn hạnh phúc.

Tù đày không ngăn được tình yêu

Cuộc chiến tranh giữ nước bao giờ cũng có những mất mát, đau thương. Để đất nước có ngày hòa bình, giàu đẹp hôm nay, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã dấn thân ra mặt trận, đến nơi đầu sóng ngọn gió và hiểm nguy nhất. Bà Đỗ Duy Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM, vợ liệt sĩ Lê Duy Nhuận, bày tỏ: “Có gì đau đớn hơn khi một nửa của mình bị giằng ra khỏi cuộc sống. Nỗi đau ấy lớn lắm. Nghe tin chồng hy sinh, tôi tưởng chừng cả trái đất này sụp đổ”, nhưng rồi cuộc chiến tranh khắc nghiệt không cho phép bà mềm yếu. Bà đứng lên vượt qua những ngày tù ngục khắc nghiệt, trở thành một nữ chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận ngoại giao, một cán bộ lãnh đạo TP bản lĩnh, sâu sát. 

Không ít bạn trẻ tại buổi giao lưu đã bày tỏ sự cảm phục, xót xa khi nghe chuyện tình của bà Cao Thị Quế Hương. Cùng hoạt động trong phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn, chị và anh Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết) đã có những năm tháng đối mặt với hiểm nguy. Ngày 5-3-1970, anh chị bị bắt, cả hai cùng bị tra tấn dã man. Anh gởi chị lời chúc mừng sinh nhật lần thứ 29 với tất cả lời yêu thương qua bức tường phòng giam. Chị được ra tù, nhưng địch nhất định bắt Ba Triết, tra tấn anh đến kiệt sức. Suốt 3 năm, tuần nào chị cũng đều đặn vào thăm nuôi anh và quyết định làm lễ kết hôn với anh trong nhà tù. Đám cưới của đôi bạn trẻ chỉ có vậy, không rượu, không hoa, không gia đình cũng không có đêm tân hôn, chỉ có những lời chúc mừng của đồng đội sau những song sắt nhà tù.

“Hôm nay được nghe những câu chuyện rất xúc động từ các mẹ, là những người chiến sĩ trong thời bình, chúng con xin ghi khắc vào tâm khảm. Chúng con biết ơn các mẹ, những người mẹ Việt Nam không ngại gian khổ, hy sinh, giàu lòng nhân hậu và quá đỗi kiên cường. Thay mặt cán bộ chiến sĩ và các bạn trẻ, con xin gởi tặng các mẹ bài hát Người mẹ của tôi của Xuân Hồng để tỏ lòng tri ân”, anh Nguyễn Long Hoàng, công tác tại Bộ Tham mưu Quân khu 7 bộc bạch. Đâu đó những giọt nước mắt hạnh phúc và những tràng pháo tay cứ nối tiếp nhau vỡ òa…

Minh An

Tin cùng chuyên mục